Bong da

BONG-DA-TAY-BAN-NHA

Lăng kính: Cỗ máy hoàn hảo

Cập nhật: 19/02/2012 15:15 | 0

Barca vận hành như một bộ máy, đều đặn, hiệu dụng, chính xác và quan trọng là đẹp mắt. Và khi bộ máy đạt đến độ hoàn hảo rồi, người thợ điều khiển máy (Guardiola) và người phát minh ra cỗ máy (Cruyff) ai mới đáng ngợi khen hơn?



Sau chiến thắng mùa vừa rồi ở Champions League, trong một bài phỏng vấn, HLV Guardiola từng nói: “Nếu không phải là tôi huấn luyện thì Barca vẫn sẽ có những danh hiệu đó”. Lời nói ấy như sự ngợi khen khéo léo dành cho những siêu sao của sân Nou Camp. Nhưng xét cho cùng, có khi nó lại là lời nói thật.

Barca sau chiến thắng đó đã có những bổ sung nhân sự, điển hình là Alexis Sanchez và Fabregas, dù đội hình của họ quá hoàn hảo rồi. Bổ sung thực ra là cách để mang lại cảm giác mới cho chính mình và cho NHM. Và những sự làm mới ấy, đến một lúc nào đó, sẽ vô tình nói ra được sự thật ở một CLB vốn dĩ lâu nay bị che khuất bởi quá nhiều thành tích.

Sanchez chơi quá tốt và ghi những bàn thắng quan trọng cho Barca, như ở trận siêu kinh điển lượt đi và trận gặp Leverkusen giữa tuần vừa rồi. Nhưng cái tốt ấy dường như chỉ là cái tốt cá nhân, chưa phải là cái tốt cần được thể hiện bằng sự đồng điệu trong một tập thể. Và điều đó càng minh chứng rõ hơn lời Guardiola nói cuối mùa trước.

Thực ra, những chiến tích đã nâng giá của Guardiola lên rất nhiều trong giới túc cầu. Guardiola giỏi thật đấy, nhưng nếu nói ông là xuất chúng thì có lẽ cần phải kiểm chứng lại.


2.Đội hình hiện nay ở Barca được gây dựng từ những hạt nhân cơ bản như Puyol, Xavi, Iniesta, Messi, Busquets, Pique… Họ lớn lên trong cùng một môi trường bóng đá, thấm nhuần chung một thứ triết lý bóng đá. Đó là triết lý tiqui-taca, thứ mà Cruyff đã gầy dựng nên ở Nou Camp. Những người đến sau, như Alves, Abidal, Villa hay Mascherano đều phải mất một thời gian nhất định để làm quen với nó. Và khi họ làm quen được với triết lý ấy, tiqui-taca được vận hành quá trơn tru để giúp Barca gặt hái từ danh hiệu này đến danh hiệu khác. Sự vận hành trơn tru ấy dẫn đến câu trả lời của Guardiola rằng: “Không có tôi, Barca vẫn vô địch”.

3.Hiện tại, Barca ở vào tình cảnh chưa bao giờ thảm hơn dưới triều đại HLV Guardiola. Vấn nạn chấn thương hoành hành liên tục và đột phá thẳng vào những vị trí hiểm yếu nhất như Villa, Xavi, Iniesta, Busquets… Và những con người lấp vào các chỗ trống ấy chưa đủ thông thuộc một cách nhuần nhuyễn triết lý bóng đá đẹp mắt và hiệu quả kia. Và kết quả là Barca để mất nhiều điểm đáng tiếc, như trước Osasuna ở vòng đấu vừa rồi. Barca tụt lại sau Real với khoảng cách điểm sâu hơn, khoảng cách mà người lạc quan lắm cũng không dám tin vào việc sẽ có một cuộc lật đổ ngoạn mục. Như vậy, điều mà Guardiola nói đã rõ hơn. Có ông hay không có ông cũng vậy thôi. Barca chỉ không chinh phục được các thách thức khi họ thiếu những nhân tố đã cùng ăn, sống, thở cái triết lý tiqui-taca bên nhau.

Thật ra, trong suốt thời gian huấn luyện Barca, hiếm khi thấy Guardiola có được một quyết định thay người nào gây đột biến cho trận cầu. Đơn giản, Barca vận hành như một cỗ máy và chẳng ai dại gì “chọc ngoáy” cho nó hỏng đi. Đúng là Barca vận hành như một bộ máy, đều đặn, hiệu dụng, chính xác và quan trọng là đẹp mắt. Và khi bộ máy đạt đến độ hoàn hảo rồi, người thợ điều khiển máy (Guardiola) và người phát minh ra cỗ máy (Cruyff) ai mới đáng ngợi khen hơn?

Và cuối cùng, Guardiola có thực sự quá quan trọng với Barca?

Bongdaplus.vn