Bong da

Anh

Vấn đề của Arsenal là Vermaelen, hay Wenger?

Cập nhật: 04/11/2012 10:00 | 0

Sẽ có nhiều người nhận định rằng chính sai lầm của trung vệ Vermaelen là điểm nhấn quyết định trận M.U - Arsenal tối qua. Tuy nhiên, nếu nhìn rộng hơn, sai lầm của cầu thủ người Bỉ chỉ là hệ quả của một loạt những sai lầm khác, ở cấp cao hơn...

Vấn đề của Arsenal là Vermaelen, hay Wenger?
Vấn đề của Arsenal là Vermaelen, hay Wenger?

1. Một trận cầu với tỷ số 8-2 như mùa giải trước đã không được tái hiện. Nhưng đó không phải là điều đáng mừng, mà chỉ đáng buồn theo một hướng khác. Tỷ số càng ít chênh lệch, thì sai lầm kinh khủng của Thomas Vermaelen ngay phút thứ 3 giúp Van Persie mở tỷ số càng trở nên ám ảnh.

Sẽ có rất nhiều CĐV Arsenal đồng ý rằng chính trung vệ Bỉ mới là người đã quyết định trận đấu, chứ không phải Van Persie hay Rooney. Hàng phòng ngự của Pháo thủ, năm này qua năm khác, trận này qua trận khác, càng lúc càng rõ dáng hình của một thảm họa. Những sai lầm như trận đấu đêm qua, không chỉ có giá 3 điểm: ai cũng nhớ rằng những khoảnh khắc “tâm thần” ấy đã giết Arsenal khi họ chỉ còn cách Cúp Bạc một cái chạm tay, như ở chung kết League Cup 2011.

Cần phải có một thay đổi nào đó. Đơn cử, việc thay thế Vermaelen bằng Koscielny, điều đã được nói đến nhiều trong các bài phân tích (của giới chuyên môn Anh và của cả báo Bóng đá). Nhưng có vẻ sức nặng của chiếc băng đội trưởng và những bàn thắng đã giúp anh trụ lại, để rồi tạo ra những pha bóng mang tính phá hoại cao như thế. Hoặc đơn giản hơn, là sự bảo thủ của Wenger.


2. Thông tin BHL của Arsenal có mâu thuẫn đã xuất hiện từ tuần trước. Người ta biết rằng giữa ông Wenger và trợ lý Steve Bould có tranh cãi liên quan đến chiến thuật phòng ngự. Bould, trái tim của hàng phòng ngự Arsenal lừng lẫy một thời, muốn nhúng sâu vào chuyên môn để “làm điều gì đó”. Wenger không đồng ý.

Tới trước trận đấu này, thêm nhiều thông tin được hé lộ. HLV Wenger đã hạn chế tối đa thời gian làm việc cùng cầu thủ của trợ lý Bould. Không chỉ có một mâu thuẫn: những bất đồng về chuyên môn đã khiến Wenger và giám đốc lò đào tạo Liam Brady “không thèm nhìn mặt nhau”.

Liam Brady cũng là một đại công thần của Arsenal, người trong suốt 2 thập kỷ qua đã thiết kế hệ thống đào tạo tốt nhất Premier League và liên tục cung cấp cho Wenger những “hạt giống” quý giá để ông xây dựng đội hình. Thậm chí, khi Bruce Rioch từ chức năm 1996, chính Brady là ứng viên số 1 cho cương vị HLV trưởng Arsenal, nhưng từ chối, để sau đó Wenger được chọn.

16 năm làm việc, và bây giờ không nhìn mặt nhau, đó không phải loại mâu thuẫn tầm thường. Không phải bây giờ người ta mới biết Wenger bảo thủ. Ông nổi tiếng số 1 thế giới vì sự bảo thủ. Nhưng sự trì trệ thái quá của Arsenal giai đoạn này khiến người ta nghi ngờ những mặt trái của đức tính ấy.

Đã có cây viết Anh đặt vấn đề: không phải ngẫu nhiên mà các ngôi sao dứt áo rời Arsenal dễ dàng như thế. Arsenal ít đấu đá trong phòng thay đồ. Nhưng vì thế mà nghĩ về ông Wenger như một người cha hiền từ, được ai nấy yêu quý thì không phải.


3. Những hục hặc giữa Wenger, Bould và Brady liệu có thể là giọt nước tràn ly cho một giai đoạn kiệt quệ của Arsenal? Chỉ có ông chủ Mỹ mới có quyền quyết định.

Nhưng có một quy luật của bóng đá: một HLV, một lối đá hay rộng hơn là một triết lý chỉ phù hợp với đội bóng ở một giai đoạn. Không thể vì một HLV đã thành công trong quá khứ, ông phải là người được chọn trong tương lai.

CĐV đã chứng kiến quá nhiều huyền thoại bị đẩy ra đường ở nơi họ làm nên huyền thoại: Del Bosque (Real), Hitzfeld (Bayern), Benitez (Liverpool),…

Sự bảo thủ của Wenger đã giữ cho Arsenal một “sức khỏe” lành mạnh, một vị thế cao, một lối chơi đầy tính giải trí. Nhưng ông phải thay đổi, hoặc Arsenal phải đổi thay. Đặc biệt là khi họ cứ mãi “chết” theo cách ngớ ngẩn như thế này.

Nguồn bongdaplus.vn