Bong da

Tây Ban Nha

Góc nhìn: Tản mạn hậu Siêu kinh điển!

Cập nhật: 25/03/2014 15:19 | 0

Trong hai ngày qua, những dòng mực về trận El Clasico giữa Real Madrid và FC Barcelona đã tuôn ra như suối trên báo chí Tây Ban Nha, châu Âu và thế giới. Có lẽ chỉ có các trận chung kết của Champions League hoặc World Cup mới có sức hút lớn như trận đấu này.

Góc nhìn: Tản mạn hậu Siêu kinh điển!
Góc nhìn: Tản mạn hậu Siêu kinh điển!
Không phải ngẫu nhiên mà trên 400 triệu khán giả trên khắp hành tinh theo dõi trận Siêu kinh điển qua màn ảnh nhỏ, trong đó có hàng triệu triệu người ở châu Á, như Việt Nam chúng ta, đã đặt đồng hồ báo thức vào lúc 3 giờ sáng ngày thứ Hai, ngày phải đi làm đầu tuần, để được chứng kiến màn trình diễn của hai đội bóng lừng danh, một được coi là vĩ đại nhất thế giới trong thế kỷ thứ XX và một được coi là vĩ đại nhất của giai đoạn đầu thế kỷ thứ XXI.

Và cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà có tới 700 nhà báo trong nước và quốc tế thuộc 120 phương tiện truyền thông khác nhau đã đến sân Santiago Bernabeu để trực tiếp phản ánh trận đấu này, được bảo vệ bởi hơn 1000 nhân viên và cảnh sát do độ nóng trên khán đài màu trắng, với cả những khẩu hiệu mang đầy tính kích động mà đáng ra không được trương lên, như “ Messi là một thằng lùn, con của mày là của Cristiano”.

Sức hút mãnh liệt của Siêu kinh điển không chỉ nằm ở tầm vóc của hai đội bóng cũng như ở các yếu tố lịch sử, truyền thống, sự “thù hận” và tính quyết liệt mà còn ở thứ bóng đá tuyệt vời của của hai đối thủ: một là biểu tượng của lối chơi phòng ngự phản công được nâng lên trình độ đỉnh cao và một là hiện thân của triết lý bóng đá tấn công và thứ đặc sản tiqui-taca từng giúp Barca giành 14 danh hiệu chỉ trong vòng 4 năm dưới thời Pep Guardiola.



Ý nghĩa quan trọng
Và sức hút của El Clasico ở lượt về của mùa bóng này còn nằm ở tính chất quan trọng của nó đối với cả hai đội bóng. Với đoàn quân của Carlo Ancelotti, một chiến thắng đồng nghĩa với việc tiến rất gần đến danh hiệu vô địch Liga khi mà giải đấu này chỉ còn 9 vòng đấu nữa, với 9 đối thủ đều không nằm ở tốp 3 hiện nay, có nghĩa là tất cả đều thuộc hàng chiếu dưới của Real Madrid. Chiến thắng trước Barca cũng sẽ là một động lực to lớn để nhìn về trận chung kết Cúp Nhà Vua và mục tiêu lớn nhất của mùa bóng này: La Decima, danh hiệu vô địch Champions League lần thứ 10.

Với Barca, một thất bại không chỉ đánh dấu chấm hết cho hy vọng giữ lại được ngôi vương tại giải đấu Tây Ban Nha, mà còn được dự đoán là sự kết thúc của một chu kỳ thành công rực rỡ, chưa từng có trong lịch sử bóng đá hiện đại, kéo dài trong nửa thập kỷ qua, đánh dấu sự đổi ngôi ở nền bóng đá xứ đấu bò tót. Nó sẽ là sự khởi đầu của một cuộc “cách mạng” mới trên các bình diện về thể chế, nhân sự, thậm chí cả triết lý bóng đá được xây dựng nên từ thời Johan Cruyff và được hoàn thiện dưới thời Guardiola. Một chiến thắng của Barca sẽ là một món quà vô giá cho chủ tịch Bartomeu trước cuộc trưng cầu ý kiến về sân Camp Nou, sẽ làm tăng niềm tin cho Martino trong cân nhắc ra đi hay ở lại khi mùa bóng này kết thúc…

Chính vì thế, không ít các CĐV áo trắng và cả các culé vẫn thường nói: thắng được ở Siêu kinh điển cũng sướng chẳng kém gì giành được La Liga.  



Kinh điển đã “lột trần” hai đội bóng
Trước khi El Clasico diễn ra, Real Madrid được đánh giá là mạnh hơn nhiều so với Barcelona, không phải trên bình diện đẳng cấp và trình độ, mà trên phương diện phong độ và tâm lý. Đội bóng hoàng gia có một mạch 31 trận bất bại, từ chỗ bị Barca dẫn trước sáu điểm ở thời điểm Giáng sinh 2013 đã vươn lên để nhìn lại đối thủ qua gương chiếu hậu với 4 điểm cách biệt. Ai cũng nghĩ trận Siêu kinh điển trên sân Bernabeu sẽ là một cuộc diễu binh của đoàn quân áo trắng.

Trong cuộc họp báo vào ngày thứ Bảy tuần trước,  HLV Carlo Ancelotti đã không ngần ngại tuyên bố “đây là thời điểm để tôi giành chiến thắng trước Barca”. Thậm chí, có tin phòng tay đồ của Real Madrid còn hạ quyết tâm dội mưa gôn vào lưới của Victor Valdes để trả mối hận “bàn tay nhỏ” (5-0) và sét tennis (2-6) mà họ từng hứng chịu trước Barca.

Thế nhưng, Real Madrid đã ngã bổ chửng ngay trên thánh địa của mình. Và lúc đó, người ta mới giật mình nhìn lại: hóa ra trong 4 trận đánh lớn với hai đối thủ ở cùng tốp với mình là Barca (2 trận Clasico) và Atletico (2 trận derby), Madrid chỉ giành được vẻn vẹn có 1 điểm trong tổng số 12 điểm. Tại Liga, đội bóng hoàng gia mỗi khi gặp các đội bóng lớn như Barca, Atletico, Bilbao, Valencia đều trầy da tróc vẩy và để lộ những điểm yếu chết người. Điều mà Xabi Alonso đã cảnh báo: Sơ đồ chiến thuật  4-3-3  chỉ phù hợp với những đội bóng nhỏ, còn khi gặp các đội mạnh, biết tấn công đồng loạt và hiệu quả, nếu các tiền đạo không tích cực lui về cùng phòng ngự thì Madrid sẽ lâm nguy”, đã trở thành sự thật. Madrid đã không mạnh như người ta tưởng. Cái gọi là “đội hình lý tưởng” và “sự cân đối tuyệt vời của ba tuyến” cũng chỉ là tương đối mà thôi. Madrid chỉ thắng ở những trận đánh nhỏ, nhưng lại thua ở những trận đánh lớn tại Liga.

Ở chiều ngược lại, Barca đến với trận Siêu kinh điển ở vị thế kém hơn: bị dẫn trước 4 điểm, bị thua mất mặt trước Real Sociedad và Valladolid. Trước trận đấu lại liên tiếp xuất hiện những tin đồn Martino sẽ ra đi, Messi kém vui vì chưa được tái ký hợp đồng nên sẽ không thi đấu hết mình, sắp có một cuộc cách mạng về nhân sự khi mùa bóng kết thúc..., làm phân tâm các cầu thủ. Chẳng mấy ai dám tin vào một chiến thắng của Barca trên sân Bernabeu. Thế nhưng, mặc dù không thể tạo ra “một bàn tay nhỏ” khác, đội bóng xứ Catalunya cũng có một cú pocker, với 4 bàn thắng trên thánh địa của Madrid. Và mọi người mới té ngửa: Hóa ra dự đoán “chu kỳ thành công của Barca sé chấm dứt cùng trận Siêu kinh điển” như báo chí của “Nhà Trắng” đưa tin vẫn chưa diễn ra, hóa ra Barca không thua trận nào ở những trận đánh lớn (hòa 3 trận với Atletico – 2 tại Siêu cúp TBN và một tại lượt đi La Liga, thắng Real Madrid trong cả hai trận Clasico).



Và lúc này, khán giả lại đặt ra câu hỏi: Tại sao Barca lai chỉ đứng ở vị trí thứ 3 khi mà luôn thắng ở những trận cầu lớn và quyết định. Câu trả lời là: Một khi Barca quyết tâm, có tham vọng chiến thắng, họ có thể đánh bại bất cứ đối thủ nào; còn một khi các cầu thủ thiếu nhiệt huyết vì đã no nê danh hiệu thì họ có thể thua bất cứ đội bóng nhỏ nào, như thực tế cho thấy từ đầu mùa bóng tới nay tại La Liga.  

Mặt khác, dù thắng Madrid, Martino cũng không thể hài lòng về những điểm yếu bị “lột trần” thêm một lần nữa: đó là những sơ hở của hàng thủ khi dâng lên tấn công, sự trống trải sau lưng Alves mỗi khi dâng cao, phong độ yếu kém của Mascherano và khả năng không chiến kém cỏi, khiến mỗi quả phạt góc hoặc sút bóng chết của đối phương thành một màn tra tấn với Barca.
 
Liga không nhàm chán
Sau Siêu kinh điển, La Liga càng sống động hơn bao giờ hết, với Atletico và Real cùng có 70 điểm nhưng đội bóng của Diego Simeone xếp trên đội bóng của Carlo Ancelotti theo luật thắng-thua trong các trận đối đầu trực tiếp. Barca đứng thứ 3, với 69 điểm, chỉ kém đúng 1 điểm. Tuy nhiên, chỉ có Atletico là có thể tự quyết định số phận của mình, nếu họ thắng tất cả 9 trận còn lại, trong đó có cả Barca. Nhìn vào lịch thi đấu còn lại, giành được trọn 27 điểm là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn cho đội bóng áo trắng sọc đỏ.

Trong bối cảnh cân bằng như hiện nay, bất cứ một cú sảy chân nào của cả 3 đội bóng, đều đồng nghĩa với việc đánh mất cơ hội vô địch La Liga. Vì thế, với cả Atletico, Barca và Madrid, mỗi một trận đấu còn lại đều là một trận chung kết. La Liga không nhàm chán và trở lên hấp dẫn là ở yếu tố này, trong chặng nước rút của mùa bóng.


(báo bóng đá)