Bóng đá TBN thống trị thế giới: "Cây nhà lá vườn" là bí quyết
Trước EURO 2008, Tây Ban Nha vẫn bị xem là một đội bóng gây thất vọng. 44 năm dài suốt từ chức vô địch EURO 1964, Tây Ban Nha được kỳ vọng bao nhiêu khi bước vào giải thì gây thất vọng bấy nhiêu khi giải kết thúc. Chức vô địch EURO 2008 thay đổi diện mạo của cả một nền bóng đá là bởi nó giúp họ vững tin vào công việc mình đang làm, tức đặt niềm tin vào những cầu thủ trẻ. Ngoại trừ Real Madrid với chính sách Galacticos, tất cả các CLB tại La Liga đều tuân thủ triết lý sử dụng cầu thủ tự đào tạo.
Barcelona có La Masia đã quá nổi tiếng. Nhưng họ không phải là lò đào tạo nổi tiếng duy nhất của Tây Ban Nha. Mùa này Sociedad giành vé dự Champions League với đội hình gồm phần lớn những cầu thủ đào tạo. Có đến 90% các cầu thủ của Bilbao từng vào chung kết Europa League và Cúp Nhà Vua mùa trước là do chính họ đào tạo.
Tuổi đời của các cầu thủ dự La Liga ngày càng trẻ dần. Các CLB giờ đã tin cầu thủ trẻ hơn là mua cầu thủ nước ngoài đã thành danh. Sách lược của RFEF là một mặt, mặt khác cơn khủng hoảng kinh tế cũng khiến hàng loạt các CLB cắt giảm chi tiêu, tiền đâu mà mua cầu thủ nước ngoài.
Thế là các lứa trẻ của Tây Ban Nha cứ thế mà vô địch... đều từ U17, U19 cho đến U21. Cách đây 2 năm Thiago đã vô địch U21. Vậy mà bây giờ anh vẫn đủ điều kiện dự giải. Nhìn vào đội hình Tây Ban Nha vô địch giải này, người ta không khỏi hết hồn khi thấy đấy là những cầu thủ dư sức khoác áo đội lớn. Trong khung thành là David De Gea, các hậu vệ Martin Montoya, Marc Bartra, Inigo Martinez các tiền vệ Thiago, Isco, Koke, Tello... Đấy đều là những cầu thủ đã nhẵn mặt tại La Liga và giá chuyển nhượng phải trên chục triệu euro.
Lối chơi của các CLB Tây Ban Nha cũng có nhiều nét tương đồng, khiến cho các cầu thủ dễ chơi hơn khi lên tuyển: đều dựa trên kỹ thuật, phối hợp nhỏ và di chuyển đồng bộ. Đấy chính là thứ "ngôn ngữ" mà Sacchi huyền thoại từng nói. Tây Ban Nha đã và đang là lãnh tụ của bóng đá thế giới.