Bong da

Tây Ban Nha

"Hàng La Masia" mất giá ngay tại Nou Camp: Biểu tượng sớm thất truyền?

Cập nhật: 23/08/2015 11:57 | 0

Vụ bán Pedro cho Chelsea chính là sự khẳng định cho một dòng chảy âm thầm nhưng có sức tác động ghê gớm trong lòng Barca mấy năm trở lại đây: Cuộc tháo chạy ồ ạt của những tài năng La Masia khỏi Nou Camp.


"Hàng La Masia" mất giá ngay tại Nou Camp: Biểu tượng sớm thất truyền?
THẤT BẠI NGAY TRÊN “SÂN NHÀ”

Ngày 25/11/2012, phút 14 trận Barca - Levante, một thời khắc lịch sử với Barca nói chung và lò đào tạo La Masia nói riêng. Với việc Martin Montoya được đưa vào sân thay Dani Alves bị chấn thương, lần đầu toàn bộ 11 cầu thủ Barca có mặt trên sân đều là những người trưởng thành từ lò đào tạo của CLB. 

Với 2 bàn thắng của Messi, 1 bàn từ Iniesta và 1 bàn khác của Cesc Fabregas, Barca dễ dàng đánh bại Levante 4-0 và thẳng tiến tới chức vô địch La Liga thứ 22 trong lịch sử. Sự kiện ấy đánh dấu thời kỳ rực rỡ nhất của La Masia, củng cố vị thế số 1 thế giới của lò đào tạo này. 

Ít ai ngờ, chỉ sau đó chưa đầy 3 năm, La Masia - bây giờ không còn là một “nông trang” nữa mà đã là một tổ hợp đa chức năng hiện đại bậc nhất thế giới - đã trong cảnh lụi tàn. Nếu ở mùa 2013/14, còn có tới 17 cầu thủ đi lên từ La Masia được đăng ký cho đội 1, với ít nhất 8 người trong số đó thường xuyên đá chính, thì mùa này, với sự ra đi của Pedro, những con số chỉ còn lần lượt là 11 và 5

Điều đáng nói là trong số những cầu thủ dự bị, chỉ có Rafinha, và ở một mức độ thấp hơn là Marc Bartra, còn cơ hội ra sân. Những Sergi Roberto, Sandro, Munir, Masip... chỉ đơn giản là được đăng ký cho đủ số.

Đáng ngại hơn, dấu hiệu lụi tàn còn xuất hiện ở tận gốc rễ. Barca B mùa này sẽ phải chơi bóng ở giải hạng Ba, sau khi đứng bét bảng giải hạng Nhì mùa trước. Đội kế cận, Juvenil A, thì chỉ đứng thứ Tư ở khu vực Catalan, kém kình địch Espanyol tới 18 điểm. 



BARCA PHẢN BỘI TRUYỀN THỐNG

Bước ngoặt đánh dấu sự đi xuống của La Masia diễn ra ở mùa giải 2013/14. Mùa đó, Barca có vẻ vẫn trung thành với triết lý đặt La Masia làm trung tâm khi chỉ mua về Neymar và đôn lên một loạt tài năng trẻ như Rafinha, Sergi Roberto, Oier Olazabal và Gerard Deulofeu. Tuy nhiên, cũng ở mùa đó, Barca đã không thể giữ nổi Thiago Alcantara, cầu thủ được kỳ vọng sẽ kế tục Xavi và Iniesta dẫn dắt hàng tiền vệ. Việc Thiago quyết liệt đòi ra đi vì không được đảm bảo vị trí có thể coi là một “tiền lệ xấu”.

Cũng ở mùa 2013/14, Barca đứng trước nguy cơ bị cấm chuyển nhượng do một loạt sai phạm liên quan tới việc tuyển mộ các cầu thủ trẻ. Để đón đầu án phạt này, mùa Hè 2013 chứng kiến đội bóng vung ra hơn 150 triệu euro để mang về những Luis Suarez, Ivan Rakitic, Marc-Andre ter Stegen, Thomas Vermaelen, Claudio Bravo, Jeremy Mathieu và Alen Halilovic. 

Để có chỗ cho cuộc đại đổ bộ của những người ngoại quốc này, Barca đã phải tống đi một loạt “người nhà”, từ Fabregas, Tello, Krkic, Jonathan, Olazabal, Cuenca, Denis Suarez tới Deulofeu, chưa tính Puyol và Valdes cũng chia tay vì các lý do khác.

Tệ hại thay, Barca lại... thành công với chính sách ấy. Mùa trước, đội bóng của Luis Enrique giành “cú ăn 3” với đóng góp to lớn của những Bravo, Ter Stegen, Rakitic, Suarez và Neymar. Thế nên, khi họ quyết định dấn sâu hơn theo hướng này, với việc mang về Arda Turan và Aleix Vidal và để những Pedro, Montoya, Adama Traore... ra đi, tất thảy đều im lặng, như thể đó là điều đương nhiên...




(báo bóng đá)