Bong da

Anh

Vũ khí hủy diệt đang dần bị lãng quên

Cập nhật: 27/01/2015 08:38 | 0

Vì sao bàn thắng được ghi từ cú sút phạt trực tiếp ngày càng trở nên khan hiếm ở Premier League? Và phải chăng, danh tiếng sút phạt của David Beckham hoặc Cristiano Ronaldo chỉ là hư cấu, qua bảng xếp hạng mới nhất về tài sút phạt mà báo chí Anh vừa công bố?

Vũ khí hủy diệt đang dần bị lãng quên
Vũ khí hủy diệt đang dần bị lãng quên
Bóng đá không phải là môn chơi của những con số. Nhưng trong bóng đá, số liệu thống kê có thể nói lên nhiều điều.

LARSSON LÀ CÂY SÚT PHẠT XUẤT SẮC SỐ 2 Ở PREMIER LEAGUE!
Sebastian Larsson (Sunderland) vừa ghi một bàn khá đẹp vào lưới Tottenham từ pha sút phạt trực tiếp trong vòng đấu vừa qua ở Premier League. Tiếc thay, bàn gỡ 1-1 của Larsson rút cuộc vẫn không thể cứu Sunderland thoát khỏi thất bại.
 
Còn gì để nói về cú sút phạt đẹp mắt của Larsson? Ít ai nghĩ rằng đây là một trong những chuyên gia sút phạt hàng đầu ở Premier League. Kỳ thực, anh chỉ đứng sau mỗi Juan Mata về tỷ lệ sút phạt thành bàn, và chỉ đứng sau Thierry Henry về số bàn thắng ghi được từ cú sút phạt trực tiếp. Đây là thống kê trên những cầu thủ đã có từ 5 cú sút phạt thành bàn trở lên tính từ mùa bóng 2001/02 đến nay ở Premier League.

Thêm 1 bàn nữa, Larsson sẽ bắt kịp Henry, trở thành cầu thủ ghi bàn từ pha sút phạt nhiều nhất ở Premier League trong vòng 14 mùa bóng (tính cả mùa này). Khổ nỗi, theo lý thuyết thì nếu gặp mọi hoàn cảnh thuận lợi, suốt từ nay đến cuối mùa, Larsson mới có thể ghi thêm đúng 1 bàn thắng từ pha sút phạt trực tiếp. Đây là một khía cạnh khác đáng lưu ý khi những thống kê xoay quanh quả sút phạt trực tiếp ở Premier League được đăng tải trên báo chí Anh trong những ngày qua.

Số liệu thống kê cho biết: chỉ có 246 pha sút phạt diễn ra trong suốt 22 vòng đấu vừa qua ở Premier League, nghĩa là bình quân chỉ có 1,12 cú sút phạt mỗi trận hay 0,56 quả phạt/đội/trận. Sunderland còn đá 16 trận, tức họ sẽ có thêm khoảng 9 quả phạt từ nay đến cuối mùa bóng. 


Nếu như trận nào Larsson cũng đá, và hễ Sunderland được hưởng quả phạt trực tiếp thì chỉ có mỗi Larsson thực hiện, khi ấy anh sẽ có thêm 1 bàn từ 9 quả phạt “trên lý thuyết” vừa nêu, bởi tỷ lệ sút phạt thành bàn tính tới thời điểm này của Larsson là 12,2%. Sao mà... ít thế?

QUẢ PHẠT HIẾM MUỘN NHƯ LÁ MÙA THU
Đây là mùa bóng đầu tiên Premier League sử dụng loại sơn xịt tự hủy, như sáng kiến của FIFA tại World Cup 2014, để đảm bảo khoảng cách 9m15 từ bóng đến hàng rào trong tình huống sút phạt trực tiếp. Đáng lẽ những cú sút phạt thành bàn phải tăng lên trong điều kiện thuận lợi này. 

Buồn thay, giống như sự bay hơi của sơn tự hủy, những quả sút phạt thành bàn trên sân cỏ Anh dường như cũng tan biến dần trong thời gian gần đây. Bàn thắng mà Larsson ghi cho Sunderland ở vòng 22 chỉ mới là bàn thắng thứ 15 được ghi từ tình huống sút phạt trực tiếp trong mùa bóng này. Tính theo tỷ lệ, mùa bóng có thể kết thúc chỉ với 26 pha sút phạt thành bàn.

Hơn chục năm nay, chưa bao giờ số bàn thắng ghi từ cú sút phạt ở Premier League lại thấp như vậy. Mùa trước đó 39 bàn. Nguyên nhân lớn nhất có thể là con số bình quân 1,12 quả phạt/trận như đã nêu trên (thấp nhất từ trước đến nay). Các hàng thủ bây giờ hiếm khi phạm lỗi ở khu vực mà đối phương có thể ghi bàn trực tiếp từ pha sút phạt.


Dù sao đi nữa, xét trên quy luật “khó người, khó ta”, vẫn phải thấy lạ khi Mata và Larsson là hai cái tên đứng đầu trong “Top 10” chuyên gia sút phạt ở Premier League, xét về tỷ lệ thành công. Chẳng lẽ David Beckham hoặc Cristiano Ronaldo chỉ có hư danh? Chẳng phải người ta đã từng làm phim và lấy tựa đề “sút phạt như Beckham”? Beckham còn được đứng ở vị trí số 4 trong khi Ronaldo thậm chí không lọt vào nổi “Top 10”!

NGHỆ THUẬT SÚT PHẠT ĐANG MAI MỘT DẦN
Thật ra, bảng xếp hạng mà chúng ta đang bàn chỉ tính từ mùa bóng 2001/02 đến nay. Beckham chỉ có 2 mùa bóng liên quan. Ronaldo thì chỉ góp mặt ở Premier League trong giai đoạn 2003/09. Mọi người đều biết, chủ nhân của “Quả Bóng Vàng FIFA 2014” hiện đã khác hẳn so với lúc anh còn khoác áo M.U, đặc biệt là kỹ thuật sút phạt của Ronaldo bây giờ khác trước rất nhiều.

Vấn đề đặt ra: khi Premier League không còn Beckham và Ronaldo thì bỗng dưng chẳng còn thấy ai đáng gọi là chuyên gia sút phạt nữa. Mười bốn mùa bóng là một giai đoạn khá dài, đủ để số liệu thống kê nói lên nhiều điều. Khi mà Larsson và Jimmy Floyd Hasselbaink chiếm 2 trong 3 vị trí cao nhất ở bảng xếp hạng thì đấy rõ ràng là một vấn đề. Premier League hiện không có “vua sút phạt”. 

Cũng cần nói thêm: Mata đang đứng đầu bảng. Nhưng 28 lần sút bóng và 5 bàn thắng của ­anh đều là những con số quá ít - đi ngược với nguyên tắc nghiên cứu qua số liệu thống kê.

Cách sút phạt rất xoáy của Beckham, hoặc kiểu sút thẳng vào giữa tâm bóng khiến thủ môn không thể phán đoán quỹ đạo của Ronaldo là những “tuyệt chiêu” làm nên nét riêng độc đáo cho các chuyên gia sút phạt này. Đấy mới là cái thiếu quan trọng, làm cho nghệ thuật sút phạt trên sân cỏ Anh tẻ nhạt hẳn trong thời gian gần đây. 

Premier League bây giờ hoàn toàn không có “nghệ sĩ sút phạt”, kiểu Beckham, Ronaldo ngày trước, Andrea Pirlo bên Italia hoặc Juninho ở Pháp ngày xưa nữa. Còn tỷ lệ thành công không cao hoặc số bàn thắng đến từ sút phạt quá ít chỉ là chuyện phụ.


Nhớ tác giả cú “lá vàng rơi”
Đâu là ngôi sao tấn công có đến 60% tổng số bàn thắng cho ĐTQG là những pha sút phạt trực tiếp? Gần như... không có, nếu chỉ xét trong số những người đã ghi từ 20 bàn trở lên. Và như thế, chúng ta hiểu thêm về sự vĩ đại của huyền thoại Didi (Brazil, vô địch World Cup 1958, 1962).

Giá trị đầu tiên của Didi là ông hoàn toàn làm chủ khu vực giữa sân, trong thời kỳ mà hàng tiền vệ chỉ có... 2 người (Brazil vô địch World Cup 1958 với sơ đồ 4-2-4, và với Didi là cầu thủ xuất sắc nhất giải). Ngoài ra, Didi còn được nhớ đến như một “nhà phát minh” trên sân cỏ. 


Ông là người đầu tiên nghĩ ra tuyệt chiêu sút phạt trực tiếp? Có thể tranh cãi. Nhưng chắc chắn ông là người đầu tiên đưa cú sút phạt trực tiếp lên hàng nghệ thuật. Trong số 20 bàn thắng mà Didi ghi cho đội tuyển Brazil, có đến 12 bàn là những cú sút phạt thành công.

Vào thời của Didi, quả bóng hãy còn rất xấu, chưa thể đá xoáy và căng như bây giờ. Didi phải chọn tầm sút, lực sút và điểm rơi thật khéo, sao cho bóng bay qua “hàng rào” nhưng khi tiếp cận khung thành thì lực sút gần như triệt tiêu hoàn toàn. Khi ấy, quỹ đạo thay đổi và bóng nhẹ nhàng lượn vào khung thành. Đấy chính là cú “lá vàng rơi” huyền thoại trong lịch sử bóng đá.


(báo bóng đá)