CLB Parma sắp bị khai tử: Đá bóng trong cơn hấp hối
NGÀY TÀN THOI THÓP
Chủ nhật 15/2/2015, tại sân Olimpico, Parma bất ngờ thủ hòa 0-0 với đội chủ nhà AS Roma tại vòng 23 Serie A 2014/15. Những ai từng thấy khó chịu vì mất thời gian ngồi xem trận đấu tẻ nhạt ấy giờ lại có thể trở thành nhân chứng lịch sử. Có thể họ đã được xem trận đấu cuối cùng của đội Parma! Vì sao? Vì ngân quỹ của toàn CLB chỉ vỏn vẹn 40.000 euro.
Ở vòng 24, trận tiếp Udinese đã bị bãi bỏ vì Parma không còn đủ tiền để trả cho lực lượng an ninh và đội ngũ phục vụ trên sân. Đến vòng đấu mới nhất của Parma cũng bị hoãn bởi CLB không đủ năng lực tài để… thuê xe chở cầu thủ đến Genoa thi đấu. Thế chẳng ai ngạc nhiên khi nghe tin toàn bộ cầu thủ bị nợ lương suốt từ mùa Hè 2014 đến nay.
Đến tận vài ngày gần đây, vẫn không có tín hiệu nào để giới quan sát có thể hình dung ra đội Parma... trong ngày mai. Thủ quân Alessandro Lucarelli bi quan: “Tuần này, thậm chí có thể cũng là tuần lễ cuối cùng mà Parma còn tồn tại! Phải nói luôn rằng tôi không biết Parma có còn tồn tại để chờ đến cuộc họp ngày 6/3/2015 hay không”.
Cuộc họp trên là thời điểm để các thành viên Parma ít nhất cũng biết số phận tiếp theo của họ là như thế nào. Có ai cứu vớt đội bóng? Nếu có, đội sẽ hồi sinh đến mức độ nào? Nếu đội bóng tan rã, mỗi người có thể làm gì? Trong mọi trường hợp giả định, vẫn có một điều chắc chắn: Parma không thể nào trở lại với chính họ như ở mùa bóng này nữa. Vẫn còn là một đội bóng, được chơi ở Serie B mùa tới, đã là... một giấc mơ rồi!
NHỮNG THẢM CẢNH KHÔNG TƯỞNG
Tình trạng một CLB nợ nần hoặc bị đẩy đến bờ vực phá sản xưa nay không có gì lạ. Dù sao đi nữa, đấy luôn là chuyện vĩ mô, là những cái nợ hoặc khủng hoảng ở quy mô lớn. Tình tiết cụ thể về thảm cảnh Parma trong những ngày gần đây thật đáng ngạc nhiên, thậm chí là không tin được.
“Này anh em, tin mới của ngày hôm nay đây”, thủ quân Lucarelli thông báo với các cầu thủ, “Từ ngày mai dịch vụ giặt là ở CLB sẽ chấm dứt. Chúng ta sẽ phải tự mang quần áo tập về nhà mà giặt. Cũng tốt thôi, kể như đó là cơ hội tạo công ăn việc làm cho vợ con”.
CĐV biểu tình, sân bóng bị khóa chặt, nước uống cũng không có tiêu biểu cho hình ảnh cùng cực của CLB Parma
Đó là một thảm cảnh cười ra nước mắt ở CLB từng hào phóng giang tay chào đón các ngôi sao sáng nhất thế giới này. Nhưng chưa hết, để kiếm được những khoản tiền lẻ cho những chi phí lặt vặt thường ngày, đội ngũ kinh doanh phải đôn đáo tìm đối tác để bán không phải là bản quyền truyền hình, quảng cáo, tài trợ hay tên sân mà là bán… chiếc ghế mà HLV Roberto Donadoni đã ngồi chỉ đạo hay những đồ gỗ trong phòng thay đồ như bàn, tủ.
Tấn bi hài kịch thành Parma chưa dừng ở đó. Ở vòng đấu gần nhất, Parma đã phải hoãn trận làm khách của Genoa do không có tiền thuê xe chở cầu thủ. Đến nước này, các cầu thủ Parma đã bàn nhau phương án tự lo chuyện đi lại để mà được thi đấu.
Lucarelli tiết lộ: “Nó như một bộ phim hài. Chúng tôi có đến 4 ông chủ tịch chỉ trong 1 mùa bóng mà không có đủ tiền để thuê xe. Chủ nhật trước, chúng tôi đã phải đắng cay hủy trận gặp Udinese. Thế nên, trận này (gặp Genoa) anh em bàn nhau là sẽ tự túc, không trông chờ vào CLB nữa. Toàn đội sẽ đi bằng 5, 6 xe cá nhân là cùng”.
Tuy nhiên, ý định này cũng không thành vì cầu thủ sợ mất xe. Bởi lúc đó, các nhân viên của ủy ban thu hồi công nợ đã xuất hiện ở sân tập hoặc văn phòng của Parma để siết nợ. Cẩn thận như vậy không thừa bởi đã có 3 chiếc xe con và 1 chiếc xe tải thuộc sở hữu của đội bóng đã bị siết, giờ mang xe nhà đến cũng dễ bị tóm nhầm. Đó là chưa kể chuyện tiền đâu để trả chi phí ăn ở tại Genoa nữa nên kế hoạch trên đã phá sản.
CLB Parma, trong những ngày qua, thậm chí không còn tiền để mua nước uống cho cầu thủ sau các cữ tập. Điện cũng hạn chế và phòng tắm hoàn toàn không có nước nóng. Đã rất nhiều cầu thủ đã ốm vì buộc phải tắm nước lạnh. Làm sao có thể tưởng tượng ở Serie A lại có một đội khổ đến mức ấy! Nhưng đó là sự thật, bởi vì đó chính là những tâm sự não nề của cựu danh thủ Hesnan Crespo - người đang đảm nhiệm công tác đào tạo trẻ của CLB.
NGUỒN CƠN CỦA BI KỊCH
Câu chuyện bắt đầu từ cuối mùa trước. HLV Donadoni dẫn dắt Parma leo lên vị trí số 6 ở Serie A, lần đầu tiên có vé tham dự đấu trường châu Âu kể từ năm 2007. Nhưng đấy cũng là lúc Parma bắt đầu nợ lương cầu thủ. Và do không kịp trả nợ, Parma không được UEFA cấp phép dự Europa League mùa này. Ở Serie A, đội bị trừ 11 điểm tính vào mùa bóng 2014/15 vì nguyên nhân tương tự. Từ đó đến nay, Parma tiếp tục nợ lương cầu thủ.
Khoản nợ ban đầu - chỉ khoảng 16 triệu euro khi Tommaso Ghirardi nhận ghế chủ tịch vào năm 2007 giờ đã tăng lên khoảng 200 triệu euro. Để che đậy khó khăn, Ghirardi có những cách điều hành thực sự điên rồ. Parma mua, bán, mượn, cho mượn, hùn quyền sở hữu... đến hàng trăm cầu thủ chỉ trong vòng 1 năm. Chính xác là 145 cầu thủ tính từ mùa Hè 2013 đến mùa Hè 2014!
Vậy nên, vấn đề của Parma không phải là họ nợ quá nhiều, mà là nợ một cách... bệnh hoạn. Nợ không có kế hoạch, không có khả năng chi trả, nợ... lầy, nên chẳng ai muốn dính đến đội bóng nữa.
Giữa những sự thay đổi chủ tịch và quyền sở hữu liên tiếp gần đây, vẫn có một cột mốc rõ ràng: nếu Parma không thể trả lương cầu thủ trước ngày 16/2 thì mọi cầu thủ đều có quyền xé hợp đồng, không còn chịu sự ràng buộc nào nữa. Hạn chót ấy cũng đã trôi qua mất rồi, làm sao biết được Parma ngày mai... có còn hay không.
Thật trớ trêu khi món jambon của thành phố Parma được cả châu Âu chung tay bảo tồn thì CLB này đang vất vưởng trên bờ vực diệt vong!
Từng là niềm kiêu hãnh
Parma là một hiện tượng. Ở Italia, chỉ có 3 gã khổng lồ Juventus, Inter và AC Milan gặt hái danh hiệu trên đấu trường châu Âu nhiều hơn Parma. Chỉ trong 10 năm (1992-2002), Parma đã đoạt 3 Cúp Quốc gia Italia, 1 Siêu Cúp Italia, 2 Cúp UEFA, 1 Cúp C2 và 1 Siêu Cúp châu Âu. Đấy là kỳ tích, bởi đội này chỉ mới xuất hiện lần đầu tiên ở đẳng cấp Serie A vào năm 1990. Suốt hơn chục năm đầu tiên góp mặt ở Serie A, chẳng bao giờ Parma đứng ngoài Top 6!
Đội hình chính của Parma vào năm 1999 gồm toàn danh thủ: Gianluigi Buffon - Lilian Thuram, Roberto Sensini, Fabio Cannavaro - Diego Fuser, Dino Baggio, Juan Veron, Alain Boghossian, Paolo Vanoli - Enrico Chiesa, Hernan Crespo. Các ngôi sao lừng lẫy như Hristo Stoichkov, Faustino Asprilla, Gianfranco Zola, Tomas Brolin... đều đã khoác áo đội này lúc ở đỉnh cao phong độ.
Đây cũng là nơi giúp những tên tuổi lớn trong làng huấn luyện dương danh như Arrigo Sacchi, Zdenek Zeman, Nevio Scala, Carlo Ancelotti, Alberto Malesani. Tại World Cup 1998, số thành viên Parma đứng trong hàng ngũ Azzurri nhiều hơn cả Inter lẫn AC Milan. Tại World Cup 1994, Parma cũng đóng góp số tuyển thủ quốc gia cho Italia nhiều hơn Juventus, Inter.
Chức VĐ Uefa Cup 1999 đánh dấu thời kỳ hoàng kim của Parma
Đấy cũng là thời hoàng kim của Serie A nói chung. Từ năm 1989 đến năm 1999, có đến 28 lần đại diện của Serie A góp mặt trong các trận chung kết 3 Cúp châu Âu! Parma vươn lên mạnh mẽ nhờ tiền đầu tư của gã khổng lồ ngành sữa Parmalat. Vậy nên, khi Parmalat suy sụp thì đội bóng cũng không thoát khỏi kết cục đau buồn.
Năm 2003, công ty mẹ Parmalat bất ngờ sụp đổ với một lỗ hổng tài chính lên đến 14 tỷ euro trong sổ sách kế toán. Đến tận bây giờ, đấy vẫn là vụ phá sản lớn nhất châu Âu. Đội bóng phải tạm giải tán, thành lập lại và đổi tên từ AC Parma thành FC Parma. Cùng với sự xuống cấp chung của Serie A, Parma cũng mờ nhạt luôn từ sau scandal Parmalat. Đội rớt xuống Serie B vào năm 2008 và dù sau đó trở lại được Serie A thì cũng chẳng còn là thế lực đáng gờm nữa. Khó khăn về tài chính ngày càng chồng chất.
Tháng 12/2014, doanh nhân người Albania, Rezart Taci mua lại Parma với giá... 1 euro. Chỉ 2 tháng sau, Taci đã phải bán lại Parma cho Giampietro Manenti, bằng đúng cái giá tượng trưng 1 euro ấy. Manenti đang đứng trước một cột mốc lịch sử không ai muốn có. Vài năm sau, người ta sẽ nhớ rằng ông chính là vị chủ tịch cuối cùng của một đội bóng nổi tiếng - đã từng tồn tại với cái tên Parma?
Kế hoạch... hậu phá sản
Sau 25 vòng đấu, Napoli và Fiorentina đều đang có mặt trong Top 5 tại Serie A 2014/15. Nếu thứ hạng hiện thời được giữ nguyên đến cuối mùa bóng thì Fiorentina sẽ dự Europa League, còn Napoli dự vòng loại Champions League mùa tới. Đấy dĩ nhiên là thành công đáng kể đối với hai tên tuổi lớn từng phá sản và phải làm lại từ đầu ở Calcio.
Napoli bị tuyên bố phá sản vào tháng 8/2004, với món nợ khoảng 70 triệu euro. Nói cách khác, trên lý thuyết thì đội Napoli từng gắn với tên tuổi Diego Maradona, đoạt Cúp UEFA năm 1989, đã bị giải tán. Nhà làm phim Aurelio De Laurentiis tái thành lập đội bóng với tên mới là Napoli Soccer.
Từng bị phá sản vì nợ nần, cả Napoli (áo xanh) và
Fiorentina phải làm lại từ con số 0 để vươn lên vị trí hàng đầu Serie A
Đội này khởi đầu tại Serie C1 tức đẳng cấp hạng Ba của bóng đá Italia, sau đó leo dần lên Serie B rồi trở lại Serie A. Sau một vài thủ tục cần thiết và một khoảng thời gian đúng luật định, De Laurentiis lấy lại tên cũ Societa Sportiva Calcio Napoli - tức là đội Napoli ngày nay.
Fiorentina, đoạt Cúp C2 năm 1961, cũng từng phá sản và chấm dứt sự hiện diện vào tháng 6/2002. Chỉ mới 2 năm trước đó, Gabriel Batistuta còn khoác áo đội này. Giống như lộ trình tái sinh của Napoli, Fiorentina cũng may mắn kiếm được một doanh nhân vừa có nhiệt huyết, vừa có tiền - Andrea Artemio Franchi.
Đội bóng từng là Fiorentina cũng phải đổi tên thành Association Calcio Fiorentina e Florentia Viola và được chấp nhận ở Serie C2 tức bảng hạng Tư của Calcio. Hành trình trở lại đỉnh cao của Fiorentina có chút may mắn: từ Serie C2, họ được lên thẳng Serie B khi giải này mở rộng từ 20 lên 24 đội. Và ngay trong mùa bóng tiếp theo, họ đã trở lại Serie A, mua lại tên cũ và được quyền sử dụng màu áo cùng mọi hình ảnh cũ của Fiorentina.
Nói vậy có nghĩa là Parma hiện nay dù có bị giải thể thì cũng sẽ lại tái sinh trong tương lai? Chưa chắc, nhưng ít ra là có hy vọng. Một ông chủ mới sẽ gầy dựng lại đội bóng với tên mới và lực lượng mới từ chỗ mà FC Parma tan biến. Đội bóng ấy sẽ khởi đầu từ đẳng cấp nghiệp dư, hoặc nếu may mắn thì được nhận ngay vào Serie C2, thậm chí là Serie C1.
Và nếu thành công trên sân cỏ thì đội bóng ấy dĩ nhiên có thể trở lại Serie A, và sẽ lại khôi phục cái tên Parma bằng cách này hoặc cách khác. Lộ trình ấy (khởi đầu bằng con số 0) cần có thời gian, và tất nhiên cần cả thành công về chuyên môn cũng như điều hành. Nó khác với việc mua lại Parma ngay thời điểm này với giá 1 euro, nhưng phải chi ngay hàng trăm triệu euro để trả nợ (nghĩa là khởi đầu bằng con số âm về mặt tài chính).
Có lẽ, chính vì khác biệt vừa nêu mà chẳng ai muốn cứu Parma. Người ta thà đợi Parma... chết hẳn, rồi sẽ đầu tư vào khoảng trống do đội bóng vừa giải tán để lại.
“Chìm như tàu Titanic”
Đấy là bình luận của Sandro Melli về tình trạng hiện nay của Parma - đội bóng mà chính ông đang ngồi ghế tổng giám đốc. Còn ai hiểu về Parma hơn ông tổng giám đốc Melli?
Thế nào là tàu Titanic? Thoạt trông thì rất sang trọng, hoành tráng, với cảm tưởng là nó không thể nào đắm. Nhưng trên thực tế, nó đã đắm ngay khi va chạm vào tảng băng ngầm đầu tiên, và đấy là cú va chạm không thể cứu vãn. Ác nghiệt thay, tảng băng lạnh lùng đánh đắm con tàu Parma lại là cái quy định công bằng tài chính của UEFA.
Luật công bằng tài chính của Uefa chính là nhát dao kết liễu số phận Parma
Nhà nghèo mới nợ. Và vì Parma nợ lương cầu thủ, UEFA thay vì tìm cách giúp đỡ lại thẳng thừng gạt họ ra khỏi Europa League, khiến đội bóng mất đi nguồn thu đáng kể. Càng đau ở chỗ: đấy là nguồn thu trong kế hoạch. Nợ càng chồng chất một phần vì nguyên nhân này.
Thật ra, quy định công bằng tài chính của UEFA “đánh” vào các đội nhà nghèo, các đội khó khăn, hơn là giúp họ. Với quy định này thì các đội giàu mạnh sẽ càng giàu mạnh thêm, vì đâu còn ai đủ sức cạnh tranh với họ.
Và khi Parma “chìm như tàu Titanic” thì viên thuyền trưởng đương nhiên không thể bỏ tàu. Roberto Donadoni đã chứng tỏ thực tài khi ông gia nhập Parma đầu năm 2012 và ngay lập tức lèo lái đội này từ nguy cơ rớt hạng đến tình trạng an toàn, rồi đưa đội này lên nhóm dẫn đầu Serie A mùa trước. Không thể đánh giá năng lực Donadoni qua thành tích bết bát trong mùa bóng này - chỉ có 10 điểm sau 23 vòng. Thành tích ấy đến từ những nguyên nhân khác.
Khi tàu Titanic gặp nạn thì những hành khách hạng Nhất được cứu. Ở Parma, đâu ai là hành khách hạng Nhất? Tổng giám đốc Melli nói luôn: Đấy là cựu chủ tịch Tommaso Ghirardi và giám đốc điều hành Pietro Leonardi. Khâu giải cứu vụng về làm cho số người thoát nạn ở tàu Titanic thấp hơn khá nhiều so với con số có thể trên lý thuyết. Parma bây giờ cũng đang được giải cứu một cách chậm chạp, hờ hững, nếu không muốn nói là đội đang tuyệt vọng trước nguy cơ tan vỡ hoàn toàn.
Kết cục nào sẽ xảy ra? Với bất cứ đội bóng nào chỉ thắng 3, hòa 2 trong 23 trận đã đấu, rớt hạng cũng là kết cục chắc chắn! Đã vậy, điểm số thực tế của Parma còn thấp hơn cả cái thành tích tồi tệ vừa nêu. Họ đang đứng chót ở Serie A, chỉ với 10 điểm, vì đã bị trừ 1 điểm. Điều đáng quan tâm hiện nay chỉ là Parma sẽ rớt hạng... theo con đường nào. Giấc mơ kỳ lạ của bất cứ ai vẫn còn quan tâm đến đội bóng này: họ sẽ rớt hạng trên sân cỏ, nghĩa là ít ra thì cũng có đủ khả năng ra sân đá nốt những trận còn lại. Nếu bị “rút ống thở” trước khi mùa bóng kết thúc, các trận chưa đấu của Parma ở Serie A đều sẽ được ghi nhận bằng tỷ số thua 0-3, các trận đã đấu thì vẫn giữ nguyên kết quả. Tất nhiên, điều này gây ảnh hưởng lớn đến các đội đã thua hoặc hòa Parma. Nếu không muốn thế, các đội ấy có thể chìa ra bàn tay cứu vớt, giúp đỡ thế nào để Parma có thể đá nốt các trận còn lại. Tùy ý các đội xung quanh, riêng Parma hiện không còn khả năng để tự kéo dài sự sống của mình. Nếu có mạnh thường quân đứng ra lãnh nợ, nghĩa là tiếp quản đội bóng, Parma vẫn còn hy vọng tồn tại ở... Serie B mùa tới (và trong trường hợp “tốt nhất có thể” ấy, họ vẫn sẽ bị trừ 5 điểm ở mùa bóng tới). Bằng không, đội sẽ cáo chung. Cho dù sắp tới có được hồi sinh thì đội vẫn phải đăng ký tên mới và khởi đầu lại từ... đẳng cấp phong trào! |