Bong da

BONG-DA-Y

Serie A: Cuộc tháo chạy vẫn tiếp diễn

Cập nhật: 29/12/2011 16:15 | 0

Từ chỗ là điểm đến màu mỡ của những ngôi sao hàng đầu thế giới, giờ Serie A đang trở thành sân chơi hạng hai, nơi ươm mầm tài năng rồi cung cấp cho các giải đấu khác.




Sau những cuộc chia ly với A.Sanchez và Pastore mùa Hè vừa qua, giờ đến lượt Pato cũng sắp chia tay Serie A. Cuộc tháo chạy khỏi Italia chưa có dấu hiệu ngừng lại.

Tháo chạy ồ ạt
Đã qua lâu lắm rồi cái thời mà Serie A là giải vô địch thế giới thu nhỏ, là điểm đến mơ ước của mọi cầu thủ. Giờ đây, nhắc tới Serie A, người ta chỉ nghĩ tới những trận đấu tẻ nhạt, những khán đài hiu quạnh, cũ kỹ.

Những năm gần đây, khi các nhà hoạch định chính sách Serie A chưa tìm ra cách nào để ngăn cuộc khủng hoảng thì giải đấu số 1 Italia càng trượt xa khỏi tầm vóc hàng đầu châu lục.

Bằng chứng, tạm gác yếu tố chất lượng chuyên môn, nếu lấy thước đo là số lượng các ngôi sao để đánh giá sự hấp dẫn của một giải đấu thì Serie A chỉ đáng xếp hạng hai Lục địa già. Sau Calciopoli, lần lượt những ngôi sao sáng nhất bỏ Italia mà đi. Mở đầu là Cannavaro, Shevchenko, Zambrotta, Thuram, Kaka, Ibrahimovic, Balotelli… Rồi mùa Hè vừa qua, thêm những cuộc chia ly đầy nuối tiếc với Sanchez, Pastore.
Đổi lại, Serie A chỉ là “bãi rác”, chứa hàng thải từ Premiership hay La Liga, như Eto’o, Sneijder và Ronaldinho. Đáng nói ở chỗ, mất ngôi sao vào tay Premiership, La Liga, 2 giải đấu vượt trội về tầm vóc là điều còn chấp nhận được. Nhưng giờ thì ngay cả những đội bóng ở Ligue I hay Bundesliga cũng là mối đe dọa đáng ngại với các CLB Serie A, mà vụ Pato bị quyến rũ bởi những đồng euro từ PSG là minh chứng.

Thiếu cầu thủ chất lượng, dẫn đến mất khả năng cạnh tranh thành tích ở cúp châu Âu, thế nên dễ hiểu khi Serie A mất vị trí thứ 4 trên BXH UEFA vào tay Bundesliga.

Vì sao nên nổi?
Hầu hết các đội bóng lớn tại Serie A đều thuộc sở hữu của các công ty hoặc tập đoàn kinh tế. Ví dụ như Milan thuộc sở hữu của công ty mẹ Fininvest. Inter thuộc về tập đoàn hóa dầu Saras. Còn Juventus thuộc tập đoàn Exor. Bởi vậy, khả năng tài chính của Milan, Juve, Inter phụ thuộc nhiều vào tình hình làm ăn của các tập đoàn trên. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài tại Italia đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh của Fininvest, Saras và FIAT những năm qua. Khi công ty mẹ “đói kém” thì việc ba đại gia Serie A phải thắt chặt chi tiêu là chuyện dễ hiểu. Trong hoàn cảnh đó, lấy đâu ra tiền để họ theo đuổi những bản hợp đồng bom tấn.

Chưa hết, thống kê cho thấy quỹ lương của các đội bóng Serie A chiếm tới 65% doanh thu, cao bậc nhất châu Âu. Một đội bóng không thể tồn tại với quỹ lương khổng lồ như vậy. Giảm lương bằng cách nào? Chỉ còn cách bán bớt ngôi sao vừa để thu lại một khoản phí chuyển nhượng lớn, vừa để bớt gánh nặng lương bổng.

Một yếu tố nữa khiến các đội bóng Serie A không có tiềm lực tài chính dồi dào là họ không có sự hỗ trợ tuyệt đối về mọi mặt từ chính quyền địa phương như Real Madrid hay Barcelona. Nên nhớ, Milan và Inter đến giờ vẫn còn phải trả tiền thuê sân hàng năm. Dù không muốn thừa nhận nhưng nhận xét của chủ tịch Palermo, Zamparini: “Serie A đang tụt lùi 20 năm so với La Liga và Premiership” xem ra cũng chẳng quá chút nào. 

Với hoàn cảnh hiện tại, các CLB ở Italia chỉ tự an ủi rằng tuy không có khả năng cạnh tranh tài chính nhưng về lâu dài, điều này đảm bảo được tính ổn định, nhất là khi UEFA bắt đầu áp dụng luật công bằng tài chính.

Bongdaplus.vn