Bong da

Quốc tế

Bóng đá năm 2012: Những câu chuyện cũ mà mới

Cập nhật: 10/02/2013 10:00 | 0

Champions League và các giải VĐQG hàng đầu thế giới lại giới thiệu một nhà vô địch, không cũ thì mới. EURO, FIFA Club World Cup, CAN... cũng đều như vậy. Từ chuyện tỏa sáng của cá nhân Lionel Messi đến sự thống trị tuyệt đối của bóng đá Tây Ban Nha, từ thắng thế của lối chơi thiên về phòng ngự đến trào lưu thắt lưng buộc bụng, tất cả đều giống nhau ở một đặc điểm duy nhất: không mới.

Bóng đá TG 2012: Sự mới mẻ của những câu chuyện cũ
Bóng đá TG 2012: Sự mới mẻ của những câu chuyện cũ


RƯỢU NGON LÀ RƯỢU LÂU NĂM
Bây giờ, đâu còn ai xem bóng đá mà lại không biết Tiqui-Taca. Chỉ có điều, lối chơi Tiqui-Taca đạt đến mức độ rực rỡ như những gì đội tuyển TBN thể hiện trên sân cỏ EURO 2012 thì có lẽ ngay cả những nhân vật lão luyện trong giới bóng đá đỉnh cao vẫn phải bất ngờ.

Tiqui-Taca phiên bản 2012 hay đến mức... nhàm chán. Vâng, chắc không phải là số đông, nhưng quả đã có người thấy ngán vì sự đơn điệu khi TBN chơi bóng, cứ như họ chỉ mượn đối phương làm quân xanh để dượt các bài đập nhả. Ở Premier League, một ngôi sao chuyền bóng hơn 60 lần/trận, với số lần chuyền chính xác cao hơn 50, đã được khen là xuất sắc. Với Bò tót, đấy chỉ có thể là thông số của một cầu thủ dự bị, thi đấu không đủ 90 phút.


Cách đây 2 năm, người ta khen ngợi Tiqui-Taca khi HLV Vicente Del Bosque nâng cấp nhà vô địch EURO 2008 thành nhà vô địch World Cup 2010. Ít ra, thầy trò HLV Del Bosque khi ấy vẫn còn một chút tì vết để giới phê bình chỉ trích, chẳng hạn họ chỉ ghi 8 bàn thắng trong 7 trận đấu ở VCK World Cup.

Còn khi lại vô địch EURO, TBN thắng trận chung kết bằng một tỷ số đậm đà vốn chưa bao giờ xuất hiện trong một trận chung kết EURO hoặc World Cup (4-0), mà lại trước ĐT Italia nổi tiếng nhất thế giới về khả năng phòng ngự! Khi gặp TBN, ĐT Pháp - vô địch cả World Cup 1998 lẫn EURO 2002 - đã phải vận dụng một cách đối phó cổ kim chưa thấy: bố trí đến 2 cầu thủ vào một vị trí (hậu vệ phải), nhưng vẫn không chống đỡ nổi!

Đã 4 năm qua, TBN thống trị sân cỏ quốc tế, và điều đáng nhấn mạnh ở đây là trong khoảng thời gian ấy, chưa bao giờ TBN tỏ ra thực sự “vô đối” như trong năm 2012. Lionel Messi cũng vậy. Vẫn biết, siêu sao Argentina không có đối thủ suốt từ khi anh đoạt “Quả bóng Vàng” 2009 với một khoảng cách mang tính lịch sử trước người về nhì. Nhưng vấn đề là Messi bây giờ không xuất sắc một cách... bình thường.


Messi hiện không còn là đối thủ của các ngôi sao hiện thời nữa. Người ta chỉ còn tranh cãi một điều: Messi đã xứng đáng là cầu thủ xuất sắc nhất trong lịch sử bóng đá hay chưa? Xavi Hernandez kêu gọi giới cầm bút: “Làm ơn đừng so sánh bất kỳ tượng đài nào với Messi. Làm thế là không công bằng với Messi”!

Cái cách mà Messi ghi 91 bàn thắng trong năm 2012 (tức khoảng 4 ngày/bàn, chưa kể hàng chục đường chuyền thành bàn) rõ ràng là vượt ra ngoài khả năng tưởng tượng của giới bình luận trong bóng đá đỉnh cao. Thi đấu 4 ngày/trận đã là điều không thể được.

Với Messi, ra sân mà... chỉ ghi 1 bàn thì đấy mới là việc khó. Ra sân mà không ghi bàn thì lại càng khó! Quá rõ ràng, số lần Messi ra sân và có 2 bàn là nhiều hơn cả. Không thể tưởng tượng bóng đá hiện đại lại có được một cầu thủ làm được như vậy.

PHÒNG THỦ VÀ... THẮT LƯNG BUỘC BỤNG
Chuyện TBN thống trị sân cỏ quốc tế và Messi tỏa sáng tột độ không nói lên rằng 2012 là năm của bóng đá tấn công. Ngược lại là đằng khác. Loại hình bóng đá thiên về phòng ngự đã thắng, với kết quả tiêu biểu nhất là chức vô địch Champions League của Chelsea.

Trên đường tiến đến ngôi cao, lần đầu tiên trong lịch sử CLB, Chelsea đã thắng cả “Barcelona xịn” lẫn “Barcelona nhái”, tức Bayern Munich - CLB Đức quanh năm suốt tháng cứ lo rập khuôn cách đá của Barcelona. Đại diện ưu tú của trường phái tấn công như Pháp, Hà Lan, Croatia rớt như sung rụng tại EURO 2012. Đội Đức vốn bị xem là những cỗ máy chơi bóng, vốn chỉ xem trọng kỷ luật, giờ cũng tập tành đá đẹp, tấn công, và họ cũng đã thất bại ở đấu trường EURO 2012.


Trong khi đó, các đội chuyên về phòng ngự hoặc lấy phòng ngự làm trọng như BĐN, Italia, Anh, thậm chí Hy Lạp, lại cùng nhau thành công dù không thể tranh ngôi vô địch. Bóng đá hấp dẫn vì nó là môn thể thao của những ý tưởng, quan niệm, trường phái khác nhau. Trong môn bóng đá, người ta có thể hướng đến thành công bằng rất nhiều cách thức, con đường khác nhau, chứ đâu nhất thiết cứ phải thiên về tấn công.

Cũng vậy, bóng đá đỉnh cao không nhất thiết cứ phải là việc vung tiền mua sắm lực lượng để có thành tích. Dortmund nói riêng và bóng đá Đức tầm CLB nói chung đã và đang giới thiệu bài học về việc không cần chi tiêu ầm ĩ mà vẫn thành công.

Năm 2012 là lần đầu tiên trong lịch sử, các đại diện Đức đều vượt qua vòng bảng 2 Cúp châu  Âu, riêng ở Champions League thì tất cả đều đứng đầu bảng. Khi mà thế giới đã bước vào năm thứ 5 liên tiếp của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thì chuyện thắt lưng buộc bụng trở thành trào lưu phổ biến, và mô hình tằn tiện dẫn đến thành công của bóng đá Đức có vẻ lại được hâm mộ hơn bao giờ hết.

Mà suy cho cùng, dù không muốn tiết kiệm thì cũng chẳng được. Một mặt, UEFA đã phải mạnh tay can thiệp, bắt đầu triển khai quy định công bằng tài chính hòng buộc tất cả các CLB nhà nghề ở châu Âu phải chi tiêu nội trong khả năng tài chính của mình.

Mặt khác, các đội ở đẳng cấp cao bây giờ đã phải mua sắm lực lượng một cách dè sẻn, còn ở đẳng cấp thấp hơn, đã có các đội bóng nhỏ ở Hy Lạp chấp nhận tài trợ của nhà thổ hoặc nhà đám, chịu mang logo và quảng cáo cho các nhà tài trợ như thế, chỉ để tồn tại qua cơn khốn khó.

Nguồn bongdaplus.vn