Cố HLV nổi tiếng người Hungary là Bela Guttmann (từng dẫn dắt AC Milan, Benfica, Porto, Sao Paulo…) đã đúc kết rằng: “Chu kỳ cực thịnh đối với một HLV tại một đội bóng thường kết thúc vào năm thứ ba”. Nếu một nhà cầm quân dẫn dắt một CLB lâu hơn thế, các cầu thủ sẽ xuất hiện xu hướng nhàm chán hoặc tự mãn. Và đó là cơ hội để đối thủ phản kích.
Tất nhiên có những trường hợp ngoại lệ, nhưng ở những giải đấu hàng đầu, chu kỳ trên đúng là thường kéo dài tối đa là 3 năm. Đó là lý do tại sao hôm thứ Bảy tuần trước đáng lo ngại hơn là 2 điểm đơn thuần mà thày trò Pep Guardiola đã “đánh rơi”. Và giới mộ điệu có thể đặt câu hỏi, liệu đội bóng xứ Catalonia có tiếp tục thống trị La Liga trong mùa thứ tư dẫn dắt bởi Guardiola hay không?
Bằng kinh nghiệm bản thân, giải pháp mà Guttmann đề xuất để vượt qua trở ngại này là mạnh tay “phá cũ, xây mới” ngay khi đã vươn tới đỉnh cao. Đó chính là sách lược HLV Alex Ferguson đã áp dụng không dưới một lần trong 25 năm dẫn dắt Man Utd.
Về cơ bản, Sir Fergie chỉ giữ lại một số cầu thủ cốt lõi, những người dường như miễn nhiễm với thói tự mãn và được dạy dỗ trong môi trường kỷ luật cao. Những cầu thủ kiểu mẫu này có thể kể đến như Gary Neville, Paul Scholes, Ryan Giggs… Song song với đó, bất kỳ ai cho thấy dấu hiệu dao động, vượt ra khỏi nguyên tắc chung sẽ bị xử lý thẳng tay. Một trong những màn “thanh lọc” tiêu biểu mà Ferguson thực hiện là khi Man Utd chỉ đứng thứ 2 tại Premier League 1994/95 và thua trận chung kết FA Cup 1995, ông đã nhẫn tâm loại bỏ các ngôi sao tên tuổi như Mark Hughes, Andrei Kanchelskis và Paul Ince khỏi Old Trafford.
HLV Ferguson đã loại Mark Hughes ở thời điểm đầy bất ngờ
“Nguyên tắc 3 năm” dường như đặc biệt hay xuất hiện tại những đội bóng theo đuổi lối chơi tấn công, hướng tới kiểm soát toàn bộ thế trận. HLV Viktor Maslov, cha đẻ của trường phái tổng lực, người dẫn dắt Dynamo Kiev vô địch Liên Xô 3 mùa liên tiếp từ 1966 đến 1988, đã bị sa thải vào năm 1970. Khoảng 1 năm sau đó, Rinus Michels mất việc ở Ajax Amsterdam dù giúp CLB giành chức vô địch châu Âu lần đầu tiên năm 1971. HLV kỳ tài Arrigo Sacchi, người mang về cho AC Milan 1 Scudetto và 2 cúp C1, cũng ra đi trong năm thứ tư gắn bó đội bóng này.
Từ xu thế trên, có vẻ như việc đoạt được một chức vô địch trong năm thứ tư khó khăn hơn và ý nghĩa hơn nhiều so với chức vô địch lần đầu tiên?
Duy trì đội bóng luôn khát khao thành công
mà không tự mãn là điều hết sức khó khăn
Trở lại câu chuyện thời điểm hiện tại, Barca đang kém đội dẫn đầu La Liga là Real khoảng cách 5 điểm. Thày trò Guardiola đã giành chiến thắng ấn tượng 3-1 ngay trên sân của Real trước lễ Giáng sinh vừa qua. Nhưng thực tế là họ đã không thể “ca khúc khải hoàn” ở 5 trên 8 trận sân khách từ đầu mùa.
Đúng là Barca luôn được đánh giá cao hơn các đối thủ của mình, luôn khống chế toàn bộ thế trận nhưng họ lại thường gặp khó khăn ở khâu ghi bàn. Có thể là do họ kém may mắn, nhưng cũng tồn tại sự nghi ngờ rằng dàn sao của Barca thiếu tập trung hoặc một sự chủ quan nhất định ở những những tình huống mà lẽ ra có thể làm tốt hơn nhiều. Trận gặp Espanyol cho thấy cảm giác rằng, sau khi Cesc Fabregas ghi bàn đưa Barca dẫn trước ở ngay phút 16, họ đã chơi lỏng chân bởi tâm lý các bàn thắng kế tiếp trước sau gì cũng đến. Điều này cho phép Espanyol “đột kích” thành công bằng bàn gỡ của Alvaro Vazquez khi trận đấu chỉ còn 4 phút.
Tuy nhiên, các culé cũng không nên bi quan bởi Guardiola là một HLV có tầm nhìn. Từ khi dẫn dắt Barca năm 2008, ông đã nhận thức được mối nguy cơ từ “nguyên tắc 3 năm”. Guardiola đã không ngần ngại loại bỏ những cầu thủ còn đang ở đỉnh cao phong độ nhưng không cùng chung suy nghĩ như Samuel Eto’o, Yaya Toure, Zlatan Ibrahimovic. Thay vào đó, mỗi mùa ông mang về các ngôi sao mới tài năng không kém như Javier Mascherano, David Villa hay Alexis Sanchez, Cesc Fabregas… Đó chính là các nhân tố giúp Barca làm mới mình và duy trì ngọn lửa khao khát chinh phục bất chấp đang ở trên đỉnh cao.
Mua Fabregas không chỉ để tăng sức mạnh mà còn tiếp thêm động lực cho Barca
Song song với cách thức trên, Guardiola còn thể hiện sự linh hoạt khi xây dựng cho Barca một sơ đồ thi đấu mới bất chấp sơ đồ 4-3-3 cũ vẫn đang hoạt động trơn tru. Mùa này, ông từng bước đưa Barca làm quen với sơ đồ 3-4-3. Chính cải tiến này đã khiến địch thủ Real không thể “bắt bài” và đành chịu thúc thủ ở trận “El Clasico” lượt đi.
Những thay đổi mà Guardiola đã tiến hành trong mùa giải thứ tư đầy thách thức này đưa đến một thực trạng là Barca chơi rất tốt trước những đối thủ mạnh, nhưng lại phung phí điểm trước các đối thủ mà tưởng như có thể cuốn trôi dễ dàng. Nếu quả thực như vậy thì không biết chừng Barca sẽ hướng tới kết cục: thất bại tại La Liga, nhưng vô địch Champions League?! Khi đó, họ sẽ là đội đầu tiên kể từ AC Milan của HLV Sacchi bảo vệ thành công ngôi vô địch châu Âu. Về mặt cá nhân, Guardiola cũng trở thành HLV tiếp theo sau Bob Paisley (Liverpool) ba lần nâng cao chiếc cúp danh giá nhất cấp CLB.
Liệu rằng Guardiola có vượt qua được cái lập luận "đáng ghét" mà Guttmann đã đưa ra, kéo dài những năm tháng vinh quang cùng Barca? Hãy chờ câu trả lời vào cuối mùa này.
- XEM THÊM:
bongdaplus.vn