Bong da

Tây Ban Nha

Tiếp tục cuộc đua kỳ lạ giữa Ronaldo và Messi

Cập nhật: 06/01/2015 00:18 | 0

Năm 2014 đang dần đi đến những ngày cuối cùng với biết bao dấu ấn khó phai. Lịch sử vẫn chầm chậm trôi qua, vẫn đọng lại những điều đáng nhớ và vẫn kéo đi những gì không đáng nhớ. Có cũ, có mới, có cả không ít bài học vừa cũ vừa mới. Bóng đá thế giới trong năm 2014 rút cuộc là như thế nào?

Tiếp tục cuộc đua kỳ lạ giữa Ronaldo và Messi
Tiếp tục cuộc đua kỳ lạ giữa Ronaldo và Messi
MỚI VÀ KHÔNG MỚI
Cầu trường thế giới vẫn đang loay hoay đi tìm một ông vua mới. Suốt 6 năm qua, Cristiano Ronaldo và Lionel Messi thay nhau sở hữu một cách tuyệt đối phần thưởng cá nhân danh giá nhất trong thế giới bóng đá: Quả Bóng Vàng (nay là Quả Bóng Vàng FIFA). 
 
Họ vượt trội đến mức độ duy nhất chỉ có một lần người này về nhất mà người kia không về nhì (Andres Iniesta chiếm Quả Bóng Bạc FIFA 2010). Bây giờ, rất có thể cuộc đua... vẫn vậy. Thủ môn Manuel Neuer chiếm chỗ còn lại, bên cạnh Messi và Ronaldo, trong danh sách rút gọn 3 ứng cử viên trước ngày công bố Quả Bóng Vàng FIFA 2014. Một thủ môn sẽ hạ bệ cả Ronaldo lẫn Messi? Quá khó!
 
Nhưng xem ra, câu chuyện vẫn “mới”, trước tiên là ở giá trị lịch sử của nó. Chưa bao giờ trong lịch sử bóng đá lại có một cuộc cạnh tranh tay đôi hấp dẫn thế này. Giữa thập niên 1970 từng có Franz Beckenbauer và Johan Cruyff so tài, nhưng họ không bằng cặp Ronaldo - Messi bây giờ (Beckenbauer và Cruyff “chỉ” lĩnh 5 Quả Bóng Vàng, có khoảng trống khi giải thưởng năm 1975 thuộc về Oleg Blokhin của Liên Xô. Và khi ấy, cuộc đua chỉ diễn ra giữa các ngôi sao châu Âu với nhau, chưa có tầm vóc thế giới như bây giờ).
 
Messi “mới” ở chỗ anh đã liên tục xô ngã kỷ lục ghi bàn tại La Liga và Champions League, nghĩa là huyền thoại sống vẫn đang được viết tiếp. Ronaldo cũng “mới” ở chỗ chính anh vẫn đang so kè với Messi về số bàn thắng ở Champions League, và anh có những thay đổi rõ ràng về vai trò, lối chơi cũng như mức độ ảnh hưởng đối với “siêu CLB” Real Madrid. Cuộc đua Ronaldo - Messi chỉ hấp dẫn hơn chứ không tẻ nhạt đi.
 
La Liga có nhà vô địch mới Atletico Madrid. Premier League cũng suýt có, khi Liverpool tiến thật sát đến ngôi vô địch chỉ để trượt ngã trước ngưỡng vinh quang. Ligue 1 thì dù chưa có vẫn phải kể đến, khi đội mới thăng hạng Monaco tiến luôn đến vị trí á quân. 
 
Real Madrid vô địch Champions League để làm tròn trịa bảng vàng gồm 10 chiếc cúp trong khi Mannschaft vô địch World Cup, chuẩn bị hất luôn Brazil ra khỏi vị trí số 1 trong lịch sử (Đức mà vô địch lần nữa thì đấy sẽ là đội bóng vĩ đại nhất trong lịch sử World Cup - chứ không phải Brazil). Bấy nhiêu cũng đủ tạo thêm đường nét mới và không mới trong bức tranh bóng đá thế giới 2014.
 
 
MẤT VÀ KHÔNG MẤT
Năm 2014 khởi đầu bằng một mất mát lớn: huyền thoại Eusebio qua đời. Nhưng dĩ nhiên, mất mát ấy chỉ thuộc về mặt cảm xúc. Thế rồi, hàng loạt tên tuổi lớn trong kỷ nguyên hiện đại lần lượt chia tay sân cỏ trong năm 2014. Javier Zanetti, Ryan Giggs, Carles Puyol, Gariel Heinze, Mauro Camoranesi, Clarence Seedorf, Juan Veron, Rivaldo, Eric Abidal, Thierry Henry... 
 
Nói rằng sân cỏ quốc tế mất đi những ngôi sao ấy cũng được. Nhưng đấy là sự ra đi tất yếu, hầu như không để lại ảnh hưởng quan trọng nào. Với mỗi Henry, Seedorf mất đi, bóng đá lại có thêm mỗi Mario Goetze, James Rodriguez. Cũng chỉ là điều tất yếu. Bóng đá đỉnh cao luôn mất ngôi sao, cũng luôn sản sinh được ngôi sao mới, như sóng sau đè sóng trước vậy.
 
Mất và được như thế nào mới là điều quan trọng. Một khi đã mất phong độ đỉnh cao thì Ashley Cole, Nemanja Vidic, Fernando Torres, Patrice Evra... cũng đành mất luôn chỗ đứng ở Premier League và họ trôi dạt sang Serie A. Đấy chính là cái mất đáng suy nghĩ cho giới điều hành ở Calcio. Họ tự hài lòng với cái được không cần thiết khi chiêu mộ các ngôi sao hết thời từ Premier League thay vì tự sản sinh ngôi sao mới bằng khả năng đào tạo của chính mình. 
 
Vì sao bóng đá Đức thành công rực rỡ trong khi bóng đá Italia tiếp tục mờ nhạt? Không khó có câu trả lời. Khi mà các đội bóng lớn ở Serie A thấy rằng họ “được” với những bản hợp đồng không tốn chi phí chuyển nhượng nhưng vẫn đem lại cầu thủ nổi tiếng, thì đấy lại chính là chỗ “mất” vậy.
 
RỚT VÀ KHÔNG RỚT
Không chỉ là “rớt”, phải nói rằng “thương hiệu” Tiqui-Taca đã hoàn toàn sụp đổ, tan vỡ, đi liền với một năm trắng tay cho Barcelona và thất bại thảm hại của đội tuyển TBN.
 
Ngược với lối chơi Tiqui-Taca, “ông già gân” Sepp Blatter vẫn chưa rớt khỏi chiếc ngai vàng chủ tịch FIFA như dự kiến. Ngay cả một Michel Platini hãnh tiến và đầy quyền lực rút cuộc cũng đành thối lui, kiên nhẫn chờ thêm một nhiệm kỳ nữa để có hy vọng thế chỗ Blatter điều hành thế giới bóng đá. Hạn chót đăng ký tham gia ứng cử ghế chủ tịch FIFA trôi qua mà Blatter không tìm được đối thủ nào. 
 
Sóng gió nổi lên ngay trong nội bộ FIFA, đặt ra những vấn đề hết sức gai góc, liên quan cả đến ghi án hối lộ trong việc chọn nước chủ nhà cho các kỳ World Cup 2018, 2022, vẫn không thể làm Blatter rớt khỏi vị trí chóp bu. Cả thế giới chán ghét ông. Nhưng xét ở một khía cạnh nào đó, ông già đang tiếp cận tuổi 79 quả là một bậc kỳ tài, hiếm thấy trong lịch sử bóng đá.
 
Đồng ruble rớt giá không phanh, làm điêu đứng làng bóng Nga. Đấy cũng là sự kiện đáng lưu ý trong những ngày cuối năm. Chẳng phải không có ảnh hưởng đến làng cầu quốc tế nói chung. Dù sao đi nữa, đấy cũng là là bài học tốt đối với những ai chỉ biết hướng đến thành công bằng sức mạnh tài chính. Tiền bạc đem lại thành công cho CSKA, Zenit St Petersburg hoặc AS Monaco dễ dàng bao nhiêu thì nó cũng làm cho các đội bóng ấy suy sụp nhanh chóng bấy nhiêu. 
 
2014 là năm hiếm hoi mà đội “nhà giàu” Chelsea không cậy tiền, là năm mà đội bóng này có lãi vì tiết kiệm chi phí. Nhưng Chelsea đâu có rớt khỏi đỉnh cao. Họ dẫn đầu Premier League trong ngày Noel. Và nếu đúng như thông lệ thì họ sẽ là đội vô địch Premier League mùa này. Chuyện về Chelsea cũng là một câu chuyện hay trong năm.
 
Năm hạn của Hoeness


Người có công lớn nhất dựng nên “đế chế Bayern” trong làng bóng Đức giờ đang thọ án 3 năm rưỡi tù ngồi vì tội trốn thuế. Ông buồn rầu chấp nhận hình phạt thay vì chống án. Ông nói: “Tôi đã phạm sai lầm lớn và phải chấp nhận hậu quả”. Hoeness, dĩ nhiên đã từ bỏ mọi cương vị ở Bayern, hiện đang bị giam tại nhà tù Landsberg, cách Munich 70km về phía Tây. Ông tuyên bố “sẽ trở lại Bayern” sau khi mãn án.
 
Năm huyền thoại của Miura
Lúc Kazu Miura khoác áo Santos tại Brazil thì Johan Cruyff mới chia tay Feyenoord 2 năm, Beckenbauer chia tay Hamburg 4 năm, Maradona vẫn chưa vô địch World Cup. Nhiều năm sau khi Miura ghi bàn cho ĐT Nhật Bản, giải J.League mới ra đời. Vậy mà bây giờ, Miura vẫn đang “chạy tốt”. Ở tuổi 47, với bản hợp đồng vừa ký tiếp với FC Yokohama ở giải hạng Nhì Nhật Bản, Miura được ghi nhận là cầu thủ chuyên nghiệp già nhất thế giới.
 
Năm chia tay của Henry


Chia tay New York Red Bulls, Thierry Henry đã chính thức giải nghệ sau đúng 20 năm thi đấu đỉnh cao. Anh qua mặt cả Michel Platini để trở thành cây làm bàn vĩ đại nhất trong lịch sử đội tuyển Pháp. Anh có đủ các danh hiệu cao quý nhất trong bóng đá: vô địch World Cup, EURO, Confeds Cup, Champions League, FIFA Club World Cup, và rất nhiều danh hiệu vô địch khác. Henry trở thành bình luận viên sau khi treo giày, đồng thời hứa hẹn có ngày anh sẽ làm HLV.
 
Năm bội thu của Mendes
“Siêu cò” Jorge Mendes có quyền tự hào: ông chính là người có quyền lực nhất trong làng bóng chuyên nghiệp. Một mình Mendes “đạo diễn” các vụ chuyển nhượng lớn nhất trong năm: Di Maria, Diego Costa, Eliaquim Mangala, James Rodriguez, chưa kể vụ cho mượn Radamel Falcao. Tổng phí chuyển nhượng hơn 250 triệu euro, và với “tiền cò” ít nhất 10% thì Mendes cũng đã bỏ túi hơn 25 triệu euro. Lương của siêu sao Cristiano Ronaldo chỉ là 17 triệu euro/năm.
 
Năm đầu tiên của Odegaard
Khoác áo Na Uy, ra sân trong trận gặp Bulgaria ở vòng loại EURO 2016, Martin Odegaard đã đi vào lịch sử với tư cách cầu thủ trẻ nhất từng thi đấu trong khuôn khổ EURO. “Cậu bé” 15 tuổi trước đó đã trở thành tuyển thủ trẻ nhất trong lịch sử bóng đá Na Uy đồng thời cũng là cây làm bàn trẻ nhất của đội tuyển này. Các tuyển trạch viên khắp nơi đều đã biết Odegaard, và sẽ chẳng lạ nếu sắp tới đấy là gương mặt quen thuộc trong làng bóng đỉnh cao ở châu Âu.
 
Năm bước ngoặt của Neuer


Được giải hay không chưa biết, chỉ riêng việc lọt vào danh sách 3 ngôi sao cuối cùng tranh “Quả Bóng Vàng FIFA 2014” đã là thành tích để đời của Manuel Neuer. Anh đã vô địch World Cup. Anh đang là thủ môn số 1 thế giới. Và anh mở ra cả một trường phái độc đáo: chơi như hậu vệ cuối cùng, dù vẫn làm tốt việc chính của một thủ môn. Người ta gọi Neuer là “Franz Beckenbauer của thế kỷ 21”.


(báo bóng đá)