Bong da

Quốc tế

Copa America 2015: Hội chợ phù hoa

Cập nhật: 11/06/2015 09:57 | 0

Copa America hay bất kỳ giải đấu lớn nào khác (ví dụ World Cup hay CAN) đều có một điểm chung: tính chất “hội chợ”.

Copa America 2015: Hội chợ phù hoa
Copa America 2015: Hội chợ phù hoa
Nghĩa là, khi đã đi hội chợ, thường ai cũng phải chọn một món hàng để mua, bất chấp giá cả có thể cao hoặc thấp hơn giá trị thực. Hội chợ mang tính hội hè vui chơi nên không so đo giá cả, nhưng sau khi đem món hàng về nhà rất dễ nảy sinh mâu thuẫn gia đình vì nhìn hàng dỏm tưởng hàng xịn

Chợ cầu thủ ở các giải lớn trong bóng đá cũng gần tương tự. Một giải đấu ngắn ngày kéo dài chỉ tối đa 1 tháng không thể và không phải là chốn lý tưởng để tìm “hàng”. Quá khứ cũng vậy, hiện tại cũng vậy và tương lai cũng thế, nhất là ở những giải như Copa America. Những danh thủ lớn không cần dùng “hội chợ” để tự quảng cáo. Nếu đã là “hàng hiệu” thì thường không cần vào hội chợ, nếu muốn sẽ có một show riêng cho nhãn hiệu riêng. Đó mới là “chất”, là giá trị thương hiệu, là lựa chọn không cần đắn đo về giá cả, bởi chất lượng đã luôn được đảm bảo. Còn hàng ở hội chợ? Hên nhờ rủi chịu!

Copa America 2015, giải đấu của lịch sử và khát vọng


Hãy nhìn lại giải lớn gần nhất là World Cup 2014, giải đấu mà không có đội nào dám giữ sức, các cầu thủ cũng vậy. Những cầu thủ hay nhất của Brazil 2014 theo nhiều cuộc bình chọn khác nhau gồm các cái tên như Neuer, Hummels, De Vrij, Rojo, Thiago Silva, Oscar, Kroos, Lahm, James Rodriguez, Robben, Mueller, Messi, Neymar, Di Maria… Trong số này, De Vrij, James và Rojo có thể xem là mới, cùng tìm được CLB mới sau World Cup. James chơi khá tốt, nhưng không phải ngôi sao hàng đầu ở Real. De Vrij và Rojo chỉ ở mức trung bình khá. Những gương mặt còn lại đều đã “nhẵn mặt”, họ không cần dùng World Cup để đánh bóng tên tuổi.   
    
Egidio Arevalo (trái)

Tại Copa America gần nhất năm 2011, các gương mặt nổi bật là Justo Villar, Juan Zuniga, Diego Lugano, Oswaldo Vizcarrondo, Alvaro Pereira, Cristian Riveros, Egidio Arevalo, Juan Arango, Diego Forlan, Paolo Guerrero, Luis Suarez. Phải viết đủ cả họ lẫn tên, bởi không chắc một fan khá rành bóng đá biết Oswaldo Vizcarrondo hay Egidio Arevalo là ai? Ở một giải đấu mà Brazil và Argentina cùng không vào bán kết, 4 đội mạnh nhất Copa America lại là Venezuela, Paraguay, Uruguay và Peru, thì đúng là…thảm họa cho chợ cầu thủ bóng đá Nam Mỹ. 

Biết đâu, trong họa có phúc. Bóng đá Nam Mỹ có nhiều tài năng hơn hẳn những gì Copa America thường giới thiệu, điển hình như hiện tại bộ ba M-S-N của Barcelona gồm toàn cầu thủ Nam Mỹ. Rất có thể cuối năm nay Messi, Suarez, Neymar sẽ ẵm trọn bộ vàng - bạc - đồng ở giải Cầu thủ hay nhất năm (hay còn gọi là Quả bóng vàng) của FIFA. Cũng không thể không nhắc lại M-S-N đã đánh bại B-B-C của Real Madrid gồm toàn danh thủ châu Âu (Bale - Benzema - Cris Ronaldo).   

Tóm lại nguồn hàng Nam Mỹ luôn dồi dào, nhưng khó tìm được hàng chất lượng đảm bảo từ Copa America. Đặc thù của đội tuyển khác CLB, sự rực sáng ở cấp đội tuyển (đá giải lớn chỉ 1 tháng) cũng không đảm bảo bằng ở CLB (nhiều giải, kéo dài 9 tháng trong một mùa bóng). Ở đội tuyển, tài nghệ cá nhân có thể mang tính quyết định, nhưng ở CLB tài nghệ ấy phải tỏa sáng trong lối chơi tập thể thì mới được. Nghĩa là, hãy tìm cầu thủ giỏi từ quá trình thi đấu của họ ở các giải VĐQG hàng đầu, hoặc những giải ở tầm châu lục như Champions League hay Copa Libertadores. Như thế, tính rủi ro sẽ ít hơn hẳn, đồng nghĩa khả năng thành công sẽ cao hơn.

Ngôi sao Copa America: James Rodriguez





(báo bóng đá)