Messi còn khác hẳn nhiều tượng đài bóng đá ở chỗ: người ta có thể thích hoặc không thích anh, chứ người ta không thể ghét anh!
Messi xứng đáng hay không?
Ngày 9/1/2012, tại gala bóng đá hoành tráng nhất trong năm ở Zurich (Thụy Sĩ), FIFA và France Football sẽ công bố chủ nhân của "Quả bóng vàng FIFA 2011" - giải thưởng thường niên danh giá nhất trong thế giới bóng đá. Xavi, Cristiano Ronaldo và Lionel Messi là 3 ứng cử viên lọt vào "vòng chung kết". Không dám "cầm đèn chạy trước ô tô", nhưng chúng ta có quyền điểm lại một số sự thật rành rành trong năm 2011, và cả trong 2 năm trước, xem đâu là nhân vật xứng đáng lĩnh giải nhất.
Năm ngoái (2010), Messi và đồng đội Argentina thất bại ở giải bóng đá lớn nhất trong năm: World Cup. TBN của Xavi và Andres Iniesta đoạt chức vô địch World Cup 2010. Nhưng khi FIFA và France Football trao giải, Messi vẫn là người chiến thắng, xếp trên cả Iniesta lẫn Xavi. Trước đó, trong cuộc bầu chọn của năm 2009 - năm mà Messi và Barcelona vô địch Champions League, Messi chiến thắng với cách biệt lớn đến mức chưa bao giờ thấy trong lịch sử "Quả bóng vàng". 90 trong tổng số 96 lá phiếu ghi tên Messi vào vị trí số 1 và anh đạt đến 98,54% số điểm tối đa có thể.
Thế còn năm nay? Như đã nêu trên, Xavi đã tự mất điểm so với chính mình năm ngoái, trên cơ sở anh không còn được hậu thuẫn bởi chức vô địch World Cup nữa. Còn Ronaldo? Real Madrid của anh bị Barcelona của Messi và Xavi đè bẹp tại La Liga mùa trước. Ở trận "siêu kinh điển" mùa này, chỉ vừa diễn ra cách đây không lâu, Ronaldo gây thất vọng não nề, khi Messi và đồng đội thắng đến 3-1 ngay trên sân Bernabeu của Real.
Hãy nhớ lại thời điểm giữa năm 2011, khi Barcelona của Messi thắng M.U 3-1 trong trận chung kết Champions League. Đấy không phải là một chiến thắng đơn thuần. Đấy là dấu ấn sâu đậm, rất khó quên đối với các cổ động viên Barcelona và M.U. Ấn tượng đến nỗi giới trẻ khai sinh luôn khái niệm mới để trêu chọc nhau khi có người run tay: "bệnh Ferguson". Sau trận ấy, các cây bình luận nổi tiếng hoặc kỳ cựu trên khắp thế giới không bàn về sự xuất sắc thuần túy của Messi nữa. Họ chỉ tranh cãi: nên xếp Messi vào đâu trong danh sách các cầu thủ hay nhất thế giới xưa nay!
Tìm một chỗ đứng trong ngôi đền huyền thoại
Cứ thế mà suy ra đâu là ngôi sao đáng được tôn vinh nhất trong năm 2011. Bây giờ, chúng ta bàn chuyện giả sử Messi đoạt "Quả bóng vàng" lần nữa (mà cho dù anh không đoạt giải năm nay, cũng chẳng có chỗ nào cho thấy Messi sẽ lại không đoạt được giải thưởng này trong những năm sau).
Từ khi France Football trao giải lần đầu vào năm 1956, chỉ có 3 cầu thủ từng đoạt được "Quả bóng vàng" 3 lần. Họ xuất sắc cỡ nào, thiết nghĩ không cần giới thiệu lại. Đấy là Johan Cruyff, Michel Platini, Marco van Basten. Trong số đó, Platini là người duy nhất đoạt giải 3 lần liên tiếp, lần đầu tiên khi ông đã 28 tuổi và sau khi đoạt giải lần thứ 3 thì ông… giải nghệ. Cruyff hoặc Van Basten đều chỉ đoạt "Quả bóng vàng" lần đầu tiên khi đã 24 tuổi, và lần cuối cùng ở tuổi 27 hoặc 28. Messi đang đứng trước cơ hội sánh ngang với các tiền bối nêu trên khi anh mới 24 tuổi - độ tuổi mà Cruyff và Van Basten chỉ mới lần đầu bước chân lên đài danh vọng, còn Platini chưa có danh hiệu cụ thể nào.
Đấy là chỉ mới bàn về tuổi tác. Ngày xưa, "Quả bóng vàng" của France Football chỉ được trao cho các cầu thủ mang quốc tịch một nước châu Âu chứ không mở rộng phạm vi ra khắp thế giới như hiện nay. Vào thời của Platini, sân cỏ châu Âu đã có Diego Maradona, Mario Kempes, Zico, Socrates, Falcao… Chắc gì huyền thoại bóng đá Pháp đoạt giải suốt 3 năm liền nếu diện bình chọn có cả những ngôi sao vừa nêu. Van Basten sau đó cũng vậy. Lịch sử đã xác nhận vấn đề này: ngay khi France Football xóa bỏ vấn đề quốc tịch trong việc bầu chọn, "Quả bóng vàng" lập tức vượt ra ngoài phạm vi châu Âu (cầu thủ George Weah của Liberia đoạt giải vào năm 1995).
Hồi Messi đoạt "Quả bóng vàng" lần đầu tiên ở tuổi 22, với một tỷ lệ phiếu hoàn toàn áp đảo, tổng biên tập báo France Football Denis Chaumier bình luận: "Các nhà báo trong kỷ nguyên hiện đại dựa vào những giây phút lóe sáng nhất thời để bình chọn danh hiệu. Người ta đã theo dõi Messi từ lâu rồi. Cần nhớ, anh đã là ứng cử viên cho danh hiệu số 1 suốt 2 năm trước đó".
Vậy thì, đâu có gì quá đáng khi đề tài hợp lý nhất về sự xuất sắc của Messi là phải xếp anh vào đâu trong danh sách các huyền thoại của toàn bộ lịch sử bóng đá, chứ không chỉ là trong năm 2011! Dĩ nhiên chưa thể có câu trả lời. Vấn đề không chỉ là lịch sử bóng đá còn có những Pele, Maradona, Alfredo Di Stefano, Bobby Charlton hoặc Franz Beckenbauer. Vấn đề còn là Messi vẫn chưa dừng lại. Anh chỉ mới 24 tuổi, tức là trên nguyên tắc vẫn chưa bước vào độ tuổi rực rỡ nhất về phong độ (25-29)!
Không có chố để... ghét Messi
Sau này, nếu phải có lúc trở lại với đề tài về chỗ đứng của Messi trong lịch sử bóng đá, có lẽ số đông sẽ lưu ý chi tiết sau đây: người ta có thể không thích Messi, chứ không tìm ra chỗ nào để ghét anh. Đấy là cái hơn rõ rệt mà Messi đang tạo được những những siêu sao thuộc đủ mọi thế hệ. Maradona dính doping, gian lận, lại có những lúc tỏ ra kệch cỡm. Đấy có thể là ngôi sao được thế giới hâm mộ nhiều nhất đồng thời cũng là cầu thủ bị ghét bỏ nhiều nhất. Rivaldo ăn vạ một cách thô thiển. Beckham "màu mè" và chỉ có mỗi quả tạt từ biên phải. Di Stefano luôn được ưu ái, nâng đỡ từ mọi thành phần. Cruyff thậm chí không được mang băng thủ quân Ajax, mới phải bỏ đi…
Cũng có những bài viết mang tính phản biện, cho rằng Messi thật ra chẳng quá xuất sắc như sự khen ngợi của số đông, nhưng nhìn chung đều kém thuyết phục. Pele chê Messi không biết đánh đầu, nhưng ông lại không nói rõ là đã xem quả đánh đầu của Messi vào lưới M.U trong trận chung kết Champions League 2009 hay chưa. Ngôi sao thiếu thước tấc vì một chứng bệnh còi xương từ bé bật nhảy như một… con rận, ung dung đưa bóng vào lưới khiến thủ môn hàng đầu thế giới Edwin Van der Sar và trung vệ hàng đầu thế giới Rio Ferdinand đều chỉ chôn chân đứng nhìn.
Người ta nói rằng Messi hầu như không thể sử dụng chân phải, nhưng không thống kê được xem bao nhiêu bàn thắng hoặc các tình huống lừa bóng của Messi chỉ liên quan đến chiếc chân trái tuyệt luân của anh… Hoặc như người ta nói rằng Messi chẳng qua chỉ thụ hưởng công sức của cả một tập thể quá xuất sắc xung quanh, trong đội hình Barcelona, nhưng không nói rõ tỷ lệ chuyền bóng của anh cho đồng đội là như thế nào.
Ở một mức độ nào đó, có thể cho rằng chính sự thầm lặng và thái độ khiêm tốn của Messi làm cho anh càng trở nên vĩ đại hơn. Đã có bài viết cho rằng báo giới đôi khi thất vọng vì không "đào" được scandal nào của Messi, cũng ít nghe anh nói câu nào xấc xược để "phang". Sẽ còn nhiều vinh quang nữa đến với Messi.
Nhưng chắc báo chí sẽ không có cơ hội xem Messi vạch áo chỉ vào dòng chữ "Why always me" sau khi ghi bàn. Messi không bao giờ là một ngôi sao như vậy. Sẽ không bao giờ có dòng chữ ấy, kể cả trong trường hợp anh cứ… lĩnh mãi giải thưởng "Quả bóng vàng"!
Thành tích trong năm 2011 của Messi
Barcelona: 58 trận/55 bàn/24 pha kiến tạo
ĐTQG Argentina: 13 trận/4 bàn/10 pha kiến tạo
Danh hiệu: VĐ La Liga 2010-2011, Siêu Cúp TBN 2011, Champions League 2010-2011, Siêu Cúp châu Âu 2011, Cúp VĐTG các CLB 2011.
Danh hiệu cá nhân: Cầu thủ xuất sắc nhất La Liga 2011, Vua phá lưới Cúp Nhà vua TBN 2011, Vua phá lưới Champions League 2011, Cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu 2011, Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới của FIFPro.
Bongdaplus.vn