Diện mạo nào cho Hà Lan sau cơn bão EURO?
>>
>>
Lần đầu tiên trong lịch sử, đội tuyển Hà Lan thua cả 3 trận vòng bảng ở một giải lớn. Lần đầu tiên
trong hơn 100 năm, đội tuyển Hà Lan thua liên tiếp 3 trận chính thức. Thắng, bại là chuyện bình thường, nhưng vấn đề là hình ảnh thất bại như thế nào. Thầy trò Bert Van Marwijk tan tác từ tinh thần đến lối chơi. Đấy không còn là thất bại bình thường nữa. Đấy là một sự sụp đổ. Vẫn như mọi khi, trong mọi lĩnh vực, sụp đổ thì phải tái thiết. Bây giờ, đội tuyển Hà Lan bước vào vòng loại World Cup 2014 dưới sự dẫn dắt của HLV Louis Van Gaal, và một lực lượng rất mới.
Thật ra, chẳng ai xem HLV Van Gaal là gương mặt mới. Ở đây, có một sự trớ trêu kỳ lạ. Hơn chục năm trước, Van Gaal chính là người đã đem lại thảm họa cho bóng đá Hà Lan. Đang ở đỉnh cao danh vọng, vào đến bán kết World Cup 1998 và EURO 2000 với một lực lượng ngôi sao đang ở phong độ rực rỡ nhất, đội tuyển Hà Lan bỗng được giao cho Van Gaal vào năm 2000. Kết quả đầy bất ngờ: thầy trò Van Gaal thậm chí không lấy được vé dự VCK World Cup 2002. Đấy là giải đấu lớn duy nhất mà đội Hà Lan vắng mặt trong kỷ nguyên hiện đại (kể từ khi thế hệ của Marco Van Basten vô địch EURO 1988). Tất nhiên, Van Gaal phải cúi đầu ra đi sau khi kéo một Hà Lan đang bay bổng xuống tận địa ngục. Bây giờ, tình thế trái ngược hoàn toàn. Một Hà Lan đã “nát bét” với những thất bại mang tính lịch sử lại được trao vào tay Van Gaal, để ông gây dựng trở lại thành một đội mạnh.
Chẳng ai tranh cãi khi bảo Van Gaal là HLV xuất sắc. Ông đưa Ajax Amsterdam lên ngôi vô địch Champions League và lãnh giải HLV hay nhất thế giới trong mọi cuộc bầu chọn hồi năm 1995. Và ông còn làm được nhiều chiến tích khác, gần đây nhất là đưa Bayern Munich vào tới trận chung kết Champions League 2010 (chỉ thua Inter Milan của Jose Mourinho). Nhưng cũng ngay tại Bayern, ngay tại Ajax, và ở Barcelona cùng nhiều đội khác, Van Gaal đều đã có lúc bị xem là kẻ thất bại, ra đi không kèn không trống. Đấy là một HLV kỳ lạ, với một sự nghiệp kỳ lạ. Van Gaal có thể thua đến mất mặt hoặc thành công vang dội. Ông có thể là “vua”, là “thánh”, hoặc cũng có thể “đáng bị ném đá”. Tóm lại, ông chỉ đứng ở đỉnh cao vinh quang hoặc rơi xuống vực thẳm chứ không đứng giữa, không tồn tại một cách âm thầm “có cũng như không”. Chưa biết thành, bại ra sao. Nhưng ở một mức độ nào đó, có thể cho rằng Van Gaal dẫn dắt Hà Lan là một quyết định tuyệt vời trong hoàn cảnh hiện thời. Chỉ có Van Gaal là thích hợp nhất với nhiệm vụ chắp lại những mảnh vỡ đã tan vụn của “cơn lốc màu da cam” sau EURO 2012.
Việc Van Gaal thẳng tay cải tổ lực lượng, bỏ cả những cái tên lừng lẫy như Rafael Van der Vaart, Wilfred Bouma hoặc Ibrahim Afellay, một lần nữa khẳng định cá tính mạnh mẽ của nhân vật mà đôi khi giới bóng đá Hà Lan phải gọi là “vua Louis”. Càng thấy rõ Van Gaal “cứng cựa” ra sao, khi ông quyết giữ vững lập trường sau trận ra mắt không chút thành công (đá giao hữu, thua Bỉ 2-4). Bây giờ, đội tuyển Hà Lan biết rõ “ai là vua”. Ít ra, Van Gaal cũng khác với người tiền nhiệm Bert Van Marwijk tại EURO 2012 ở chi tiết này. Thời gian sẽ trả lời, từ nay đến cuối năm 2013: bóng đá Hà Lan lại phải tôn vinh hay lại phải mắng nhiếc HLV Louis Van Gaal.
Van Gaal chọn ai, bỏ ai?
Sau Van Bommel, Wilfried Bouma, Khalid Boulahrouz, Gregory Van der Wiel (ở trận giao hữu hồi tháng 8, thua Bỉ), đến lượt Ibrahim Afellay, Nigel de Jong và Rafael Van der Vaart bị HLV Van Gaal loại bỏ khi ĐT Hà Lan bước vào vòng loại World Cup 2014 trong tuần này. Những gương mặt mới đang được Van Gaal tin tưởng là Jordy Clasie, Leroy Fer, Daryl Janmaat, Bruno Martins Indi, Jeremain Lens, Ricardo Van Rhijn, Nick Viergever.
Bas Dost (hiện khoác áo Wolfsburg) cũng khá xa lạ, dù nhiều người đã biết anh là Vua phá lưới tại giải VĐQG Hà Lan mùa trước trong màu áo Heerenveen. Tương tự là Luciano Narsingh, cầu thủ gốc Ấn Độ thỉnh thoảng gây tiếng vang, hoặc Urby Emanuelson của AC Milan. Nói chung, họ đều thuộc “cơn gió mới” mà HLV Van Gaal đang có kế hoạch xây dựng thành “lốc”, từ nay đến năm 2014!