Milan mua đứt Torres để… bán đứt
KHÔNG CÓ SEEDORF MỚI
Mùa Hè 2002, Milan đã bất ngờ đem hậu vệ trái Francesco Coco đổi lấy Clarence Seedorf của Inter. Người Italia từng nghi ngờ đó là vụ làm xiếc để rửa tiền của hai đội bóng thành Milan, nhưng không ai đưa ra được bằng chứng. Chỉ biết rằng, đó là một trong những vụ làm xiếc thành công nhất của Milan. Seedorf trở thành trụ cột của Rossoneri trong suốt 10 năm sau đó, hạt nhân của 2 danh hiệu Champions League và 2 chiếc Scudetto.
Nhưng Milan mua đứt Torres để làm gì? Phí chuyển nhượng là bao nhiêu (nếu có)? Chưa ai trả lời được câu hỏi đó một cách xác đáng, ngoại trừ người đạo diễn, phó chủ tịch Adriano Galliani. 12 năm trước, việc chiêu mộ Seedorf được đánh giá là thương vụ khôn ngoan ngay từ đầu, bởi tiền vệ người Hà Lan khi ấy đã là một ngôi sao lớn, từng kinh qua Ajax, Real Madrid và Inter. Nhưng lần này việc mua đứt Torres, đẩy sang Atletico để đổi lấy Cerci hàm chứa biết bao nỗi nghi ngờ.
Thương vụ mượn Torres lẽ ra không nên diễn ra ngay từ đầu, nhưng khổ nỗi ông chủ Silvio Berlusconi vẫn chỉ thích những ngôi sao có tên tuổi, dù Milan chỉ như chú sư tử già hết nanh vuốt. Để rồi chỉ sau nửa đầu mùa bóng, BLĐ Milan phải tìm mọi cách tống khứ El Nino, trải qua biết bao thủ tục lằng nhằng không đáng để NHM phải bận tâm.
Milan hết kiên nhẫn với Torres, nên phải chấp nhận đẩy El Nino sang Atletico với điều khoản thiệt thòi (vẫn trả lương Torres 4 triệu euro/năm trong 18 tháng). Pha “làm xiếc” này của BLĐ Milan mang tính chữa cháy nhiều hơn, tiếp tục chứng kiến gã khổng lồ thành Milan loay hoay trong nỗ lực tái thiết.
GÃ KHỔNG LỒ 5 XU, 3 HÀO
Với thương vụ Torres, Milan đã mở đầu kỳ chuyển nhượng mùa Đông năm nay một cách đầy rối rắm và phức tạp, không xứng với tầm vóc của CLB. Trong lúc những gã khổng lồ khác như Barca, Real, Man City hay PSG… gần như muốn ngôi sao nào là sẽ có người đó, thì Milan chỉ loanh quanh với những tính toán vụn vặt, tủn mủn.
Năm 1995, sau khi Milan thua Ajax liền 3 trận ở Champions League (vòng bảng và chung kết), ông chủ Berlusconi nói: “Nếu không thắng được đối thủ thì hãy... mua cả đội của họ”. Cùng năm ấy, Milan đón George Weah từ PSG. Năm 1999, Milan chiêu mộ Andriy Shevchenko từ Dinamo Kiev trong sự thèm khát của cả châu Âu. Hai năm sau đó, Rossoneri “giật” Filippo Inzaghi ở đỉnh cao phong độ từ tay kình địch Juventus. Hoặc ít ra vào Hè 2010, Milan cũng tận dụng được điều kiện khách quan để chiêu mộ Zlatan Ibrahimovic với giá rẻ…
Nhưng bây giờ, còn Milanista nào dám nghĩ tới những thương vụ như thế? Milan thậm chí còn trở thành nhân vật phản diện, đối tác luôn lật lọng, không đáng tin cậy trên thị trường chuyển nhượng. Milan từng từ chối mua Aly Cissokho chỉ vì chiếc… răng sâu, rồi đày ải Alberto Aquilani trên ghế dự bị để anh không đá đủ 25 trận/mùa, điều kiện để Milan phải mua đứt từ Liverpool…
Bậc đại nhân phải đi đường lớn, nhưng gã khổng lồ Milan lại cứ đâm đầu vào những con đường nhỏ, đôi khi là ngõ cụt. Có ai nghĩ một CLB làm những chuyện vụn vặt, chộp giựt như vậy lại là chủ nhân của 7 danh hiệu Cúp C1/Champions League!
Milan lỗ 2 triệu euro/năm vì Torres
Theo thỏa thuận giữa hai CLB, Milan trả lương cho Torres, còn Atletico vẫn trả lương cho Cerci trong thời gian đôi bên mượn người của nhau. Lương của Cerci là 2 triệu euro/năm, chỉ bằng một nửa Torres. Như vậy tiếng là trao đổi cầu thủ một cách sòng phẳng, nhưng trên thực tế Milan vẫn chịu lỗ 2 triệu euro/năm vì chân sút 30 tuổi.