Luis Enrique trở lại Bernabeu: Chào đón kẻ thù số 1
Khi Enrique cùng Barcelona đến Bernabeu cho trận đấu tại vòng 9 La Liga 2014/15, đấy là trận El Clasico đầu tiên của ông trên cương vị của một nhà cầm quân.
NGƯỜI REAL THÙ REAL
“Triển vọng cầm quân cho Real Madrid ư? Hahaha, tôi cười đến vỡ mồm mất”, Enrique cười thật to trong một buổi phỏng vấn khi còn cầm quân cho Celta Vigo. Ở đất Tây Ban Nha này, gần như ai cũng phải biết đến mối huyết hải thâm thù giữa Enrique và Real Madrid.
Vì sao Enrique ghét Real đến vậy? Cho đến nay đấy vẫn là một bí ẩn. Ông từng có 5 năm chơi bóng trong màu áo Real (1991 - 1995) trước khi bất ngờ “nhảy tàu” sang Barca mà không một lời giải thích. Mùa Hè 1995, Ban lãnh đạo đề nghị người tiền vệ tài năng này gia hạn hợp đồng. Tất cả những gì họ nhận được từ Enrique là một nụ cười mỉa mai: “Cám ơn nhé, nhưng tôi sẽ chuyển sang khoác áo Barca”.
Khi Enrique đã sang Camp Nou, người ta mới phát hiện ra là ông đã lén lút khám sức khỏe, thỏa thuận các chi tiết trong hợp đồng ngay trong thời gian còn là cầu thủ của Real. Biết được việc này, các Madridista không bao giờ tha thứ cho Enrique nữa. Ở thủ đô của Tây Ban Nha, ông bị xem như một người phản bội, là “kẻ thù công chúng” số 1.
Enrique từng ghi 5 bàn vào lưới Real trong các trận El Clasico, 2 trong số đó tại sân Bernabeu. Bầu không khí thù địch ở đây không làm Enrique nao núng mà trái lại còn kích thích ông thi đấu tốt hơn. Đặc biệt, Enrique ghi bàn vào lưới Real là ăn mừng rất... sung, không khác gì Emmanuel Adebayor chọc điên các CĐV Arsenal sau này. Chủ tịch Lorenzo Sanz hết sức bất bình với thái độ khiêu khích của Enrique và lên tiếng chỉ trích, Enrique lập tức đáp lại: “Nếu ông ấy muốn, lần sau tôi sẽ khóc sau khi ghi bàn vậy”.
Mối quan hệ của Enrique với Real ngày càng xấu đi. Khi đã giải nghệ và nhìn lại sự nghiệp ấn tượng của mình, ông đã nói: “Tôi không có bất kỳ ký ức vui vẻ nào thời gian khoác áo Real. Tôi cảm thấy thật quái gở khi bắt gặp hình ảnh của mình trong màu áo trắng khi xưa. Có lẽ tôi hợp với màu xanh và tím hơn”. Trước những tiếng la ó mà công chúng Bernabeu dành cho mình khi trở lại, Enrique nói: “Trên tư cách là cầu thủ Barca, được huýt sáo mà miệt thị tại Bernabeu là một phần thưởng, một lời khen. Nó chứng tỏ là họ sợ bạn”.
Khi chứng kiến Barcelona của Pep Guardiola hạ nhục Real Madrid 6-2 trong trận El Clasico vào năm 2008, Enrique đã gọi đó là một “cơn cực khoái bóng đá”.
ĐIỆP VỤ ĐÁNH SẬP BERNABEU
Chính vì cái chất “Anti-Madridista” ấy mà Enrique rất được cộng đồng cules mến mộ. Tháng 4/2004, một mình Enrique khi ấy đã bước sang bên kia sườn dốc của sự nghiệp tỏa sáng giúp Barca chống lại binh đoàn hùng mạnh Galacticos của những Zinedine Zidane, Luis Figo, Ronaldo (Barca bị dẫn 1-0 ở phút 49 nhưng sau khi Luis Enrique vào sân phút 56, Barca gỡ lại 2 bàn để thắng chung cuộc 2-1 ngay tại Bernabeu).
Nhà báo Santiago Segurola của tờ El Pais viết về trận đấu tại Bernabeu ngày ấy: “Ở giai đoạn cuối sự nghiệp, Luis Enrique đã thật sự trở thành biểu tượng của Barca trong những trận đấu Siêu Kinh điển. Anh ấy hoàn toàn rũ bỏ quá khứ của một Madridista để trở thành một cule đích thực. Một trận đấu hoàn hảo”.
Enrique cũng đi theo con đường của Pep Guardiola, tức là cầm quân cho Barca B, tạo được dấu ấn trước khi được Barca chính thức bổ nhiệm. Nhưng nếu như Pep được yêu vì là một cule từ trong trứng nước thì Enrique lại được yêu vì ghét Real đến tận xương tủy.
Vì lẽ này mà Enrique không bị báo chí Catalonia gây áp lực dù giai đoạn đầu Barca chơi bóng tương đối nhàm chán. Nếu như so sánh với cùng kỳ 1 năm trước, ta sẽ thấy Gerardo Martino cũng khởi đầu ấn tượng không kém, nhanh chóng chiếm giữ ngôi đầu bảng và ghi bàn liên tục. Nhưng HLV người Argentina luôn bị truyền thông soi rất kinh khủng và chịu một tấn áp lực vì dám phá bỏ lối chơi cầm bóng quen thuộc từ thời Pep.
Bây giờ, khi Barca đến Bernabeu với 5 điểm cách biệt, một chiến thắng tại thánh địa của đại kình địch sẽ càng làm vững vàng hơn vị trí của Enrique tại Camp Nou. Chắc chắn sẽ có những tiếng la ó, huýt sáo dành cho Enrique, nhưng như ông đã nói, nó chỉ càng làm ông cảm thấy... tự hào hơn mà thôi.
Capello rất muốn giữ Enrique
Sau này, HLV Fabio Capello tiết lộ là ông từng rất muốn giữ chân Luis Enrique khi Ban lãnh đạo Real Madrid bổ nhiệm ông làm HLV vào năm 1996. Ngay sau khi được Real ra lời mời cầm quân, Capello đã lập tức khuyên đội bóng Hoàng gia hãy giữ chân Enrique.
Trước đó, Enrique cũng nhiều lần hối thúc Ban lãnh đạo Real gia hạn hợp đồng, nhưng Chủ tịch Lorenzo Sanz khi ấy cứ lần nữa. Đến khi họ đề nghị ký tiếp thì Enrique đã đạt xong thỏa thuận với Barca rồi. Capello tỏ ra rất tiếc nuối khi không được làm việc cùng với người tiền vệ có lối chơi máu lửa này.
Máu và nước mắt
Không ai quên được những giọt nước mắt của Luis Enrique sau khi Tây Ban Nha bị loại khỏi World Cup 1998, cũng chẳng ai quên được gương mặt đầy máu của anh sau khi ăn trọn cái cùi chỏ của Mauro Tassotti tại World Cup 1994 (ảnh). Đấy là những hình ảnh biểu trưng cho tính cách Enrique, một con người cực kỳ máu lửa và luôn tận hiến trên sân.
Khi đã cầm quân, Enrique luôn cố truyền phẩm chất ấy đến cho học trò của mình. “Bóng đá còn ý nghĩa gì nếu các cầu thủ thiếu đi khát vọng chiến đấu,” Enrique từng nói. Khát vọng cũng chính là vấn đề của các cầu thủ Barca sau những năm tháng đại thành công cùng Pep Guardiola và Tito Vilanova. Và đấy là lý do Giám đốc thể thao Andoni Zubizarreta, đồng đội cũ ngày trước của Enrique, tư vấn cho Ban lãnh đạo chọn Enrique.
Nhìn lại khởi đầu của Barca dưới thời Enrique, ai cũng nhận ra rất rõ khát vọng của các cầu thủ đã được cải thiện rõ rệt. Daniel Alves nói: “Enrique luôn buộc cầu thủ phải thể hiện 100% cả trên sân tập lẫn sân cỏ. Ông ấy không phải là người thỏa hiệp với bất kỳ ai”. Jeremy Mathieu nói: “Enrique đánh giá cao tài năng của các cầu thủ, nhưng với ông ấy nỗ lực mới là giá trị cốt yếu để làm nên một đội bóng mạnh”.
Thật ra cách đây 1 năm, Barca đã rất muốn mời Enrique về giữ ghế thay cho Tito Vilanova bất ngờ từ chức vì bệnh ung thư, nhưng ông đã từ chối vì cho là mình chưa thật sự sẵn sàng với thử thách ấy. Mất thêm 1 năm nữa, Enrique mới nhận lời. Việc từ chối Barca không phải là hèn nhát mà nó cho thấy ông là một người biết mình, biết người, chỉ thật sự nhận lời khi tin mình có thể làm tốt.