Vì sao cầu thủ Anh lại đắt?
* Tổng hợp tin chuyển nhượng ngày 2/8
* Cập nhật danh sách chuyển nhượng mùa Hè 2014
* Cập nhật danh sách chuyển nhượng mùa Hè 2014
Những gì xảy ra ở Liverpool những ngày cuối của kỳ chuyển nhượng mùa Đông 2011 tới giờ vẫn được xem là một ví dụ kinh điển, cho thấy sự điên rồ trong việc định giá một cầu thủ Anh. Năm đó, sau khi thu về 50 triệu bảng từ vụ bán Torres cho Chelsea, Liverpool đã quyết định tái đầu tư hết số tiền này vào hai chân sút mới, Andy Carroll từ Newcastle và Luis Suarez từ Ajax. Suarez có giá 22,8 triệu bảng, trong khi Carroll có giá tới 35 triệu. Thực tế đã chứng minh, tiền không hề tỉ lệ thuận với chất lượng.
Carroll chỉ là một trong số rất nhiều cầu thủ Anh được mua với giá “trên trời”. Chính Liverpool là một trong những đội bóng tốn nhiều tiền nhất cho các tài năng bản địa. Trước khi có Carroll, họ từng mua Andy Johnson với giá 17 triệu bảng; và chính trong mùa Hè 2011, tiếp tục đưa về ba cầu thủ Anh khác là Downing, Henderson và Charlie Adam với tổng chi phí lên tới gần 50 triệu bảng. Man City cũng tốn “một đống tiền” cho James Milner, Lescott, Sinclair và Rodwell. Trừ Johnson và Henderson, tất cả đều là những vụ đầu tư thất bại. Một số bị bán rẻ, số khác chấp nhận ngồi dự bị. Bản thân Johnson và Henderson cũng chưa chứng tỏ họ xứng đáng với phí chuyển nhượng khổng lồ.
Nhưng những bài học nhãn tiền ấy không thay đổi được xu hướng mua cầu thủ Anh với giá đắt. Mùa Hè này, Man United đã bỏ tới 30 triệu bảng để mua hậu vệ mới 19 tuổi Luke Shaw về Old Trafford. Liverpool thì tiếp tục đi lại con đường cũ với việc đầu tư 25 triệu bảng cho tiền vệ Adam Lallana. Arsenal cũng bỏ 16 triệu bảng để đưa về hậu vệ 19 tuổi Calum Chambers, đồng đội cũ của Shaw và Lallana ở Southampton. Và cơn sốt này sẽ còn tiếp tục, khi hai đại gia Man City và Chelsea đang phải gấp rút tìm những cầu thủ Anh có chất lượng để đáp ứng yêu cầu về số lượng cầu thủ “tự đào tạo” trong đội hình.
Có thể nói, chính yêu cầu về số lượng cầu thủ “tự đào tạo” đó, do FA đưa ra, là nguyên nhân dẫn tới việc giá của cầu thủ Anh tăng phi mã. FA buộc mỗi CLB phải đưa vào ít nhất 7 cầu thủ “home-grown” trong danh sách 25 người, nhưng lại tạo ra “kẽ hở” bằng cách mở rộng định nghĩa “home-grown”: Đó không nhất thiết là cầu thủ do chính CLB đào tạo, chỉ cần là cầu thủ từng trải qua ít nhất 3 năm ở một CLB bất kỳ thuộc Anh hoặc Xứ Wales trước độ tuổi 21. Trong khi các đội bóng nhỏ thường sử dụng chính “người nhà”, các đội bóng lớn không thể đưa bừa một cầu thủ trẻ vào đội 1. Họ phải sục sạo trên thị trường. Và vì có nhiều ông lớn làm điều đó, trong khi số cầu thủ “home-grown” giỏi không nhiều, giá tự nhiên được đẩy lên.
Về cơ bản, đây là chính sách tuyệt vời của FA. Nó khiến các đội bóng lớn phải chú ý vào công tác đào tạo trẻ nhiều hơn, trong khi những lò truyền thống như West Ham, Southampton thì hưởng lợi vì bán được cầu thủ với giá tốt. Và tất nhiên, về lâu dài, đội tuyển Anh cũng hưởng lợi. Nhưng mặt trái là nó gây nên những ảo tưởng. Những cầu thủ như Shaw có thể sẽ chẳng tìm thấy động lực để tiếp tục cố gắng, sau khi họ đã được gán những cái mác mỹ miều như “hậu vệ trái đắt giá nhất hành tinh”...