Copa America: Kịch hay vẫn còn phía trước
* Lịch thi đấu & BXH Copa America
HLV Carlos Bianchi, một trong những nhà cầm quân uy tín nhất của Nam Mỹ, vừa có một bài viết cho trang ESPN. Trong đó ông bảo: tất cả những gì tốt đẹp nhất và tồi tệ nhất của bóng đá Nam Mỹ đều đang hiện diện cả ở Copa America.
Điểm tích cực chính là sự vươn lên của những đội bóng nhỏ, khiến trình độ các đội bị thu hẹp. Ngoại trừ các trận của đội tuyển chủ nhà Chile, những cuộc thư hùng còn lại đều có cách biệt không quá 1 bàn. Argentina và Brazil đều thi đấu hết sức chật vật. Trước khi Copa khởi tranh, nhà báo Tim Vickery cũng có một bài dài, khẳng định bóng đá Nam Mỹ đang ở vào một giai đoạn thịnh vượng. Ngoại trừ Ecuador, tất cả các đại diện của khu vực này đều vượt qua vòng bảng ở kỳ World Cup gần nhất.
Điểm tiêu cực thì tất nhiên... nhiều vô số kể. Có lẽ Copa America là giải đấu duy nhất cho phép các cầu thủ tập trung chỉ 5 ngày trước khi giải diễn ra. Họ phải chờ cho các giải đấu ở châu Âu kết thúc để đón các tuyển thủ, thường là với thể lực rã rời vì đã dốc hết sức trong mùa bóng dài hơi. Nhà báo Tales Azzoni nêu quan điểm: “Nên tổ chức Copa, Euro và cả World Cup vào đầu mùa giải hơn là cuối mùa”.
Thể lực sa sút của các cầu thủ cùng với sự lớn mạnh của những nền bóng đá vừa và nhỏ chính là nguyên nhân chính khiến các trận đấu diễn ra giằng co. Thế mới có chuyện Neymar đá bóng vào cầu thủ đối phương, húc đầu gây hấn và chửi vào mặt trọng tài: “Ông là tên khốn kiếp thích chơi trội và nổi tiếng”. Thế mới có chuyện mẹ của Carlos Bacca, bà Eloisa Ahumada, phát biểu trên báo chí: “Nếu có mặt trên sân, tôi sẽ lấy guốc đập Neymar một trận cho nó biết phải trái”.
Thế mới có chuyện Lionel Messi từ chối nhận giải cầu thủ hay nhất giải và hậm hực trong trận đấu đầu tiên với Paraguay. Ở Barcelona, làm gì có chuyện Messi và Neymar nổi cáu. Họ chỉ khiến cho đối phương nổi cáu vì khả năng giữ bóng và phối hợp tuyệt vời giữa họ cùng anh chàng Luis Suarez. Cả 3 hợp thành một bộ tam khủng khiếp, được dàn tiền vệ tuyệt đẹp sau lưng làm bệ phóng. Trở về đội tuyển, họ ngỡ ngàng nhận ra chất lượng đội tuyển cách quá xa so với CLB, hàng tiền vệ quá thiếu ý tưởng còn hàng thủ thì mong manh. Ở Barca, Suarez cũng đâu có cắn ai bao giờ. Đơn giản là không ai cảm thấy nổi nóng khi được đá trong một tập thể mạnh!
Copa đã thể hiện đúng diện mạo bóng đá Nam Mỹ. Đó là Brazil và Argentina đang suy yếu. Brazil khủng hoảng toàn diện trong khi Argentina bị mất cân đối nặng nề giữa công và thủ. Chỉ có Chile là đá tưng bừng, nhưng HLV của đội tuyển ấy đã phải chấp nhận hứng chịu sự chỉ trích vì không dám gạt bỏ Arturo Vidal sau khi anh này gây tai nạn xe cộ. Mà cũng chỉ có ở Nam Mỹ mới có kiểu quản quân kỳ lạ ấy, cho cầu thủ rời khỏi khu tập trung để... đi nhậu.
Nhưng khi vòng bảng khép lại, hãy tin là những gì hay nhất tuyệt vời nhất hãy còn phía trước. Vòng knock-out sẽ buộc tất cả phải phô diễn sức mạnh của mình chứ không còn được phép “giấu bài” nữa. Mỗi kỳ Copa thường là có một biến cố hoặc sự kiện nào đó thật độc đáo. Copa gần nhất chứng kiến Brazil đã 4 quả luân lưu hỏng cả 4 và quay sang chê... sân xấu. Copa 1999 chứng kiến Martin Palermo đá 3 quả phạt đền hỏng cả 3 quả theo 3 cách khác nhau, khiến anh này phải chờ thêm chục năm mới được gọi lại đội tuyển.
Kịch hay của năm nay là gì?