"Bàn thắng ma" sắp hết cơ hội... tồn tại
>> Lăng kính: Vốn đã không công bằng
>> VIDEO: 5 "bàn thắng ma" nổi tiếng nhất trong lịch sử
Như vậy, sau 8 tháng chạy thử (10/2011-6/2012) cả trong phòng thí nghiệm và ngoài sân cỏ, cả trong các tình huống giả định lẫn trận đấu thực tế, tổ chức điều hành bóng đá thế giới đã chấp nhận cả 2 giải pháp này. Ngoài ra, Hội đồng lập pháp bóng đá (IFAB) cũng đã chấp thuận đưa công nghệ vào bóng đá hồi tháng 7/2012.
Trước mắt, GoalRef và Hawk-Eye sẽ được lần đầu được áp dụng trong các trận đấu chính thức ở FIFA Club World Cup diễn ra ở Nhật Bản vào tháng 12 tới. Nhưng để thực sự đi vào sử dụng thì sau khi được lắp đặt tại các SVĐ, cả hai công nghệ này còn phải vượt qua một bài kiểm tra cuối cùng do một cơ quan độc lập thực hiện. Tuy vậy, giới hâm mộ túc cầu trên toàn thế giới có thể tin rằng những “bàn thắng ma” như pha lập công không được công nhận của Frank Lampard vào lưới ĐT Đức ở World Cup 2010 sẽ không còn hiện diện.
Chỉ có điều, như mọi bước ngoặt khác trong lịch sử bóng đá, việc áp dụng công nghệ goal-line vẫn nhận được những ý kiến trái chiều. Trong đó, người Anh là những người ủng hộ nhiệt tình nhất. Thậm chí, Tổng thư ký Alex Horne của LĐBĐ Anh (FA) từng định đưa công nghệ vào sử dụng ở Premiership từ tháng 1/2013, sau khi được IFAB “bật đèn xanh”. Ngược lại, chủ tịch UEFA Michel Platini vẫn đang kịch liệt phản đối điều này.
Phát biểu trên tờ Evening Standard tháng trước, người đứng đầu LĐBĐ châu Âu khẳng định: “Không ai có thể thuyết phục tôi về sự hữu ích của công nghệ và ở tuổi 57, bạn cũng khó lòng thay đổi chủ kiến”. Thay vì GoalRef hay Hawk-Eye, Platini muốn sử dụng thêm trọng tài để giảm thiểu sai sót trong các trận đấu. Tuy nhiên, thực tế đã chứng tỏ rằng phát kiến của cựu danh thủ người Pháp cũng không thể giảm bớt các tranh cãi trong nhiều trận đấu.