Bong da

Xoay quanh chiến thuật trận Liverpool - Man City: Luận về “kế hoạch B”

Cập nhật: 28/08/2012 10:07 | 0

Bàn gỡ 2-2 do đối phương “kính tặng” của Carlos Tevez, coi như không cần nói thêm. Điều đáng nói là cả bàn gỡ 1-1 của Man City trong trận gặp Liverpool cũng có một phần nguyên nhân đến từ cách phòng thủ không hoàn hảo từ phía Liverpool.

Xoay quanh chiến thuật trận Liverpool - Man City: Luận về “kế hoạch B”
Xoay quanh chiến thuật trận Liverpool - Man City: Luận về “kế hoạch B”
Nói cách khác, đấy đều không phải là sản phẩm thuyết phục đến từ lối chơi của Manchester City. Thế còn Liverpool? Họ dẫn điểm 2 lần, đều từ các tình huống cố định. Nghĩa là Liverpool cũng không có nhiều điều để nói về mặt lối chơi...

Hoặc nếu có, phải nói ngược lại: lối chơi mà Liverpool và Man City áp dụng trong trận đấu quan trọng hôm Chủ nhật đều không phát huy được hiệu quả như mong muốn của các HLV Brendan Rodgers và Roberto Mancini. Rõ ràng, trận đấu được quyết định chủ yếu bởi các tình huống ngẫu nhiên hoặc cố định hơn là bài bản đấu pháp. Vấn đề đặt ra là hai HLV Rodgers và Mancini liệu có phải suy nghĩ nhiều về lối chơi mà họ đã chọn?

Về mặt bản chất, Liverpool phải là một đội chơi thiên về thủ. Hồi Michael Owen và đồng đội thành công rực rỡ với 5 chiếc cúp liên tiếp trong vòng 7 tháng (năm 2001, kết cục là Owen trở thành ngôi sao gần đây nhất của bóng đá Anh đoạt “Quả bóng vàng châu Âu”), Liverpool phòng thủ vững chắc đến nỗi các đội có khả năng tấn công siêu việt như Barcelona cũng phải nản lòng.

Lúc Liverpool lọt vào chung kết Champions League 2 lần trong 3 mùa bóng (từ 2005 đến 2007), hàng thủ vững chắc cũng là nền tảng thành công. Cách chơi quá xem trọng việc chuyền để giữ bóng, với đội hình đứng cao hơn hẳn so với thường lệ, làm các cầu thủ Liverpool thi thố một cách khó khăn ở trận gặp Man City. Và liệu có nên kết nối việc hàng thủ không hoàn thành nhiệm vụ với chủ trương đẩy cao đội hình, chơi thiên về công, của Liverpool?


Với Man City, vấn đề hơi khác. HLV Mancini dùng lại đội hình 3-4-1-2 mà ông từng sử dụng ở trận tranh Community Shield (thắng Chelsea). Giới chuyên môn chỉ rõ: Man City luôn chơi mạch lạc, ăn ý hơn với sơ đồ 4-2-3-1. Thật ra, hành trình đến ngôi vô địch Premiership của Man City mùa trước là một hành trình khá linh động về đấu pháp, không dễ chỉ ra một sơ đồ chủ đạo nào. Nhưng xuyên suốt vẫn là một hàng thủ gồm 4 hậu vệ. Khi chơi với sơ đồ 3-4-1-2, Man City thường rơi vào thế “3 chọi 3” ngay trước khung thành của mình, và rõ ràng họ đã gặp nhiều khó khăn trong phòng ngự.

Có thể là sự tình cờ, khi đôi bên đều chấp nhận đánh bằng sở đoản. Liverpool mà chơi thiên về phòng thủ, hậu vệ đứng thấp, có khi đấy lại là điều nguy hiểm do hàng công đối phương gồm toàn những “hung thần” như Mario Balotelli, Tevez, Samir Nasri. Bên phía City cũng vậy. Tuy phải trải rộng hàng hậu vệ 3 người nhưng họ lại đảm bảo có đủ người ở khu giữa sân và lấn lướt ở biên (có khá nhiều thời điểm, Liverpool tỏ ra lúng túng, không biết phải chơi thế nào ở 2 biên). Cũng có thể, cả Rodgers lẫn Mancini đều muốn xem “kế hoạch B” của họ phát huy giá trị đến đâu trong một trận đấu thật sự quan trọng, trước một đối thủ đáng gờm. Suy cho cùng, đây chỉ mới là giai đoạn đầu mùa. Thể thức marathon gồm 38 vòng của Premiership cho phép người ta có một khoảng “sai số” nhất định mà vẫn có dịp sửa chữa trong trường hợp thua vì sai lầm.

“Kế hoạch B” của cả Liverpool lẫn Man City đều không trơn tru cho lắm. Nhưng đây là chỗ mấu chốt dẫn đến thành công. Các đội mạnh luôn có bản sắc riêng trong lối chơi sở trường, nhưng các đội thành công lại có khả năng chơi theo nhiều cách khác nhau, trong những hoàn cảnh khác nhau. Nói cách khác, cả Liverpool lẫn Man City đều sẽ không bỏ cách chơi mà họ vừa trình bày một cách chưa đặc sắc cho lắm. Chưa tốt thì họ sẽ cố làm cho tốt hơn!

Hàng thủ 3 người là “đặc sản Italia”
HLV Alberto Zaccheroni giữ “bằng phát minh” cho hàng phòng thủ gồm 3 hậu vệ. Thông thường, hễ có hậu vệ bị đuổi trong sơ đồ 4-4-2, người ta sẽ rút bớt 1 tiền đạo và đưa một hậu vệ khác vào sân, chơi theo sơ đồ dễ hình dung là 4-4-1.

Trong một trận đấu lúc còn dẫn dắt Udinese ở Serie A, Zaccheroni có 1 hậu vệ bị đuổi. Ông cứ… mặc kệ, chỉ điều chỉnh cách thủ sao cho 3 hậu vệ còn lại cáng đáng được công việc của hàng thủ 4 người. Thật bất ngờ: Udinese với sơ đồ 3-4-2 (sau khi mất người) chẳng những không thua mà còn thắng đậm ĐKVĐ Juventus 3-0.

Thế là ở trận kế tiếp, Zaccheroni giữ nguyên hàng thủ 3 người để tăng cường nhân sự cho hàng tiền đạo. Sơ đồ 3-4-3 ra đời từ đó. Sự nghiệp của Zaccheroni cũng “cất cánh” từ đó.

Cách chơi với 3 hậu vệ của Zaccheroni ngày càng thịnh hành ở Calcio, gồm cả đội tuyển Italia (hàng thủ gồm Maldini, Nesta, Cannavaro được xem là chắc nhất thế giới, cách đây vào khoảng chục năm). Bây giờ, vẫn còn rất nhiều đội bóng ở Serie A chơi với hàng thủ 3 người (3-4-3, 3-4-1-2 hoặc 3-4-2-1).

HLV Mancini là người Italia, hẳn ông cũng đã thấy rõ giá trị chuyên môn của cách chơi “đặc sản” trên quê hương mình. Giả sử Mancini áp dụng thành công cách chơi này trên nước Anh, quê hương bóng đá, đấy dĩ nhiên sẽ là nét riêng độc đáo. Thế nên, Mancini vẫn sẽ theo đuổi ý đồ chơi 3 hậu vệ?

Nguồn bongdaplus.vn