Bong da

Quốc tế

Chấn thương gân khoeo: Thủ phạm khiến Pato phải hồi hương

Cập nhật: 19/01/2013 11:28 | 0

Tiền đạo Alexander Pato đã phải trở lại Brazil thi đấu cho Corinthians sau 5 năm khoác áo Milan. Thường các cầu thủ ngôi sao Nam Mỹ chỉ rời châu Âu khi bước vào tuổi xế chiều sự nghiệp như Rivaldo, Ronaldinho hay Ronaldo. Còn Pato mới 23 tuổi mà đã phải hồi hương thì đó là điều đáng buồn cho chân sút này. Sự thụt lùi của Pato đến từ các chấn thương, nhất là chấn thương gân khoeo.

Chấn thương gân khoeo: Thủ phạm khiến Pato phải hồi hương
Chấn thương gân khoeo: Thủ phạm khiến Pato phải hồi hương

QUÁ TRÌNH CHẤN THƯƠNG CỦA PATO
Mùa bóng đầu tiên của Pato (2007/08) tại Milan, anh chỉ chơi lượt về nhưng cũng ghi 9 bàn. Mùa sau, Pato là ngôi sao sáng nhất trong đội hình Milan (ghi 18 bàn) đến mức Real Madrid cũng ngỏ ý muốn mua Chú vịt (biệt danh của Pato). 2 mùa tiếp theo, Pato vẫn chơi tốt nhưng các chấn thương liên quan đến cơ gân khoeo (hamstring strain) liên tục ám quẻ tiền đạo này.

Trong 3 tháng đầu năm 2010, Pato liên tục bị dính chấn thương ở một vị trí là gân khoeo đùi phải đến 3 lần. Hình ảnh Pato nằm lăn trên sân ôm đùi phải trở nên quen thuộc. Có những lần Pato bị đau trong khi tập luyện và nghiêm trọng hơn là trong khi thi đấu.

Ngày 28/2/2010, Pato ghi cú đúp cho Milan trong trận thắng Atalanta 3-1 nhưng phải rời sân phút 79 vì chấn thương gân khoeo phải. Sau 3 tuần nghỉ dưỡng thương, anh trở lại trong trận gặp Napoli (hòa 1-1) nhưng chỉ ở trên sân 16 phút vì tái phát chấn thương. Các bác sĩ chẩn đoán anh sẽ phải nghỉ thi đấu đến hết mùa nhưng tiền đạo này nỗ lực tập luyện và quay lại chơi 2 trận cuối mùa giải.

Một năm sau, Pato lại bị chấn thương ở cơ đùi phải hành hạ tiếp. Trong trận đấu với Sampdoria hôm 17/4/2011 (Milan thắng 3-0) Pato phải rời sân phút 41 vì chấn thương gân khoeo. Các bác sĩ dự đoán anh cần 3 tuần để bình phục nhưng lần trở lại này, Pato đã thành con người khác. Anh đánh mất cả tốc độ linh hoạt lẫn nhạy cảm ghi bàn. Trước ngày định mệnh gặp Sampdoria, Pato đã ghi 57 bàn cho Milan nhưng sau đó, anh ghi vỏn vẹn có 6 bàn.

Cũng từ ngày đó trở đi, phong độ của Pato phập phù nhưng chấn thương vẫn đến với anh đều đặn. Ngày 21/9/2011, Pato phải rời sân trong trận đội nhà hòa Udinese 1-1 ngay phút 21. Thủ phạm vẫn là gân khoeo và trang chủ của Milan khi đó thông báo: "Nếu không biến chứng, Pato cần mất 4 tuần để hồi phục hoàn toàn". Nhưng trên thực tế, Pato cần mất đến 2 tháng mới trở lại sân cỏ.

Ngày 19/1/2012, Pato bị chấn thương cơ đùi (lần này là đùi trái) trong trận thắng Novara 3-0 và phải nghỉ 5 tuần. Khi trở lại, anh dính chấn thương tiếp trong trận gặp Juventus (hòa 1-1) ngày 26/2 và phải nghỉ 5 tuần tiếp. Ngày 4/4, sau 5 tuần dưỡng thương Pato được vào sân trận tứ kết lượt về gặp Barcelona và anh chỉ chơi đúng 14 phút rồi rời sân. Các bác sĩ cho biết Pato bị đau cơ đùi. Trận cuối cùng Pato chơi cho Milan là thắng 3-1 trên sân Anderlecht hôm 21/11 rồi sau đó anh nghỉ cũng vì đau cơ đùi phải.

CẦN CẢNH GIÁC VỚI KHOEO

Danh sách các chấn thương Pato phải lĩnh trong vòng 3 năm qua đủ để người ta phải chóng mặt khi đọc. Gân khoeo đùi phải đã quật ngã một cầu thủ từ người hùng thành kẻ bị quên lãng. Khi Corinthians quyết định chi 15 triệu euro để mua Pato, họ cũng rất ngại Chú vịt mang về quê hương cả những vết thương từ gân khoeo.

Ngoài việc kiểm tra sức khỏe tổng quát một cách thông thường, Corinthians còn thuê riêng tiến sĩ Beny Schmidt, người là trưởng khoa chuyên nghiên cứu các vấn đề về cơ - gân của trường đại học Sao Paulo. Ông Schmidt khẳng định việc Pato trở về Corinthians thi đấu là một quyết định đúng đắn vì nếu tiếp tục ở lại Milan thì anh sẽ còn chấn thương dài dài.

Trên Globo, Schmidt phân tích: "Tôi nghiên cứu giáo án tập luyện các CLB ở châu Âu và nhận thấy phần tập cơ đùi của họ rất nặng. Với một người như Pato thì điều đó rất tai hại. Tại Corinthians, chúng tôi có thể cung cấp các chuyên gia tốt nhất để giúp Pato giải quyết những vấn đề rắc rối tại Milan".

Theo ông Schmidt, tại Milan, Pato chịu cạnh tranh lớn từ các tiền đạo khác nên luôn chịu cạnh tranh trong tập luyện và thi đấu. Điều đó có hại cho quá trình hồi phục chấn thương gân khoeo vì trong lúc mới  hồi phục 70-80%, Pato đã gắng sức để tỏ ra đạt 100% để trở lại sân sớm. Còn tại Corinthians, anh ít chịu cạnh tranh hơn vì CLB sẽ kiên nhẫn dành sẵn một suất cho Pato.

Hơn nữa, tốc độ bóng đá ở Brazil chậm hơn châu Âu nên khối lượng vận động mà cơ đùi Pato phải chịu cũng giảm đi. Trước mắt, trong mỗi buổi tập của Pato tại Corinthians, sẽ có riêng một chuyên gia về cơ gân khoeo kiểm tra sát sao Pato.

BÁC SĨ NGUYỄN VĂN PHÚ - TRƯỞNG KHOA Y HỌC THỂ THAO - BỆNH VIỆN THỂ THAO VIỆT NAM: Nên khởi động để tránh chấn thương gân khoeo

- Thưa bác sĩ, hiện nay chấn thương gân khoeo là chấn thương phổ biến trong thể thao. Xin bác sĩ giải thích về chấn thương gân kheo?
- Để hiểu về chấn thương gân khoeo thì cần phải biết cấu trúc của gân khoeo gồm gân khoeo ngoài và gân khoeo trong. Vị trí của nó ở sau khớp gối và khi chúng ta đứng hay gấp chân thì có có thể thấy 2 sợi gân rất lớn. Chấn thương gân khoeo là gân khoeo bị tổn thương dẫn đến hạn chế khả năng vận động. Và tùy vào mức độ nghiêm trọng có thể chia thành 3 mức độ chấn thương.



+ Cấp độ nhẹ: Gây cảm giác đau, quá tải khi vận động do giãn gân.
+ Cấp độ trung bình: Có những tổn thương như rách, đứt một phần
+ Cấp độ nghiêm trọng: Đứt hoàn toàn.

- Trong khi chơi thể thao, những nguy cơ nào dễ dẫn chấn thương gân khoeo?

- Gân khoeo là một gân khá chắc nên chỉ trong những môn thể thao có tính vận động cao đòi hỏi sức bền hay có tính đối kháng thì mới dễ dẫn đến chấn thương. Với các VĐV chuyên nghiệp hay phong trào thì việc vận động quá sức dẫn đến quá tải gân khoeo cũng khiến nó dễ bị tổn thương. Ngoài ra tỷ lệ chấn thương gân khoeo còn phụ thuộc độ tuổi và nguy cơ này cao với những người trên 45.

- Làm sao để ngăn ngừa chấn thương gân khoeo?
- Để ngăn ngừa chấn thương nói chung và gân khoeo nói riêng khi chơi thể thao, người chơi cần chọn bộ môn phù hợp, cường độ tập luyện và kế hoạch tập luyện phù hợp với thể trạng của mình. Một trong những điều quan trọng khi xây kế hoạch tập luyện là cần chú ý khởi động kỹ càng. Cách hiệu quả nhất là trước khi vào trận đấu cầu thủ nên khởi động kỹ càng để tạo sự chuẩn bị cho cơ thể.

- Cần phải làm gì khi dính chấn thương gân khoeo?
- Chúng ta có thể phát hiện ra tổn thương gân khoeo khi cảm thấy cơ khoeo khó gấp duỗi thậm chí thấy đau khi đi. Khi đó, chúng ta nên đến gặp bác sĩ để chấn đoán và điều trị càng sớm càng tốt chứ không nên tự ý điều trị.

- Xin cảm ơn bác sĩ!

Nguồn bongdaplus.vn