Trẻ hóa bóng đá Italia: Khi mọi cấp đều “tự giác”!
TRẺ HÓA VÌ... KHỦNG HOẢNG KINH TẾ
Tại Đức, các đội bóng được hỗ trợ rất nhiều về tài chính từ chính phủ và LĐBĐ Đức cho công tác đào tạo trẻ. Bù lại, mỗi đội bóng phải đưa lên đội 1 ít nhất 5 cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo trẻ của CLB, đây là quy định bắt buộc. Ở Tây Ban Nha, những đội bóng lớn như Real, Barca đều có đội trẻ được tranh tài ở các giải hạng dưới, tạo điều kiện cho cầu thủ trẻ được cọ xát.
Serie A không có được những đặc ân như thế. Hay nói chính xác hơn, những quy định cụ thể về việc hỗ trợ công tác đào tạo trẻ vẫn đang còn trên... giấy tờ. Với tình trạng quan liêu nói chung ở Italia, mọi dự thảo sẽ còn một khoảng thời gian dài để đi đến thực tiễn.
Không có ai thúc ép, không có ai ủng hộ (trừ lời nói suông của lãnh đạo LĐBĐ Italia), nhưng chính các CLB đã nhận ra con đường tất yếu phải trẻ hóa. Cuộc khủng hoảng kinh tế buộc mọi đội bóng phải thắt lưng buộc bụng, không thể vung tiền mua thành công như từng rất phổ biến trong suốt gần 2 thập kỷ qua.
Nếu nhìn vào 50 bản hợp đồng có phí chuyển nhượng cao nhất thế giới 2 năm qua, chỉ 2 cầu thủ từ giải khác tới Serie A (Balotelli và Tevez). Nhưng đã có tới 7 trường hợp ngôi sao từ Serie A mà đi (Eto’o, Pastore, T.Silva, Ibrahimovic, Sneijder, A.Sanchez và Lavezzi). Chi tiết này đủ để minh họa cho sự khó khăn về tài chính của bóng đá Italia.
Bởi vậy, “ý thức tự giác” trẻ hóa của mỗi CLB cũng bỗng nhiên được hình thành. Việc trẻ hóa không hoàn toàn đến từ lò đào tạo của CLB, mà cũng được mở rộng thêm với một số cầu thủ nước ngoài, nhưng ít nhất cũng đã cho thấy sự chuyển biến tư duy từ lãnh đạo các CLB, thay thế cho tâm lý chỉ trông đợi vào các sao “hàng hiệu” để mưu tìm thành công.
Mỗi CLB lớn ở Serie A hiện nay đều có ít nhất 1-2 trụ cột là cầu thủ trẻ như Pogba và Peluso ở Juve, Kovacic và Juan Jesus tại Inter, hoặc Milan có De Sciglio, Balotelli và El Shaarawy, trong khi Napoli tự hào với Insigne. Đặc biệt là dàn cầu thủ trẻ tài năng của Roma được HLV Zeman gây dựng, chỉ tiếc là BLĐ Roma chưa thực sự nghiêm túc, vẫn còn bối rối giữa mục tiêu dài hạn và thành tích trước mắt, nên đã sớm chia tay chiến lược gia người Czech. Dù vậy, những cơ sở ông để lại sẽ còn được phát huy tác dụng dưới thời tân HLV Rudi Garcia.
Dường như câu truyện ngụ ngôn “Tái ông thất mã” đang diễn ra rất giống với tình trạng của bóng đá Italia hiện nay, khi vẫn tìm ra được điểm tích cực trong thời điểm bị tàn phá nặng nề bởi cuộc khủng hoảng kinh tế. Thành quả trước mắt là việc ĐTQG và đội U21 Italia đều giành ngôi á quân ở 2 giải đấu cấp châu lục trong 1 năm qua.
VÌ “NGƯỜI LỚN” HIỂU RẰNG PHẢI TRẺ HÓA
Từ khi lãnh trách nhiệm dẫn dắt ĐT Italia, chiến lược gia bậc thầy về đào tạo trẻ Prandelli đã không ít lần bỏ thời gian đi thăm sân tập, trung tâm huấn luyện cầu thủ trẻ của các CLB. Trong những chuyến đi ấy, ông đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng, thúc đẩy việc trẻ hóa nền bóng đá.
Chẳng hạn, Prandelli từng khuyên BLĐ Juve xây thêm khu vật lý trị liệu cho cầu thủ trẻ, đề xuất Milan tăng chất đạm cho khẩu phần ăn của lứa tuổi U17 và thậm chí cởi đồ, tắm thử để kiểm tra chất lượng phòng tắm của cầu thủ trẻ tại Atalanta... Những việc tưởng như nhỏ đó của người đứng đầu BHL đội tuyển Italia khiến BLĐ các đội bóng phải tự thay đổi thái độ với công tác bóng đá trẻ.
Vấn đề dinh dưỡng của 1 cầu thủ trẻ tại Atalanta đã được cải thiện từ 170 lên 250 euro/tháng; tần suất bảo trì sân tập của Juve tăng lên 3 lần; Inter tăng từ 6 lên 11 HLV phụ trách đào tạo trẻ; Pescara mua tặng 900 đôi giầy đá bóng hàng hiệu cho đội trẻ; Udinese xây dựng lại khu “ký túc xá” to đẹp hơn...
Đó là những thay đổi tuy chưa lớn, nhưng đã cho thấy sự thật tâm của các CLB trong việc đối xử với cầu thủ trẻ, nhất là khi CLB không hề được hỗ trợ hoặc ưu đãi gì đáng kể.
Quá trình trẻ hóa của Italia bắt đầu muộn hơn so với Đức, Tây Ban Nha ít nhất 10 năm, tới lúc này vẫn có phần tự phát. Nhưng với tiềm năng to lớn, có thể tin nền bóng đá Italia sẽ sớm bắt kịp những quốc gia láng giềng!