Cảnh sát và bóng đá Tây Ban Nha bị "việt vị" vì cái chết của CĐV
Sự nương tay quá đáng với các phần tử quá khích trong bóng đá ở Tây Ban Nha đã dẫn đến một thảm kịch mới. Ngày hôm qua, Francisco Javier Romero Taboada, một CĐV “ultra” (cực đoan) của Deportivo, 43 tuổi, đã bị thiệt mạng sau khi bị đánh nhừ tử và bị vứt xuống sông Manzanares ở thủ đô Madrid trong một cuộc chiến hỗn loạn giữa các phần tử quá khích của hai đội bóng nói trên, có sự tham gia của các “Bukaneros” của đội Rayo Vallecano. Cuộc hỗn chiến, mang màu sắc chính trị nhiều hơn bóng đá theo đánh giá của lực lượng cảnh sát, lôi cuốn sự tham gia của 200 người.
Không có vẻ gì là ngẫu nhiên khi cuộc ẩu đả bắt đầu từ buổi sáng. Trận đấu Atletico-Deportivo vào buổi chiều không bị Ủy ban Quốc gia Chống bạo lực thuộc Bộ Nội vụ liệt vào dạng “nguy hiểm cao”. Vì thế, chỉ có khoảng 150 cảnh sát được huy động đến làm công tác an ninh ở trong và ngoài sân cỏ từ 2 giờ trước khi trận đấu bắt đầu. Điều đó đồng nghĩa với việc khi xảy ra cuộc hỗn chiến đã không có sự có mặt của các lực lượng giữ gìn trật tự.
Taboada - CĐV Deportivo đã bị nhóm fans Atletico cực đoan đánh cho nhừ tử và vứt xuống sông
Theo các nguồn tin khác nhau, thực ra các CĐV cánh tả của Deportivo, được gọi là Riazor Blues, và các CĐV cánh hữu của Altetico, đã thách thức nhau từ trước trên các mạng xã hội, nhưng lực lượng cảnh sát lại không biết hoặc không chú ý đến mối nguy cơ này. Vì đây không phải là lần đầu tiên các CĐV quá khích muốn “thanh toán” lẫn nhau.
Thảm họa này phản ánh một loạt vấn đề trong quy trình bảo đảm an ninh của lực lượng cảnh sát cho các trận đấu. Đầu tiên, Ủy ban Chống bạo lực viện cớ cảnh sát không thông báo cho họ biết có việc các phần tử cực đoan của Deportivo đang di chuyển về Madrid và do đó họ không liệt trận Deportivo-Atletico vào dạng “nguy hiểm cao. Ở những trận “nguy hiểm cao” luôn có trên một nghìn cảnh sát được triển khai bảo vệ an ninh, chứ không phải ở mức trên 100 người.
Cảnh sát đã đến quá chậm và không thể kịp ngăn chặn hậu quả do cuộc bạo động gây ra
Đích danh đại diện của chính phủ ở Madrid, bà Cristina Cifuentes, nêu rõ: “Theo sở cảnh sát của thành phố Galicia, sẽ không có chuyện các lực lượng cực đoan di chuyển về thủ đô”. Và không một ai có thể làm rõ lực lượng này đã mua vé vào sân như thế nào hay việc cả một đoàn xe mang theo hàng trăm phần tử quá khích từ A Coruna và Lugo kéo về sân Vicente Calderon nhưng không một ai để mắt đến.
Cảnh sát đã đến chậm 20 phút và hầu như không thể trấn áp được các phần tử tham gia hỗn chiến. Hàng chục người đã bị thương và vài chục người đã bị bắt. Nạn nhân Francisco đã rơi vào tình trạng nguy kịch nhưng không ai ngăn cản để trận đấu không diễn ra vào buổi chiều.
Theo quy chế, thẩm quyền hoãn một trận đấu thuộc về trọng tài. Trường hợp xảy ra những vụ việc nghiêm trọng trong sân cỏ thì lực lượng an ninh có thể can thiệp và ra lệnh dừng thi đấu. Nhưng trọng tài muốn hoãn trận đấu cũng cần phải có sự chấp thuận của LĐBĐ Tây Ban Nha . Quả bóng được đá đi, đá lại, vừa mất thời gian, vừa kém hiệu quả. Ban tổ chức giải có ý định hoãn trận đấu nhưng lại không thông báo với ai trên Liên đoàn. Theo tiết lộ từ Tổng thư ký của Liên đoàn, Jorge Perez, Chủ tịch Ủy ban Trọng tài, Victoriano Sanchez Arminio, có nhận được một cú điện thoại vào lúc “11 phút trước khi trận đấu bắt đầu”, nhưng “lúc đó là quá muộn, và nếu ngưng trận đấu, có thể gây ra tình trạng mất trật tự công cộng”.
Bầu không khí trên khán đài ở La Liga nhuốm màu xám xịt
Đã đến lúc tất cả các bên có liên quan, từ Cảnh sát địa phương, Ủy ban Chống bạo lực, Đại diện của Chính phủ đến Ban tổ chức giải, Liên đoàn Bóng đá và các CLB, phải ngồi lại và xem xét trách nhiệm của mình, làm rõ sai lầm nằm ở khâu nào và củng cố các quy trình an ninh. Đã từ lâu lắm rồi, các cơ quan quyền lực này coi nhẹ các nguy cơ đến từ các phần tử quá khích. Thậm chí, lãnh đạo một số CLB, HLV và cầu thủ còn có mối quan hệ thân thiện với các nhóm CĐV cực đoan. Không một lãnh đạo đội bóng nào hôm qua tuyên bố: “Từ giờ trở đi, sẽ không có một phần tử quá khích nào được đến sân bóng của tôi”.
Nguồn gốc của bạo lực không bắt đầu từ bóng đá, nó là sản phẩm của “vấn đề xã hội”, nhưng nó được gieo mầm và phát triển ở trong và ngoài sân cỏ. Đã đến lúc phải cùng hành động để loại bỏ bạo lực trong bóng đá., bởi vì chỉ từ 1982 đến nay đã có 12 CĐV người Tây Ban Nha bị chết trong các cuộc hỗn chiến giữa các phần tử cực đoan.