Bong da

BONG-DA-Y

Bóng đá Italia: Làm gì để không có thêm Morosini?

Cập nhật: 16/04/2012 10:15 | 0

Cái chết đột ngột của Morosini đã làm rúng động cả làng bóng đá Italia. Sự việc đáng tiếc ấy buộc các cơ quan hữu quan phải có những biện pháp tích cực hơn nhằm bảo vệ sức khỏe cầu thủ.



Ngay buổi tối xảy ra cái chết của Morosini, chủ tịch Hiệp hội cầu thủ Italia (AIC), Damiano Tommasi, thông báo sẽ tổ chức một cuộc họp vào hôm nay (16/4) nhằm thảo luận về các động tác tiếp theo mà giới chức hữu quan phải làm khẩn cấp.

Những động tác tiếp theo mà Tommasi nói đến chính là việc siết chặt quy trình kiểm tra sức khỏe, đặc biệt là các vấn đề về tim mạch, nhằm đảm bảo an toàn cho cầu thủ, qua đó tránh những bi kịch tương tự như Morosini. Tommasi tỏ ý không hài lòng về quy trình kiểm tra tim mạch ở các giải hạng dưới, nơi ông ước tính có hàng chục ngàn cầu thủ vẫn ra sân sau khi trải qua những bài kiểm tra sức khỏe rất sơ sài. Nâng cao hiệu quả của việc kiểm tra sức khỏe là nội dung chính ở cuộc họp này.

Vẫn còn phải chờ kết quả khám nghiệm tử thi chính thức (sẽ được công bố trong hôm nay), nhưng theo nhận định ban đầu của các bác sĩ đã trực tiếp chăm sóc cho Morosini, tiền vệ này đã bị chứng phình động mạch. Khoảng vài phút trước khi Morosini ngã gục, anh đã có va chạm bằng đầu với Cascione (Pescara), rất có thể chính pha va chạm cứ ngỡ bình thường này đã làm sưng, thậm chí vỡ mạch máu trong não Morosini, khiến anh tử vong rất nhanh.

Một bác sĩ chuyên khoa tim mạch tại bệnh viện danh tiếng San Camillo (Rome) cho rằng bi kịch của Morosini là dấu hiệu cho thấy các cầu thủ đã không được giám sát đúng mức về tình trạng sức khỏe. Bộ phận y tế ở các đội bóng quan tâm hơn cả tới đôi chân của các cầu thủ bởi điều này ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng ra sân, trong khi lại chưa chú ý nhiều tới tình trạng tim mạch.

Thực tế, y học thể thao dự phòng đã không được phát triển đúng với tầm quan trọng của nó. Trong bóng đá nói riêng và thể thao nói chung, các vận động viên phải sử dụng nhiều chất khác nhau, chẳng hạn như protein. Mặc dù không phải doping, nhưng các chất này cũng có thể gây ra tác động xấu vào những người có khuynh hướng di truyền nhất định, hoặc dễ hiểu hơn là nó tùy thuộc vào cơ địa từng cầu thủ.

Sự kiện của Morosini cho thấy bộ phận y tế của các CLB Italia chưa quan tâm đúng mức tới những tác dụng phụ của thuốc. Gần đây, bóng đá Italia đã phải chứng kiến chứng bệnh teo cơ bắp do tác dụng lâu dài của thuốc kích thích. Hiện tượng này đã xảy ra ở rất nhiều cựu cầu thủ, mà nạn nhân mới nhất là Gianluca Signorini, thủ quân một thời của Genoa.

Chưa biết kết quả thu được từ cuộc họp diễn ra hôm nay, nhưng một điều chắc chắn là sẽ có những biện pháp mới được đưa ra nhằm siết chặt hơn nữa khâu kiểm tra tim mạch. Thành tích trong thể thao quan trọng, nhưng mạng người mới là quan trọng hơn cả!

Bongdaplus.vn