ĐT Brazil: Mơ hồi sinh với “biểu tượng thất bại”?
* Tổng hợp chuyển nhượng ngày 23/7
* Cập nhật danh sách chuyển nhượng mùa Hè 2014
* Cập nhật danh sách chuyển nhượng mùa Hè 2014
GIÀNH VINH QUANG TỪ CHỈ TRÍCH
World Cup 1990 là một trải nghiệm tệ hại với Carlos Dunga. Dù không mang băng đội trưởng của Brazil lúc đó, nhưng sau khi Selecao bị Argentina loại ở vòng knock-out, Dunga đã trở thành nơi để các CĐV và báo chí trút giận. Người ta thậm chí còn gọi giai đoạn hậu World Cup 1990 là “kỷ nguyên Dunga” của bóng đá Brazil, bởi ông bị xem là đại diện tiêu biểu cho thứ bóng đá phòng ngự tiêu cực, chậm chạp và chẳng có gì hấp dẫn mà người Brazil phải chịu đựng ở thời điểm đó.
Nhưng chỉ 4 năm sau, vẫn là Dunga xấu xí ấy đã đại diện cho Brazil nâng cao chức vô địch trên đất Mỹ. Tới lúc này thì chính cựu tiền vệ này lại mở ra một “kỷ nguyên mới” cho bóng đá thế giới, mà trong đó, người ta bắt đầu nhận ra và đề cao tầm quan trọng của các tiền vệ phòng ngự. Để rồi 8 năm sau đó, Brazil đăng quang chức vô địch World Cup lần thứ 5 với phong độ xuất sắc của cặp tiền vệ phòng ngự Gilberto Silva - Kleberson.
LỊCH SỬ SẼ LẶP LẠI?
Chỉ trích quyết định tái bổ nhiệm Dunga của CBF là điều hết sức dễ dàng. Sau thảm họa World Cup 2014, ai cũng thấy là bóng đá Brazil cần thay đổi triệt để. Thậm chí người ta còn bàn tới việc lần đầu tiên trong lịch sử hơn 100 năm, Selecao được dẫn dắt bởi một HLV ngoại. Thế nên, việc mời lại Dunga cho thấy CBF chưa sẵn sàng cho những thay đổi lớn (hay họ chẳng muốn thay đổi?). Đó là chưa nói tới việc Dunga ở nhiệm kỳ đầu cũng chịu rất nhiều chỉ trích, bởi lối chơi của Brazil thời đó thực dụng thái quá. Đúng với phong cách Dunga-cầu-thủ, nhưng khác xa mong muốn của các CĐV!
Nhưng CBF hẳn cũng có lý khi đưa ra quyết định này. Không đơn giản là vì Dunga và Gilmar Rinaldi, GĐKT mới của Selecao, có mối quan hệ thân thiết do đều là thành viên của Brazil vô địch World Cup 1994. Những gì đã diễn ra ở nhiệm kỳ đầu cho thấy Dunga là người biết phải làm gì để tạo nên một tập thể chiến thắng. Dunga cũng rất giỏi “sục sạo”, sẵn sàng đưa cả những cầu thủ đang chơi ở giải vô địch... Nga về khoác áo tuyển. Đó đều là những điều Selecao rất cần, trong thời điểm bóng đá Brazil đang hỗn loạn, và không dư thừa tài năng.
Một điểm quan trọng nữa khiến CBF quyết chơi canh bạc Dunga, là khả năng hồi sinh từ thất bại mà ông đã thể hiện khi còn là cầu thủ. Sau thất bại ở World Cup 2010, giải đấu mà Brazil thực ra chỉ chơi tệ trong hiệp 2 trận tứ kết với Hà Lan, Dunga-HLV cũng trở thành nạn nhân của những chỉ trích bất công từ dư luận, như sau kỳ World Cup 1990 của Dunga-cầu-thủ. CBF, không như 20 năm trước, đã không cho Dunga cơ hội để sửa sai. Và giờ họ làm điều đó, dù hơi muộn...
33,9% Trong lịch sử, ĐT Brazil đã thi đấu tổng cộng 1.041 trận chính thức. Có tới 353 trận trong đó, tương đương 33,9%, Selecao dưới sự dẫn dắt của một trong bốn HLV: Zagallo, Parreira, Scolari và Dunga. Zagallo dẫn dắt Brazil từ 1970 tới 1974, Parreira trong 3 giai đoạn (1983, 1991-1994, 2002-2006), Scolari trong 2 giai đoạn (2001-2002, 2012-2014), và Dunga cũng trong 2 giai đoạn (2006-2010, từ 2014 - ?). 3 trong số 4 HLV này đã đưa Brazil tới chức vô địch World Cup (Zagallo 1970, Parreira 1994, Scolari 2002).
NHỮNG CỘT MỐC TRONG NHIỆM KỲ ĐẦU CỦA DUNGA
- 24/7/2006: Được bổ nhiệm dẫn dắt ĐT Brazil thay HLV Parreira.
- 16/8/2006: Ra mắt bằng trận hòa 1-1 với Na Uy. Ở trận tiếp theo, Brazil đánh bại Argentina 3-0.
- 15/7/2007: Đánh bại ứng cử viên số một Argentina 3-0 trong trận Chung kết Copa America 2007 với lực lượng hết sức “khiêm tốn”.
- 19/8/2008: Thất bại 0-3 trước Argentina ở bán kết Olympic Bắc Kinh 2008.
- 28/6/2009: Vô địch Confed Cup 2009 sau khi lội ngược dòng thành công trước Mỹ (bị dẫn 0-2).
- 14/10/2009: Kết thúc vòng loại World Cup 2010 với vị trí cao nhất.
- 2/7/2010: Để thua Hà Lan 1-2 ở tứ kết World Cup 2010 sau khi đã dẫn trước trong hiệp 1. Tới ngày 24/7/2010, nhận quyết định sa thải từ CBF.