Gold cup 2015: Giấc mơ không có thật
Ở đất nước mà người ta tự hào về những cơ hội, triển vọng, niềm tin và giấc mơ thay đổi cả thế giới, không có gì lạ khi một người ngoại quốc nhưng lại thấm nhuần chất Mỹ như Klinsi không táo bạo đặt những tham vọng lớn.
Klinsi nói ĐT Mỹ đủ khả năng vào bán kết World Cup 2018, như từng nói Mỹ đủ sức vào bán kết World Cup 2014 nhưng rốt cuộc bị loại ngay vòng 1/8. Phải may mắn lắm Mỹ mới vượt qua vòng bảng (nhờ Bồ Đào Nha trợ giúp) và phải nhờ màn trình diễn thần thánh của Tim Howard, Mỹ mới không thảm bại (song rốt cuộc vẫn thua) trước Bỉ ở vòng 1/8 giải đấu tại Brazil.
Klinsi và Mỹ đã có cơ hội tạo nên địa chấn theo kiểu chàng David lật đổ gã khổng lồ Goliah khi gặp Bỉ, nhưng điều kỳ diệu đã không xảy ra. Hơn ai hết, là một người Đức, Klinsi hiểu rõ bạn không thể vô địch World Cup bằng cách hy vọng thắng mỗi trận đấu theo kiểu trúng số độc đắc, nghĩa là xác suất chỉ 1 phần triệu.
4 năm dẫn dắt ĐT Mỹ, Klinsi đã làm được gì để lột xác một nền bóng đá không thật sự có tham vọng vươn lên đỉnh cao? Người Mỹ có tiền, có phương pháp và có cả chiến lược dài hơi, nhưng có một thực tế là bóng đá vẫn là “con ghẻ” trong thể thao Mỹ nếu so với các môn như bóng đá kiểu Mỹ (american football), bóng chày, bóng rổ, hockey, quyền Anh, golf… Không được đầu tư mạnh mẽ và hiệu quả, kết quả là Mỹ vẫn chỉ ở nhóm trung bình khá trên bản đồ bóng đá thế giới, còn giải MLS chỉ thu hút được tối đa là những ngôi sao luống tuổi sắp giải nghệ như Robbie Keane, Steven Gerrard. Ngay cả giải vô địch Trung Quốc còn thu hút được Paulinho, một ngôi sao đã khẳng định được mình nhưng vẫn còn trẻ và vẫn có thể vươn lên hàng đỉnh cao thế giới trong vài năm tới. Người Mỹ và Klinsi nghĩ gì về sự kiện ấy?
Có lẽ tạm thời Klinsi không suy nghĩ nhiều, vì ông bận cùng ĐT Mỹ thực hiện mục tiêu bảo vệ ngôi vô địch Gold Cup. Đây là giải đấu mà Klinsi chỉ có mất chứ không được, nghĩa là vô địch cũng chẳng được khen nhiều nhưng nếu chỉ về nhì thì sẽ hứng chịu chỉ trích nặng nề. Quan trọng hơn, có vẻ Klinsi đang mất dần sự tin tưởng của NHM Mỹ, dù đội bóng của ông vừa có những chiến thắng vẻ vang (trong các trận giao hữu) trước Hà Lan hay Đức.
Suy cho cùng, đó chỉ là những trận đấu “chơi”. Khi nào đá thật thắng thật, thì lúc đó hãy ghi công Klinsi. HLV người Đức này từng tuyên bố sẽ biến Mỹ thành một đội bóng chơi tấn công đẹp mắt, nhưng không có bột thì sao gột nên hồ? Mỹ không có một giải VĐQG mạnh, còn Klinsi trong vai trò “ôm đồm” (kiêm cả chức giám đốc kỹ thuật của LĐBĐ Mỹ) vẫn chưa cho thấy hiệu quả trong việc phát triển bóng đá trẻ.
Klinsi nói các cầu thủ Mỹ cần sang châu Âu thi đấu để học tập kinh nghiệm và cọ xát, nhưng nếu vượt Đại Tây Dương đến lục địa già chỉ để ngồi ghế dự bị thì thà ở lại trong nước để đuợc thi đấu thường xuyên vẫn tốt hơn. Klinsi từng chứng tỏ là HLV giỏi (khi đưa ĐT Đức đến hạng 3 thế giới năm 2006) nhưng kể từ sau đó ông không làm được thêm điều gì đáng kể. Thất bại ở Bayern, tiếp đó là vật vã đi tìm chính mình ở ĐT Mỹ với niềm tin và giấc mơ không bao giờ chùn bước cho đến khi… không còn bước tiếp nổi nữa.
Giấc mơ Mỹ, không phải lúc nào cũng là thiên đường!