Bong da

Quốc tế

Andreas Brehme: Người hùng không ăn mày dĩ vãng

Cập nhật: 25/08/2015 00:17 | 0

Andreas Brehme chưa tới mức phải đi cọ toa lét cho đồng đội cũ, cũng chẳng yếu tới độ cần ân huệ xã hội. Người hùng của ĐT Đức tại Italia 1990 vẫn còn đủ sức khỏe và khả năng để tự kiếm cho mình một công việc, dù chẳng sang nhưng cũng đủ cho anh sống phần đời còn lại trong danh dự…

Andreas Brehme: Người hùng không ăn mày dĩ vãng
Andreas Brehme: Người hùng không ăn mày dĩ vãng

LẬN ĐẬN PHẬN ANH HÙNG

Cái thời của Andreas Brehme và những người hùng Die Mannschaft của mùa Hè Italia 1990 đã qua từ lâu, nhưng Brehme vẫn được người ta nhớ tới như một ngôi sao sút phạt vĩ đại nhất mọi thời đại, là hậu vệ hiếm hoi sử dụng hai chân như một. Brehme từng nói rằng, đứng trước mỗi cú sút phạt, anh luôn đắn đo chọn chân thực hiện cú sút giống như “lựa chọn vũ khí”.
 
Lực sút từ chân trái của Brehme mạnh hơn nhưng những cú sút từ chân phải của cựu hậu vệ sinh năm 1960 này lại có độ chính xác cao hơn. Chính vì thế khi đứng trước những quả phạt góc hay đá phạt từ xa, Brehme dùng chân trái để “nã đại bác”, còn khi có cơ hội trên chấm 11m, anh thường hạ đối thủ bằng chân phải. 
 
Nói là “thường”, vì trong loạt penalty với ĐT Mexico tại tứ kết World Cup 1986, Brehme đã dùng chân trái để sút tung mành lưới của đội chủ nhà. Nhưng 4 năm sau tại trận chung kết nghẹt thở trên đất Italia, khi được Lothar Matthaeus trao cơ hội “kết liễu” Argentina của Diego Maradona trên chấm phạt đền ở phút 85, Brehme lại sử dụng chân phải. 
 
Lực sút bóng từ chân phải của Brehme không mạnh bằng chân trái, nhưng cú sút lịch sử vào lưới ĐT Argentina năm đó người ta đo được vận tốc bay của trái bóng lên tới 100 km/h. Franz Beckenbauer - HLV của Brehme ở cả hai kỳ World Cup 1986 và 1990 nói: “Làm việc với Andy (tên thân mật của Andreas Brehme) trên 20 năm nhưng tôi chẳng biết cậu ta thuận chân phải hay chân trái”.
 
 
Sau vinh quang ở mùa Hè Italia 1990, Brehme thi đấu đỉnh cao thêm 8 mùa giải nữa rồi giải nghệ làm HLV. Nhưng sự nghiệp cầm quân của anh lại trái ngược hẳn với đời cầu thủ. Năm 2000, anh bắt đầu dẫn dắt Kaiserslautern nhưng không thành công, bị đội bóng này sa thải vào tháng 8/2002 vì thành tích yếu kém. Năm 2004, anh được SpVgg Unterhaching bổ nhiệm nhưng thành tích thảm hại của CLB này khiến anh sớm mất việc vào 4/2005. Sau đó, Brehme theo Giovanni Trapattoni làm trợ lý ở Stuttgart. Tuy vậy, tới tháng 1/2006 thì cả đôi bị sa thải. 
 
Kể từ đó tới nay, Brehme biến mất hút khỏi đời sống bóng đá. Đơn giản, vì anh thất nghiệp.


NỢ NẦN CHỒNG CHẤT VẪN PHONG LƯU

Không thể tiếp tục nghiệp cầm quân, Brehme cũng chẳng tìm việc làm. Tuy nhiên, cựu ngôi sao ĐT Đức, Bayern và Inter vẫn sống cuộc đời phong lưu, xa hoa như thời còn ở đỉnh cao sự nghiệp. Từ ấy, báo chí không còn nhắc tới Brehme về mặt chuyên môn nữa (vì anh thất nghiệp) nhưng đôi khi, tên tuổi anh, hình ảnh anh vẫn được phơi bày đầy trên các mặt báo. 
 
Tuy vậy, tinh là những tin liên quan tới việc anh phải hầu tòa vì chạy xe quá tốc độ trong tình trạng nồng nặc hơi men hay là những câu chuyện liên quan tới ngoại tình, tới những bữa tiệc xa hoa cùng chân dài của người hùng nước Đức.
 
Thất nghiệp mà ăn chơi như thế tất yếu ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình. Tháng 9/2010, Brehme và Pilar - người bạn đời gắn bó với anh suốt 23 năm chính thức ly thân. Và chỉ một tháng sau, trong lễ hội bia Oktoberfest, Brehme đã công khai mối quan hệ mới với cô người mẫu có tên Susanne.
 
Miệng ăn núi còn lở nữa là… chơi. Tiền bạc, tài sản tích cóp từ quá khứ vinh quang của Brehme dần cạn và để lấy tiền trang trải cho đời sống phong lưu, cho những đêm tiệc tùng hay cho những cô tình nhân trẻ như Susanne, Brehme phải đi vay mượn. Cứ thế, Brehme trở thành… Chúa Chổm.
 
Tháng 10/2014, Brehme chính thức tuyên bố phá sản với khoản nợ lên tới 200.000 euro, con số chỉ đáng một tuần lương của đàn em Philpp Lahm ở Bayern. Trước thảm cảnh này của Brehme, ông thầy cũ Beckenbauer của anh lên tiếng kêu gọi rằng: “Andy đã làm quá nhiều cho bóng đá Đức và giờ là thời điểm bóng đá Đức phải có trách nhiệm giúp đỡ anh ấy”. 
 
“Hoàng đế” cũng khẳng định, ông sẽ dùng tiền từ quỹ từ thiện của mình để giúp đỡ cậu học trò cũ. Trong số các đồng đội của Brehme thì chỉ có Oliver Straube ra tay giúp đỡ. Cựu cầu thủ từng chung màu áo Unterhaching với Brehme lên tiếng: “Tôi sẵn sàng cho Andy công việc lau dọn nhà vệ sinh văn phòng của mình. Với tôi, đó là sự giúp đỡ”.
 
Nhưng một gã đã quen với đời sống phong lưu, từng đứng trên đỉnh cao nhất của bóng đá thế giới, liệu có làm được công việc cọ toa lét? Đúng là chua chát! Nhưng Straube không sai khi cho rằng, Brehme cần phải học, phải làm việc thực tế để tồn tại. 
 
 

LÀM LẠI CUỘC ĐỜI TỪ TRƯỜNG LÁI XE

Ngày 8/7/2015 vừa qua, đúng 25 năm nhân dịp kỷ niệm ĐT Đức đăng quang VCK World Cup 1990, Hoàng đế Beckenbauer cùng toàn bộ giới cầu thủ năm ấy đã trở lại Kaltern, Nam Tyrol (Italia) mở tiệc ăn mừng. Nhưng nhân vật quan trọng nhất trong chiến thắng lịch sử của ĐT Đức trước Argentina là Brehme lại vắng mặt.
 
Beckenbauer cùng toàn bộ học trò cũ không ai biết Brehme ở đâu. Một tuần trước khi lễ kỷ niệm diễn ra ở Nam Tyrol, BTC cũng đã liên lạc, tìm kiếm Brehme khắp nơi, thậm chí họ còn tìm đến cô vợ đang ly thân Pilar của Brehme để hỏi tin tức cũng không có. 
 
Brehme ở đâu khi Hoàng đế và các đồng đội cũ của anh nâng ly hồi tưởng về mùa Hè rực rỡ Italia 1990? Nhiều nguồn tin khi đó cho rằng, nhà cựu vô địch World Cup không thể tới Nam Tyrol vì đang phải… trốn nợ. Sau một thời gian, Brehme mới xuất hiện và giải thích rằng, anh vắng mặt vì bận tới tận… Ai Cập “cày tiền” trả nợ và trang trải cuộc sống. Nhưng là việc gì? Theo tìm hiểu của Bild thì Brehme được thuê tới đó trong một sự kiện khai trương trung tâm bóng đá thuộc khu resort Hurghada.
 
Trở về từ Ai Cập, Brehme xin làm việc tại công ty MPU và được nhận làm nhân viên quảng cáo, truyền thông. Đây là công ty đào tạo lái xe, tư vấn về tâm lý và sức khỏe cho các kỳ sát hạch lái xe lớn có trụ sở tại Munich. Trong quá khứ, Brehme từng là “quái xế” có hạng, nhiều lần hầu tòa vì lái xe trong tình trạng lượng cồn trong máu vượt quá mức cho phép. Tuy nhiên, anh vẫn được nhận vì “những kinh nghiệm của tôi giúp ích cho các học viên, đặc biệt là những người trẻ tuổi”. 
 
GĐĐH công ty MPU, ông Jens Stiegele cho biết: “Chúng tôi đã ký hợp đồng dài hạn với Brehme. Anh ấy đang làm tốt công việc của mình, chúng tôi rất vui vì có được một nhân viên nhiệt tình và có khả năng như Brehme”.
 
25 năm trước, Brehme nhận trách nhiệm mà một ngôi sao đầy bản lĩnh như Matthaeus không dám làm trước khung gỗ của ĐT Argentina để đưa người Đức lên đỉnh vinh quang. Nhưng khi lâm vào cảnh khốn cùng nhất, người hùng năm xưa từ chối sự giúp đỡ của bóng đá Đức, của bất cứ đồng đội nào. 
 
Vì danh dự và vì Brehme vẫn còn khả năng lao động để trả nợ, trả cho những sai lầm trong cuộc sống. Không hào nhoáng, không giàu có như các đồng đội cũ nhưng công việc ở trường lái MPU giúp Brehme ổn định được cuộc sống trong danh dự. 
Năm nay 54 tuổi, Brehme đang hào hứng với công việc mới. Bóng đá với Brehme giờ đã là dĩ vãng… 
 
HỒ SƠ ANDREAS BREHME
Tên đầy đủ: Andreas Brehme
Ngày sinh: 9/11/1960
Chiều cao: 1m76
Vị trí: Đá cánh trái
 
Sự nghiệp cầu thủ
Barmbek-Uhlenhorst (1978-1980): 66 trận/10 bàn
Saarbrücken (1980-1981): 36 trận/3 bàn
Kaiserslautern (1981-1986): 154 trận/34 bàn
Bayern Munich (1986-1988): 59 trận/7 bàn
Inter Milan (1988-1992): 116 trận/11 bàn
Zaragoza (1992-1993): 24 trận/1 bàn
Kaiserslautern (1993-1998): 120 trận/9 bàn
ĐTQG Đức (1984-1994): 86 trận/8 bàn
 
Sự nghiệp huấn luyện
Kaiserslautern (2000-2002)
Unterhaching (2004-2005)
Stuttgart (trợ lý, 2005-2006)
 
Danh hiệu
Bayern Munich: VĐ Bundesliga 1986/87, Á quân 1987/88; Á quân Cúp C1 châu Âu 1986/87
Inter Milan: VĐ Serie A 1988/89; Siêu Cúp Italia 1989; UEFA Cup 1990/91
Real Zaragoza: Á quân Cúp Nhà Vua 1992/93
Kaiserslautern: VĐ Bundesliga 1997/98, Á quân 1993/94; Cúp QG Đức 1995/96; Siêu Cúp Đức 1987
 
ĐTQG Đức: VĐ World Cup 1990, Á quân 1986; Á quân EURO 1992.
 
Danh hiệu cá nhân: Đội hình tiêu biểu VCK EURO 1984, 1992; Cầu thủ xuất sắc nhất Serie A 1989; Đội hình tiêu biểu VCK World Cup 1990; Quả Bóng Đồng 1990.

 

 



(báo bóng đá)