Bong da

Đức

Bundesliga thiếu sự hài hước

Cập nhật: 11/03/2015 08:57 | 0

Bóng đá Đức là sự phản chiếu một xã hội quá nghiêm túc và khắt khe. Ở Đức, người tha thường nói, “Bóng đá là điều nhỏ bé đẹp đẽ nhất trên thế giới”. Nhưng hiện giờ, bóng đá đã trở thành một trong những vấn đề lớn, quan trọng của nước Đức, một hoạt động văn hóa có vẻ còn có vai trò lớn hơn so với âm nhạc, nghệ thuật, sân khấu và môn thể thao khác.

Bundesliga thiếu sự hài hước
Bundesliga thiếu sự hài hước
Giai đoạn thống trị mới của bóng đá Đức đã thu hút những đầu óc sáng láng nhất và giúp bóng đá phát triển chưa từng thấy ở đây. Nhưng vai trò ngày càng lớn của bóng đá trong xã hội cũng phản ánh sự cứng nhắc và nghiêm túc thái quá đã trở thành bản tính của người Đức.

Do Bundesliga chưa phổ biến ở nước ngoài như Premier League hay La Liga, và người Đức thường không mặn mà với những cuộc “chém gió loạn đả” trên mạng mà nhiều quốc gia yêu bóng đá khác rất hứng thú, nên Wolfsburg chẳng hạn, dù đang xếp thứ 2 ở Bundesliga nhưng không bao giờ nhận được sự chú ý như Real Madrid (thứ 2 ở La Liga) hay Man City (Premier League).


Wolfsburg tuy đang đứng thứ hai tại Bundesliga nhưng không được nhiều người để tâm tới

Trước trận derby vùng Ruhr được trực tiếp trền truyền hình tuần trước, các CĐV Borussia Dortmund và Schalke đã vây quanh và tấn công chiếc xe chở BLV Marcel Reif. BLV 65 tuổi này bị dội bia lên người, bị nhổ nước bọt và bị các CĐV Dortmund đe dọa vì những nhận xét hài hước của ông ở trận Dortmund-Dynamo Dresden vào tối thứ Tư tại cúp Quốc gia trước đó. Ông đã mô tả màn ăn mừng bàn thắng của các cầu thủ áo vàng với mặt nạ Batman/Robin là “không khác gì Punch và Judy” (hai nhân vật rối cho trẻ em).

“Tôi quá già cho những trò hề thế này, nhưng tất nhiên, chúng ta sống ở một đất nước tự do”, ông nói. HLV  Juergen Klopp của Dortmund đáp lại trong cuộc họp báo ở Dresden rằng ai cũng thấy trò đó vui. “Tất cả trừ Marcel Reif. Ông ấy không còn thấy gì vui thú trong cuộc đời”. Reif trả đũa khi nói bình luận của Klopp là “vô trách nhiệm”. Klopp xin lỗi sau đó, nhưng vẫn thòng thêm “thật ra là không cần phải xin lỗi”.

Reif, phải kể cho đầy đủ, từng gọi Klopp là một “Rumpeltiltskin (nhân vật cổ tích Đồ bỏ xó trong truyện cổ Grimm) chỉ hay ở giải hạng Nhì” trong một bài báo năm 2008 mà sau đó ông phải rút xuống. Tuy nhiên, sự giận dữ nhắm vào Reif là điều đáng tiếc với bóng đá Đức. BLV của đài Sky Sports có thể gây tranh cãi, nhưng ông là một nhân vật thú vị, dí dỏm dù đôi khi có quá đà. Không chỉ riêng BVB, các CĐV Bayern cũng cho rằng Reif ghét đội bóng của họ. Bóng đá không phải lúc nào cũng chỉ là bóng đá. Và việc chuyên nghiệp hóa quá mức sẽ khiến môn thể thao nhiều niềm vui này trở nên quá nhàm chán.

Nhưng các CĐV không phải là những người phải chịu trách nhiệm duy nhất vì Bundesliga thiếu những nụ cười phiếm. Trong trận thắng 3-1 của Bayern trên sân khách trước Hanover, nhờ vào 2 quyết định đáng ngờ của trọng tài và sự trở lại của Bayern-Dusel, vận may nổi tiếng của đội bóng xứ Bavaria giúp họ vẫn thắng trận dù chơi tệ, chỉ các CĐV đội thắng trận là reo vang trên khán đài. Phần sân nhà lớn hơn nhiều của Hanover đã khá tĩnh lặng từ đầu mùa, khi 96 tay CĐV quá khích tuyên bố tẩy chay đội một và chuyển sự ủng hộ sang cho đội U23. Ảnh hưởng của nhóm CĐV cốt lõi đó lớn hơn so với CLB tưởng.


CĐV Hanover có những mâu thuẫn với chủ tịch đội bóng

Nguồn gốc của tranh cãi là vài năm trước, khi chủ tịch Martin Kind của Hanover cấm các CĐV giăng một băng-rôn với tấm hình của tay giết người hàng loạt địa phương Fritz Haarmann trên khán đài, có lẽ là để dọa đối thủ. Kind gọi những CĐV đó là “lũ khốn” và tăng giá vé như “một sự trừng phạt tập thể” với một nhóm nhỏ những kẻ đùa giỡn quá đà.

Niềm vui càng ít khi CLB khẳng định mọi CĐV đi ủng hộ đội nhà trong trận derby sân khách ở Braunschweig phải ngồi trên các xe buýt được CLB tổ chức. 11 CĐV đã kiện yêu cầu đó ra tòa và đội bóng đã phải dàn xếp vì họ biết mình sẽ thua kiện. Mối quan hệ giữa CĐV và CLB trở nên không thể cứu vãn. Trong một lá thư công khai tuần trước, ban lãnh đạo Hanover thừa nhận sai lầm và hy vọng “những nhóm CĐV mới” sẽ tới thế chỗ của những người đã bỏ đi.

Từ chỗ quá cực đoan và cứng nhắc tới chỗ của bạo lực không xa. 12 cảnh sát bị thương trong những cuộc đụng độ trước và sau trận hòa 0-0 của Stuttgart với Hertha hôm thứ Sáu. Một cảnh sát đã nổ súng chỉ thiên khi chiếc xe của anh bị 80 CĐV Stuttgart quá khích phục kích. Thất vọng vì cuộc chiến trụ hạng tuyệt vọng của đội nhà, Stuttgart đang xếp chót bảng, có vẻ là động cơ chính. Trên sân, đội bóng của HLV Huub Stevens bị la ó liên tục bởi các CĐV nhà. Bóng đá ở Đức đã rất hay rồi, nhưng lẽ ra nó còn phải vui hơn nữa.


(báo bóng đá)