Bong da

BONG-DA-ANH

"Tôi xin lỗi" - Ngôn ngữ của trái tim

Cập nhật: 25/02/2012 08:15 | 0

Carlos Tevez cuối cùng đã xin lỗi HLV Roberto Mancini. Sau bao tranh cãi, Luis Suarez cũng nói "I'm sorry" với Patrice Evra và Man United. Đằng sau những lời xin lỗi ấy có thật nhiều điều đáng suy ngẫm...




Nhà văn người Mỹ Kimberly Johnson từng kết luận: “Lời xin lỗi là thứ trang sức đẹp nhất mà bạn chỉ có thể mua bằng lòng tự trọng”. Đúng là chưa từng tồn tại một văn bản chính thức định nghĩa từ “xin lỗi”, nhưng như Kimberly ví von, phải chăng xin lỗi nên là ngôn ngữ của trái tim, chứ không phải khối óc?

1.
Tháng 7/2010, tạp chí danh tiếng Time cho đăng một bài báo gây chấn động: 10 lời xin lỗi làm thay đổi thế giới. Bài báo đăng nguyên văn những phút ăn năn rất cảm động của các nguyên thủ quốc gia, về những sự kiện từng khiến loài người phẫn nộ.

Dư luận thời điểm đó cảm nhận bài báo này theo 2 luồng suy nghĩ trái ngược. Người tỏ ra cảm thông, tha thứ. Một nữ nhà thơ người Mỹ thậm chí còn xúc động sáng tác 10 dòng thơ, trong đó có câu: “Xin lỗi không làm thay đổi quá khứ, nhưng nó mở rộng con đường tới tương lai”.

Nhưng những kẻ chống đối lại nghĩ khác. Vin vào chuyện Giáo hoàng John Paul II gửi lời xin lỗi thống thiết tới nhà bác học Galileo, đúng… 359 năm sau khi ông bị Vatican cầm tù vì tuyên bố “trái đất quay xung quanh mặt trời”, người ta cho rằng, hơn 3 thế kỷ dành cho một lời xin lỗi là điều phi lý. Một khái niệm kinh điển dành cho lời xin lỗi xuất hiện: Xin lỗi là ngôn ngữ của trái tim, chứ không phải khối óc.

2. Ngày 22/2/2012, Carlos Tevez gửi lời xin lỗi chính thức tới CLB Manchester City, đúng 5 tháng sau khi anh liên tiếp thực hiện những cuộc nổi loạn cả trên sân lẫn trong phòng thay đồ. Nguyên văn câu xin lỗi của Tevez rất chỉn chu như đã được một học giả nào đó soạn trước, chứ không phải lời nói từ trái tim anh: “Một cách chân thành và cởi mở, tôi xin lỗi…”.


Chỉ trong một thời gian rất ngắn, NHM Premier League liên tiếp được nghe 2 lời xin lỗi. Đầu tiên là Suarez xin lỗi dư luận vì đã từ chối bắt tay, tiếp sau đó đến lượt Tevez. 2 sự kiện, 2 lời xin lỗi. Nó khác nhau rất nhiều về diễn biến, nhưng đều tìm đến một cái đích chung: Sự tha thứ. Chợt nhớ câu “Lời xin lỗi có thể mở rộng con đường tới tương lai”. Rất cũ nhưng một lần nữa lại đúng.

Trung vệ Lescott (Man City) hào hứng nói: “Chúng tôi sẵn sàng chào mừng Tevez trở lại đội hình”. HLV Mancini cũng hỉ hả tuyên bố: “Mọi chuyện đã chấm dứt. Tevez có thể trở lại thi đấu trong khoảng 2-3 tuần nữa”.

Người ta lập tức đưa những phản ứng của Man City lên tầm “văn hóa tha thứ”, thậm chí coi sự ăn năn của Tevez hay Suarez là “một bước đột phá trong văn hóa ứng xử”.

3. Người Australia có một ngày lễ rất thú vị: Ngày quốc tế xin lỗi (26/5). Trong ngày này, người ta có thể xin lỗi về những hành động với mức độ nặng, nhẹ khác nhau, và được đối phương tha thứ.

Trong cuộc sống thường ngày với quá nhiều bon chen, con người thậm chí toan tính trong cả những lời xin lỗi lẽ ra nên là ngôn ngữ của riêng trái tim. Người Australia chọn ra chỉ một ngày trong năm để trái tim lên tiếng. Còn Tevez? Liệu sự ăn năn vừa qua của anh có nằm trong những toan tính của khối óc hay không?

Đứng ở góc nhìn xa hơn, liệu chuyện Suarez, Tevez, gây lỗi rồi xin lỗi tỉnh bơ, và nhanh chóng được dư luận chấp nhận, tha thứ, có tạo ra một thứ văn hóa lệch lạc mới hay không? Con người phải chăng không cần chịu trách nhiệm về hành vi của mình, mà chỉ cần một lời xin lỗi?

Một tờ báo Anh khẳng định, Suarez buộc phải xin lỗi dư luận vì áp lực từ… nhà tài trợ. Họ dọa sẽ cắt nguồn tiền nuôi sống Liverpool nếu ngôi sao người Uruguay bôi nhọ hình ảnh của Quỷ đỏ vùng Merseyside. Tương tự, Tevez buộc phải xin lỗi Mancini vì anh không còn lựa chọn nào khác. Có ai dám đảm bảo lời xin lỗi của Tevez xuất phát từ phút ăn năn thực sự?

XEM THÊM


Bongdaplus.vn