Ai hiệu quả bằng thủ môn?
Cụ thể, phân tích trên chỉ tính từ mùa bóng 2008/09 đến mùa bóng 2013/14, nghĩa là chừa ra mùa bóng 2014/15 (dựa trên lập luận: đôi khi mùa bóng đầu tiên chưa phản ánh chuẩn xác hiệu quả của một cú chuyển nhượng). Cũng phải thừa nhận, đa số hợp đồng chuyển nhượng trong bóng đá đỉnh cao không được các bên liên quan công bố hoặc xác nhận giá cả. Vậy nên, để thống nhất hóa việc so sánh, mọi số liệu được lấy từ trang web Transfermarkt.com.
Mỗi cú chuyển nhượng được chấm theo thang điểm từ 1-5, hoàn toàn dựa vào hiệu quả của bản hợp đồng. Ví dụ: khi một cầu thủ chấn thương sau khi chuyển nhượng và hầu như không thi đấu, anh ta được chấm điểm thấp dù đấy không phải là lỗi của mình, cũng không phải là vấn đề phong độ, tài năng hay khả năng hòa nhập. Mấu chốt ở đây là: luôn có xác suất rủi ro trong việc chuyển nhượng. Về lý thuyết, bản hợp đồng đắt tiền luôn chứa đựng xác suất rủi ro (ngẫu nhiên) cao hơn bản hợp đồng rẻ tiền.
Kết quả cụ thể: trong 10 bản hợp đồng chuyển nhượng thủ môn đắt giá nhất (từ mùa bóng 2008/09 đến 2013/14), có 2 bản được chấm điểm 5 tuyệt đối (Thibaut Courtois từ Genk đến Chelsea năm 2011 và Manuel Neuer từ Schalke đến Bayern Munich năm 2011).
Các vụ chuyển nhượng David De Gea (Atletico Madrid sang Manchester United) và Hugo Lloris (Lyon sang Tottenham) được chấm điểm 4. Ngược lại, chỉ có vụ chuyển nhượng Heurelho Gomes (PSV Eindhoven sang Tottenham) là thật sự thất bại, với điểm 1.
Bình quân trong 10 vụ chuyển nhượng thủ môn đình đám nhất thì giá trung bình là 12,78 triệu euro và hiệu quả là điểm 3/5. Nhóm này có hiệu quả cao hơn 5 nhóm cầu thủ còn lại trong cuộc so sánh gồm hậu vệ biên, trung vệ, tiền vệ trụ, tiền vệ công, tiền đạo.
Trong số 10 hậu vệ biên có giá chuyển nhượng cao nhất ở giai đoạn 2008-2014, có đến 4 trường hợp chỉ được điểm 1/5 về hiệu quả. Đó là Fabio Coentrao (Benfica đến Real Madrid), Aleksandar Kolarov (Lazio sang Manchester City), Jose Bosingwa (Porto sang Chelsea) và Mauricio Isla (Udinese sang Juventus). Chỉ có 2 bản hợp đồng được đánh giá trên trung bình về giá trị sử dụng là Jordi Alba (Valencia sang Barcelona) và Dani Alves (Sevilla sang Barcelona).
Bình quân, 10 hậu vệ đắt nhất có giá chuyển nhượng 29,83 triệu euro và điểm trung bình về hiệu quả là 2,5/5. Cách phân tích tương tự cho thấy 10 trung vệ đắt nhất ở giai đoạn 2008-2014 có giá chuyển nhượng trung bình là 24,84 triệu euro nhưng chỉ có điểm trung bình về giá trị sử dụng là 2/5.
Không có trung vệ nào được chấm điểm 5. Điểm số về giá trị sử dụng của Marquinhos (AS Roma sang PSG), Joleon Lescott (Everton sang Manchester City), Dimitro Chygrynsky (Shakhtar Donetsk sang Barcelona), Bruno Alves (Porto sang Zenit St Petersburg), Phil Jones (Blackburn sang M.U), Mamadou Sakho (PSG sang Liverpool), Kolo Toure (Arsenal sang Manchester City) và Andrea Ranocchia (Genoa sang Inter) đều chỉ là 1-2. Nghĩa là: có đến 8/10 bản hợp đồng chuyển nhượng trung vệ đắt nhất bị cho là thất bại!
BẠN CÓ BIẾT?
1 trong 100
Gianluigi Buffon (ảnh) là thủ môn duy nhất xuất hiện trong danh sách 100 cầu thủ có giá chuyển nhượng cao nhất xưa nay. Anh chuyển từ Parma sang Juventus ở mùa bóng 2001/02 với giá 52 triệu euro.
Dĩ nhiên, Buffon cũng là thủ môn đắt giá nhất trong lịch sử. Điều đáng nói là anh bỏ rất xa so với người đứng thứ nhì trong danh sách các thủ môn đắt giá nhất xưa nay: Manuel Neuer (chuyển từ Schalke sang Bayern Munich vào năm 2011 với giá 30 triệu euro).
Ở cuộc bầu chọn “Quả Bóng Vàng FIFA 2014” vừa qua, Neuer thách thức cả Cristiano Ronaldo lẫn Lionel Messi. Mặt khác, anh được xem là đã làm nên một cuộc cách mạng quan trọng về chuyên môn, khi thường xuyên thi đấu như một hậu vệ. Tất cả cho thấy: Bayern đã lời to khi chi “đến” 30 triệu euro chỉ để mua một thủ môn!
Số liệu thống kê có hơi khác nhau (suy cho cùng, giá chuyển nhượng các ngôi sao luôn được đăng đầy trên internet đều không phải là giá chính thức), nên cũng không có một bản danh sách chính thức về top 10 thủ môn đắt giá nhất xưa nay.
Đại khái thì đứng dưới Buffon và Neuer là những David De Gea (Atletico sang M.U, 2011), Sebastien Frey (Inter sang Parma, 2003), Angel Peruzzi (Juventus sang Inter 1999, rồi Inter sang Lazio 2000), Jan Oblak (Benfica sang Atletico, 2014), Petr Cech (Chelsea sang Arsenal 2015)...
Giá chuyển nhượng, xin nhắc lại: đều không cao. Chính vì giá chuyển nhượng thủ môn thường không cao nên mới có tình trạng thủ môn được xem là vai trò có hiệu quả cao nhất (so với số tiền bỏ ra) khi người ta rà soát lại những bản hợp đồng lớn trong khoảng 5 năm gần đây ở châu Âu.