Lăng Kính: Thực tế trên Trái đất
>> Barca của Tito dễ tổn thương hơn Barca của Pep
>> Fabregas: Từ "số 9 ảo" trở thành Vua kiến tạo
1. Mấy ngày trước, HLV của Real Madrid nói: “Nếu một người đồng nhiệm của tôi (ám chỉ HLV Vilanova) nói ai đó xuất sắc nhất thế giới, thì tôi sẽ nói rằng Ronaldo sinh ra tại Sao Hỏa và xuất sắc nhất vũ trụ”.
Thực tế thì, trước mỗi huyền thoại mới của bóng đá thế giới, người ta luôn có thói quen tán dương đến kiệt cùng ngôn ngữ. Chỉ mới vài năm trước, cụm từ “không ai có thể so sánh” vẫn được sử dụng cho “Rô béo”.
Giờ thì bao nhiêu danh xưng, từ Nhà vua (Pele), Hoàng đế (Beckenbauer) đến Thánh (Johan Cruyff) đều được trưng dụng hết. Họ đành đưa nhau đến hành tinh khác. Cần nhắc một chi tiết nhỏ: Messi và Ronaldo là những cầu thủ đầu tiên được đưa ra ngoài Trái đất. Từ trước tới nay, “Rô béo” vẫn được giới mộ điệu Việt Nam quen gọi bằng danh từ “Người ngoài hành tinh”. Thực chất, đây chỉ là một cách dịch cường điệu của biệt danh “Il Fenomeno”. Il Fenomeno nghĩa là “điều phi thường”.
2. Nhưng bên cạnh nhân tố “ngoài hành tinh”, vẫn có những thực tế nằm ngay trên mặt đất: 4 bàn thua của Barca. Chính Iniesta cũng khẳng định có những bài học cần được rút ra sau trận thắng này.
Sự mong manh của hàng thủ Barca không phải bây giờ mới xuất hiện. Tại Ramon Sanchez Pizjuan, các cule đã nín thở chờ đợi một thất bại trước Sevilla cho tới tận phút 89, khi Fabregas gỡ hòa 2-2. Trận đó họ cũng thắng, và liệu có thể coi cách thắng ấy bây giờ là một phong cách của Barca?
Bóng dáng của thời Frank Rijkaard đang hiện về. Câu nói ngạo mạn của Johan Cruyff: “Thà thua 9-10 còn hơn thắng 1-0”, thứ phong cách hoang dã đã tạo ra nhiều giai đoạn đói kém của Barca, cũng đang hiện về. Bây giờ là lúc cần ngay những sự tự vấn.
Không thể đổ lỗi cho nhân sự. Bởi hàng thủ Barca không thể kém hàng thủ của Rayo, của Granada hay Getafe, những đội chỉ thủng lưới 1 bàn trước Deportivo. Vấn đề nằm ở cách tổ chức.
Nói đến những lời tán dương trong bóng đá, có một phát biểu mà người ta hay đem ra mỗi khi nhắc đến Di Stefano. Đó là của huyền thoại nước Anh Bobby Charlton. 50 năm trước, chàng cầu thủ học việc của M.U đến Bernabeu để… ngồi trên khán đài xem trận bán kết cúp châu Âu giữa đội nhà và Real Madrid. Ông bị ám ảnh bởi Di Stefano. “Ấn tượng ấy vượt ra mọi đường biên (lại vượt ra mọi đường biên?). Ông ấy trò chuyện với thủ môn, chỉ đạo các hậu vệ, ông ấy là nhà lãnh đạo”.
Vấn đề nằm ở đây: ấn tượng đầu tiên của Bobby Charlton về “Mũi tên bạc” nằm ở việc “chỉ đạo hậu vệ” chứ không nằm ở bản năng “sát thủ”. Huyền thoại nhìn huyền thoại thì chắc là… chuẩn.
3. Ấn tượng của Charlton về Di Stefano là điều Leo Messi sẽ phải đối mặt trong những chuyến ghé thăm... trái đất: anh cần tổ chức lại Barca trong vai trò một thủ lĩnh mới. Tito Vilanova chưa vượt qua được cái bóng của Guardiola, còn đội hình Barca đã già thêm một tuổi. “Người ngoài hành tinh”, ngoài những cú hat-trick, sẽ phải làm thêm chút việc ở Nou Camp.
Trừ chiến thắng kiểu “Vua doping” Lance Amstrong trên các đường đua, thì mọi chiến thắng đều đáng khen. Trong những trận như gặp Depor hay Sevilla, người ta vẫn có thể khen Barca vì tinh thần chiến đấu. Nhưng không phải trận thắng nào cũng hứa hẹn về một tương lai tươi sáng. Có vấn đề là có vấn đề.
Mà ở CLB này, khi có vấn đề, người ta trông vào ai? Lại phải hy vọng về một ngày Messi sẽ quát nạt các đồng đội tuyến dưới như anh đã làm với Villa…