Tại giải vô địch châu Âu vào mùa Hè sang năm, ĐT Đức nằm cùng bảng đấu với Hà Lan, Bồ Đào Nha và Đan Mạch. Ngay sau lễ bốc thăm tại Kiev rạng sáng nay, huyền thoại của bóng đá Đức là “Hoàng đế” Franz Beckenbauer tự tin tuyên bố: “Không gì có thể gây sốc cho chúng tôi khi đã đặt chân tới VCK EURO. ĐT Đức này là một tập thể đồng nhất đã vượt qua vòng loại một cách tuyệt đối. Chúng tôi sẽ có nhiều niềm vui cùng đội tuyển của chúng tôi trong những năm tới, nhưng cái chúng tôi đang thiếu lúc này là những danh hiệu”.
Quả thực, sau 5 năm cải tổ hoàn toàn triết lý về bóng đá (kể từ World Cup 2006), hơn một lần vấp ngã ngay trước ngưỡng cửa vinh quang, thì giờ là thời điểm người Đức chính thức đặt mục tiêu chinh phục danh hiệu bằng mọi giá. Chủ quan mà nói, ĐT Đức bình thản tiếp nhận mọi kết quả bốc thăm vòng bảng EURO 2012, bởi dù đối thủ có là ai, họ đều đủ niềm tin sẽ vượt qua.
Ngay trận ra quân, Đức sẽ gặp Bồ Đào Nha, một “bại tướng” quen thuộc của họ ở những giải đấu gần đây. Bồ Đào Nha sở hữu một số ngôi sao hàng đầu thế giới như Cristiano Ronaldo, Luis Nani… nhưng nhìn chung, đây là đội bóng thiếu cân bằng lẫn bản lĩnh. Bồ Đào Nha thường thất bại ở những trận đấu trọng tâm mà minh chứng là thất bại trước Đan Mạch ở lượt trận cuối vòng loại EURO 2012, dẫn đến việc mất ngôi đầu và phải đá play-off.
Một chiến thắng “mở hàng” trước Bồ Đào Nha sẽ giúp Đức tự tin bước vào trận gặp đối thủ duyên nợ là Hà Lan. Kết quả một cuộc điều tra cho biết, đội bóng mà người Đức xem là cừu địch lớn nhất trong lịch sử chính là Hà Lan chứ không phải Anh hay Italia. Năm 1974, ĐT Đức vượt qua Hà Lan trong trận chung kết để nâng cao cúp vàng vô địch Thế giới. Nhưng tại bán kết EURO 1988, Hà Lan đã đòi lại “món nợ” khi đánh bại Đức ngay trên sân của đối thủ và sau đó lần đầu tiên trở thành nhà vô địch châu Âu. Đây được xem là một trong những trận đấu hay nhất trong lịch sử các kỳ EURO.
Điều thú vị là trong khi người Đức đã “lột xác” để trở thành đội bóng thi đấu quyết rũ hàng đầu thế giới thì trái lại, Hà Lan từ bỏ lối đá tổng lực truyền thống để theo đuổi phong cách thực dụng. Dù vậy, sức mạnh của họ đều đã được kiểm chứng qua thành tích tại vòng loại vừa qua và chắc chắn, đây là hai đội sáng giá thách thức ngôi vương của Tây Ban Nha.
Nhưng mới đây, ĐT Đức cho thấy tại sao họ lại được đánh giá cao hơn Hà Lan đôi chút. Trong trận giao hữu tại Hamburg hôm 15/11, “Die Mannschaft” đánh bại Hà Lan 3-0 theo cách không thể thuyết phục hơn. Suốt cả trận “Cơn lốc da cam” không tạo được cơ hội đáng kể nào, chung cuộc phải nhận kết quả tồi tệ nhất trong vòng 15 năm trở lại đây. Nên nhớ trận thắng đó, ĐT Đức không cần sử dụng 2 ngôi sao lớn nhất là Philipp Lahm và Bastian Schweinsteiger.
Hơi bất hợp lý nhưng sự thực, chính Đan Mạch mới là đối thủ “kỵ dơ” nhất đối với ĐT Đức. Đan Mạch không chỉ gây sốc khi thắng “Die Mannschaft” trong trận chung kết EURO 1992 (lúc đó Đức đang là ĐKVĐ Thế giới), mà tại World Cup 1986, “Những chú lính chì” cũng hạ Đức tại vòng đấu bảng với tỷ số 2-0. Ở 3 trận giao hữu gần nhất tính từ năm 2000, Đan Mạch đã hạ Đức 2 lần và hòa trận còn lại.
Tuy nhiên, xét thực lực lúc này ĐT Đức hơn hẳn Đan Mạch một bậc. ĐT Đan Mạch những năm qua vẫn giữ được tổ chức tốt và chất nhiệt (lời của HLV trưởng ĐT Đức Joachim Loew), song họ là thiếu những ngôi sao đẳng cấp cỡ Peter Schmiechel hay anh em nhà Laudrup trước kia. Hơn nữa, một điều thú vị là mỗi khi đụng Đan Mạch ở giải đấu chính thức, Đức đều lọt vào tới trận chung kết.
Và một cơ sở nữa để người Đức tin tưởng vào thành công tại EURO 2012, đó là nếu vượt qua vòng bảng, nhánh tứ kết của Đức sẽ nhẹ đi rất nhiều do họ chỉ phải gặp một trong bốn đội của bảng A là Ba Lan, Hy Lạp, Nga hoặc CH Czech.
Lần gần nhất người Đức hưởng niềm vui bước lên ngôi vô địch là kỳ EURO 1996 tại Anh. Giải đấu đó, họ cũng rơi vào một bảng đấu khó khăn với Italia, CH Czech và Nga. Nhưng rút cuộc, “Die Mannschaft” đã chinh phục thành công từng đối thủ để lần thứ ba vô địch châu Âu.
Các bảng đấu tại EURO 2012.
Bảng A: Ba Lan, Hy Lạp, Nga, CH Czech
Bảng B: Hà Lan, Đan Mạch, Đức, Bồ Đào Nha
Bảng C: Tây Ban Nha, Italia, CH Ireland, Croatia
Bảng D: Ukraine, Thụy Điển, Pháp, Anh
Lịch thi đấu cụ thể:
BẢNG A
Thứ Sáu, ngày 8/6
Ba Lan vs Hy Lạp tại Warsaw
Nga vs CH Czech tại Wroclaw
Thứ Ba, 12/6
Hy Lạp vs CH Czech tại Wroclaw
Ba Lan vs Nga tại Warsaw
Thứ Bảy, 16/6
Hy Lạp vs Nga tại Warsaw
CH Czech vs Ba Lan tại Wroclaw
BẢNG B
Thứ Bảy, 9/6
Hà Lan vs Đan Mạch tại Kharkiv
Đức vs Bồ Đào Nha tại Lviv
Thứ Tư, 13/6
Đan Mạch vs Bồ Đào Nha tại Lviv
Hà Lan vs Đức tại Kharkiv
Chủ nhật, 17/6
Đan Mạch vs Đức tại Lviv
Bồ Đào Nha vs Hà Lan tại Kharkiv
BẢNG C
Chủ nhật, 10/6
Tây Ban Nha vs Italia tại Gdansk
CH Ireland vs Croatia tại Poznan
Thứ Năm, 14/6
Italia vs Croatia tại Poznan
Tây Ban Nha vs CHIreland tại Gdansk
Thứ Hai, 18/6
Croatia vs Tây Ban Nha tại Gdansk
Italia vs CH Ireland tại Poznan
BẢNG D
Thứ Hai, 11/6
Pháp vs Anh tại Donetsk
Ukraine vs Thụy Điển tại Kiev
Thứ Sáu, 15/6
Thụy Điển vs Anh tại Kiev
Ukraine vs Pháp tại Donetsk
Thứ Ba, 19/6
Thụy Điển vs Pháp tại Kiev
Anh vs Ukraine tại Donetsk
TỨ KẾT
Thứ Năm, 21/6
1 – Thắng Bảng A vs Nhì Bảng B tại Warsaw
Thứ Sáu, 22/6
2 – Thắng Bảng B vs Nhì Bảng A tại Gdansk
Thứ Bảy, 23/6
3 – Thắng Bảng C vs Nhì Bảng D tại Donetsk
Chủ nhật, 24/6
4 – Thắng Bảng D vs Nhì Bảng C tại Kiev
BÁN KẾT
Thứ Tư, 27/6 tại Donetsk
Thứ Năm, 28/6 tại Warsaw
CHUNG KẾT: Chủ nhật, 1/7 tại Kiev
bongdaplus.vn