Lần đầu tiên trong vòng 15 năm, gã khổng lồ Bayern Munich mới trắng tay 2 mùa liên tiếp tại sân chơi Bundesliga. Ở Đức, Bayern là đội bóng giàu có nhất, thành công nhất, nhưng cũng là cái tên bị nhiều người ghét nhất trong số các đội bóng. Vì thế, có thể nói, sự vươn lên mạnh mẽ của Dortmund là chuyện được phần lớn người hâm mộ ở đất nước này chào đón.
So với một năm về trước, chiến công của Dortmund mùa này ấn tượng hơn, và quan trọng hơn về mặt ý nghĩa. Bởi nó gần như được xác lập sau chiến thắng trực tiếp 1-0 trước Bayern ở vòng 30 vừa qua, trong bối cảnh hai đội đang giằng co nhau quyết liệt trên đường đua. Giờ đây, cách gọi Dortmund là những cậu bé thách thức Bayern không còn phù hợp nữa. Ngược lại, Bayern cần dành cho đội bóng vùng Ruhr sự tôn trọng như là đối thủ ngang hàng trong những năm sắp tới.
Dortmund vô địch Bundesliga 2011/12 một cách thuyết phục
Vậy, bí quyết giúp Dortmund duy trì thành công là gì? Nếu hỏi “kiến trúcsư” Juergen Klopp hay bất kỳ một người nào tự nhận là fan Dortmund, họsẽ trả lời rằng: Làm tất cả những gì có thể chống lại Bayern.
Tinh thần anti-Bayern được thể hiện ngay trong khẩu hiệu “Nhà vô địchcủa công chúng” (Meister der Herzen). Thoạt nghe có vẻ không ấn tượnglắm, nhưng ý nghĩa sâu xa của nó ở chỗ trái ngược hoàn toàn với khẩuhiệu “Mia San Mia” (Tạm dịch: Chúng ta là Bayern), mà đội bóng xứBavaria tôn thờ. Điều Dortmund muốn gửi gắm là họ luôn luôn hướng vềngười hâm mộ, có lẽ chỉ ngoại trừ cừu địch Schalke vùng Gelsenkirchen vàMunich mà thôi. Đáp lại, Dortmund đã gây dựng cho mình một lượng fantrung thành đông đảo bậc nhất. Những “cầu thủ thứ 12” này đã nổi tiếngkhắp cả châu Âu về độ máu lửa, biến sân nhà Signal Iduna Park trở thànhhỏa ngục với bất kì đội bóng nào đến đây.
Các học trò trẻ của HLV Klopp đã trưởng thành rất nhiều so với chính mình
Một sự thay đổi nữa ở Dortmund là họ không còn giống những chàng trai trẻ dễ thương chơi bóng như mùa trước. Giờ đây, Dortmund đã bộc lộ khí phách, bản lĩnh của một ông lớn. Đó là sự kết hợp giữa tài năng bóng đá với niềm tin ở bản thân được tôi luyện đủ để đứng vững trước áp lực.
Cá tính ấy được thể hiện rõ rệt ngay trong trận đấu với Bayern vừa qua. Tiêu biểu là Neven Subotic chế nhạo Arjen Robben bằng cách gầm gừ trước mặt cầu thủ người Hà Lan khi anh này đá hỏng quả phạt đền ở phút 86. Dù Subotic biện minh rằng: “Tôi không thích những kẻ ăn vạ”, nhưng điều đó không quan trọng. Ý nghĩa của nó lớn hơn nhiều bởi người ta thường chỉ thấy hành động ấy ở các bậc đàn anh, giống như Oliver Kahn, Stefan Effenberg… thường làm khi Bayern còn đang là kẻ thống trị.
Để vươn lên đỉnh cao, Dortmund cần những cá tính mạnh mẽ như Subotic. Và họ may mắn đang sở hữu nhiều cầu thủ như thế với Sebastian Kehl, Roman Weidenfeller hay Kevin Grosskreutz… Đó là những người sẵn sàng hóa thân thành “người xấu”, miễn sao có lợi cho đội nhà.
Cá tính của Dortmund được bộc lộ ở những trận đấu quan trọng
Ngay cả các nhân vật cấp cao tại Dortmund cũng có tính cách gai góc hơn xưa nhiều. GĐĐH Hans Joachim Watzke từng chỉ trích HLV trưởng ĐT Đức Joachim Loew chẳng ra gì vì chỉ triệu tập duy nhất một thành viên của Dortmund ở một trận giao hữu quốc tế hồi năm ngoái. Trước đó, việc mắng vào mặt vị HLV trưởng ĐTQG có lẽ chỉ “Giáo hoàng” Uli Hoeness của Bayern là thấy hứng thú.
Rũ bỏ đi sự ngây thơ trong lối chơi nhưng Dortmund vẫn trung thành với triết lý bóng đá cống hiến mà HLV Klopp gây dựng từ lúc lên nắm đội. Đó là nhờ họ gần như giữ nguyên được bộ khung đã đem về chức vô địch năm 2011 (chỉ có Nuri Sahin chuyển đến Real Madrid). Thêm vào đó, Dortmund lại được bổ sung thêm nguồn lực chất lượng như Robert Lewandowski, Ilkay Guendogan và Ivan Perisic.
Vô địch hai mùa liên tiếp, và có thể cả danh hiệu cúp Quốc gia nếu đánh bại Bayern ở trận chung kết tháng tới, là một thành tích phi thường. Nhưng Dortmund cũng phải hiểu rằng, bất kì thành công lâu dài nào cũng đều có cái giá tương đương. Có thể vài năm nữa, giống như Bayern đang trải qua, Dortmund sẽ mất dần sự ủng hộ của công chúng và rồi trở thành đội bóng bị ghét nhất nước Đức.
- XEM THÊM
bongdaplus.vn