Hà Lan và bài toán sơ đồ thi đấu: Louis van Gaal vẫn “loạn đao pháp”
Ứng viên World Cup 2014 (số 8): ĐT Hà Lan
CUỘC CÁCH MẠNG BẤT THÀNH
Xưa nay, nói tới bóng đá Hà Lan là người ta lập tức nghĩ đến bóng đá tổng lực và sơ đồ 4-3-3. Dù thời hoàng kim của thứ “Totaalvoetbal” ấy đã khá xa, từ những năm 1970 nhưng hầu hết các đội bóng Hà Lan, cả ở cấp CLB lẫn ĐTQG đều xây dựng lối chơi dựa trên sơ đồ này. Nhưng trong công cuộc cách tân Cơn lốc màu da cam, HLV Van Gaal đã quyết định thử nghiệm sơ đồ 5-3-2 trong trận giao hữu ngày 18/5 với Ecuador.
Rốt cuộc, Hà Lan hòa Ecuador 1-1 ở Amsterdam ArenA, một kết quả không tồi nếu biết rằng đội bóng Nam Mỹ cũng là một hành khách trên chuyến tàu tới Brazil sau đây 14 ngày nữa. Tuy nhiên, cuộc thử nghiệm sơ đồ mới thì thất bại thảm hại. Sau trận, chính Van Gaal đã phải thừa nhận điều đó khi cho rằng: “Lẽ ra, một chiến thắng sẽ giúp chúng ta có thêm sự tự tin vào hệ thống mới”.
Tất nhiên, một trận hòa là chưa đủ để chiến lược gia 62 tuổi vội vàng ném 5-3-2 vào sọt rác. Nhưng niềm tin của chính ông đã lung lay không ít, thể hiện qua tuyên bố: “Tôi vẫn muốn giữ sơ đồ này, nhưng Hà Lan cũng có thể trở lại với 4-3-3 vì đó là máu thịt của chúng ta”. Mà nói vậy, chứng tỏ Van Gaal vẫn đang rối trong việc tìm ra lối đi thích hợp cho Oranje.
CHUYỆN SƠ ĐỒ HAY CHUYỆN CON NGƯỜI
Giải thích trên tờ Telegraaf, Van Gaal cho biết ông tính chuyện thử nghiệm là bởi một chấn thương nghiêm trọng đã khiến Kevin Strootman phải vắng mặt ở World Cup 2014, đồng nghĩa với việc sơ đồ 4-3-3 khuyết vị trí tối quan trọng: tiền vệ trung tâm. Ngoài ra, trên lý thuyết thì ngay cả sơ đồ 5-3-2 áp dụng trong trận gặp Ecuador cũng có thể linh hoạt chuyển thành 4-3-3, với việc hậu vệ phải Daryl Janmaat - người đeo áo số 7 của một cầu thủ chạy cánh - được đẩy cao lên, và hộ công Georginio Wijnaldum đá sát cặp tiền đạo Robin van Persie - Memphis Depay.
Nhưng đó là lý thuyết, còn thực tế thì cặp tiền vệ trung tâm Jordy Clasie-Daley Blind chẳng mấy khi phối hợp được với Janmaat. Còn những hậu vệ cánh như Terence Kongolo hay trong hiệp 2 là Patrick van Aanholt, Paul Verhaegh hoặc chỉ biết tấn công, hoặc quá chú tâm vào phòng ngự. Kết quả là 5-3-2 phá sản, và Van Gaal ấp ủ ý định trở lại với 4-3-3. Có thể, nói như cây bút Valentijn Driessen của Telegraaf thì sơ đồ nào cũng chỉ là thứ “bóng đá trên giấy”. Tuy vậy, sự lưỡng lự của Van Gaal ở thời điểm World Cup đã cận kề vẫn là một mối lo với người Hà Lan.
Chỉ còn 2 tuần nữa là giải đấu ở Brazil sẽ khởi tranh và ông phải sớm đưa ra quyết định, hoặc 5-3-2, 4-3-3 hoặc thậm chí là sơ đồ 4-2-3-1 mà cựu HLV Bert van Marwijk đã sử dụng khi đưa Cơn lốc màu da cam vào đến chung kết World Cup 2010 cũng được. Bởi dù gì, vấn đề của người Hà Lan cũng đâu nằm ở chuyện họ đá với sơ đồ nào, mà là đá với những con người nào. Với một đội hình trẻ và non kinh nghiệm như hiện tại, cũng chẳng có bí kíp thần kỳ nào có thể đưa Oranje lập tức trở lại đỉnh cao cả.
Sai lầm khi copy mô hình của Feyenoord
5-3-2 thực ra cũng chẳng phải là phát kiến của Van Gaal, mà ông gần như chỉ sao chép mô hình của Feyenoord, đội vẫn chơi sơ đồ này dưới sự dẫn dắt của HLV Ronald Koeman. Ngay trong trận hòa Ecuador 1-1, Van Gaal cũng bố trí tới 4/5 hậu vệ là các thành viên Feyenoord gồm Kongolo, Janmaat, Martins Indi và De Vrij. Nhưng thử nghiệm của ông đã thất bại.
CON SỐ
22 Ngoài Dirk Kuyt (98 lần khoác áo ĐTQG), Wesley Sneijder (97), Robin van Persie (83), Arjen Robben (73) và Nigel de Jong (69), người nhiều kinh nghiệm nhất trong danh sách sơ bộ 30 cầu thủ dự World Cup 2014 của Hà Lan mới có 22 lần khoác áo ĐTQG. Đó là trung vệ Ron Vlaar (ảnh), hiện đang khoác áo CLB Aston Villa. Trong 30 cầu thủ này, có 2 người thậm chí chưa đá trận nào cho Hà Lan là thủ môn Jeroen Zoet (PSV) và tiền vệ Tonny Vilhena (Feyenoord).