Bong da

Tây Ban Nha

Lăng Kính: Clasico chưa kinh điển

Cập nhật: 09/10/2012 07:07 | 0

Trong cộng đồng sử dụng tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha (hispanic) trên thế giới, có tổng cộng 13 trận đấu bóng đá được biết đến với biệt danh “Clasico”. Ngoài trận El Clasico trên đất Tây Ban Nha, thì có tới 4 trận “Clasico” trên đất Mexico, 2 trận ở Mỹ, 2 trận ở Brazil, các trận “kinh điển” ở Honduras, Uruguay, Ecuador.

Lăng Kính: Clasico chưa kinh điển
Lăng Kính: Clasico chưa kinh điển
>>
>>
>>

1.
Và tất nhiên không thể quên trận Superclasico huyền thoại giữa Boca Juniors và River Plate ở Argentina. Phải đính chính một chút, rằng việc gọi cuộc đối đầu giữa Real Madrid và Barcelona là “Siêu kinh điển” chỉ là một thói quen của truyền thông nước ta. El Clasico chỉ có nghĩa là “Kinh điển”. Siêu kinh điển, có chữ “super” mang nghĩa “siêu”, là River-Boca.

Dù mang cùng tên gọi tầm vóc này, nhưng người ta hiểu rằng những sự “kinh điển” trong mỗi trường hợp được quy ước rất khác nhau. Có nhiều loại kinh điển, như ở Mexico có “Kinh điển thủ đô” (Clasico Capialino) truyền thống giữa Club America và Club Univesitad, lại có cả “kinh điển mới” (Clasico Joven) giữa Club America và Cruz Azul. Ở Mỹ có cả “Siêu kinh điển Honda” (Honda Superclasico) được hãng Honda tài trợ tổ chức, diễn ra giữa hai kình địch của thành phố Los Angeles là LA Galaxy và Chivas USA. David Beckham có thể tự hào rằng anh đã chơi tới 2 trận “Clasico” ở 2 châu lục.

Điểm lại những điều ấy để hiểu rằng sự “Kinh điển” ở đây chỉ là một quy ước. Và không phải lúc nào kinh điển cũng kinh điển theo nghĩa đích thực của từ này.

2.Trận đấu hôm qua tại Nou Camp đã kết thúc với nhiều lời khen ngợi của khán giả về chất lượng giải trí. Đúng là một cuộc rượt đuổi liên tiếp với 4 bàn thắng gối đầu sẽ tạo ra rất nhiều cảm xúc. Nhưng xét trên nhiều tiêu chí, có quyền nghi ngờ sự kinh điển của El Clasico.

El Clasico từ vài năm qua đã luôn mang dấu ấn của cuộc cạnh tranh Ronaldo-Messi. Nhưng chưa bao giờ, họ đặt dấu ấn mạnh như trận đấu tại Nou Camp rạng sáng qua. Thậm chí nó đã bị biến thành cuộc đấu riêng của hai ngôi sao này.

Không phải hôm qua họ xuất sắc quá, mà bởi những đồng đội dường như đã mờ nhạt quá. Những đường chuyền hỏng, những pha mất bóng hớ hênh xuất hiện với tần suất dày đặc. Nguyên hai đội hình toàn những siêu sao, chỉ thấy có Ronaldo và Messi tỏa sáng. Tốc độ đấy, khí thế đấy, kỹ thuật đấy, nhưng có cả sự rời rạc đấy.

Đơn cử, tỷ lệ chuyền bóng chính xác của bộ đôi tiền vệ trụ bên phía Real Madrid là Xabi Alonso và Sami Khedira trận này lần lượt là 78% và 79%. Một tỷ lệ không thể chấp nhận nổi với tầm vóc của họ.
El Clasico đêm qua, áp lực tâm lý đè nặng hai đội đến mức họ không thể thi đấu hay như chính các trận El Clasico trước, chứ không bàn đến những cuộc đấu với các đội “cửa dưới”, khi mà Barca và Real Madrid vận hành chính xác như những cỗ máy hoàn hảo, không tỳ vết.

3.Nhưng như đã nói ở trên, kinh điển chỉ là một sự quy ước. Những người hài lòng với sự “kinh điển” trong cuộc chạy đua tay đôi giữa Ronaldo và Messi vẫn có thể chấp nhận tên gọi ấy. Và thật ra, nếu đổi tên El Clasico trong giai đoạn này thành “LeoCR Clasico” thì không còn vấn đề gì để bàn.

Nhưng sự kinh điển của bóng đá đòi hỏi nhiều điều hơn thế, sự kinh điển của óc chiến thuật Jose Mourinho hay sự kinh điển của tiqui-taca cần nhiều hơn thế. Nó chưa hề xuất hiện trong trận đấu rạng sáng qua.
Tại Nou Camp, El Clasico chỉ mang nghĩa là “trận đấu hay” chứ chưa hề kinh điển.

Nguồn bongdaplus.vn