Bong da

Anh

Sống & chết

Cập nhật: 02/01/2015 09:19 | 0

Tình huống cố định là một đặc sản trong bóng đá Anh, nền bóng đá nổi tiếng với truyền thống tạt cánh đánh đầu. Trận đấu giữa Stoke và M.U tối qua có thể xem là… game of corners (trận đấu của những quả phạt góc) chứ không phải game of thrones (trò chơi vương quyền).

Sống & chết
Sống & chết
M.U không còn ở đỉnh cao nhất của bóng đá Anh. Họ không còn là “vương” nhưng vẫn có “quyền” của một đội bóng lớn. Dẫn chứng hùng hồn: trọng tài chính đứng sờ sờ ngay đó, thấy rõ mồn một tình huống Chris Smalling vung tay cản pha đánh đầu của “Sếu vườn” Peter Crouch. Phạt đền là cái chắc, chưa kể Smalling có thể bị nhận thẻ, nhưng rốt cuộc chẳng có tiếng còi nào cất lên. 

Sự bất công, dù muốn hay không, vẫn là đặc thù của mọi lĩnh vực trong cuộc sống, kể cả bóng đá. Nơi đâu cũng vậy, kẻ mạnh thường được ưu ái, còn kẻ yếu phải nỗ lực trên cả mức phi thường mới có thể hy vọng đánh bại đối thủ lớn hơn về mọi phương diện. 


Stoke là đội bóng Anh điển hình theo kiểu cũ, mạnh về thể lực, chơi đơn giản cứ lật cánh đánh đầu. Với Stoke, những pha bóng cố định là lẽ sống. M.U biết vậy, Stoke không cần che giấu bản năng, cả Premier League cũng biết thế nhưng quả là rất khó ngăn đội chủ sân Britannia ghi bàn từ sở trường. 

Ngay phút thứ 2 trận gặp M.U, Stoke đã ghi bàn từ một pha phạt góc. Những cầu thủ cao to chơi đầu tốt là điểm mạnh của Stoke, nhưng thật thú vị (chính xác là thật lạ lùng) khi Stoke cũng chính là đội để thủng lưới nhiều nhất từ tình huống cố định tại Premier League. Pha ghi bàn của Radamel Falcao tối qua là lần thứ 11 mùa này, Stoke thủng lưới từ một pha bóng chết.

Bóng thì chết nhưng người thì sống. Một pha treo bóng bổng vào vòng cấm địa, cầu thủ hai đội nhảy lên tranh chấp, bóng nảy tứ tung và nếu rơi vào tầm kiểm soát của đội tấn công thì bàn thắng rất dễ được ghi. Kịch bản “bóng chết” rồi đánh đầu có thể giúp Maldives làm thủng lưới Brazil, là cách dễ nhất để ghi bàn khi đã hết cách, và không chỉ là chiêu thức của kẻ yếu. 


M.U, phải nhờ tài săn bàn của Falcao trong một tình huống cố định, mới có thể gỡ 1-1 trong một trận đấu cực kỳ bế tắc đến nỗi phải mất hơn 17 phút, Quỷ đỏ mới có pha dứt điểm đầu tiên về khung thành Stoke. Đội chủ sân Britannia hẳn biết Falcao là chuyên gia chớp thời cơ (cả 3 bàn của anh cho M.U tại Premier League đều ở khoảng cách dưới 7m so với khung thành đối phương) nhưng vẫn không thể ngăn bàn thua. Vì sao?

Tình huống cố định là bài toán khó nhưng không hẳn chỉ là chuyện hên-xui trong bóng đá. HLV Sam Allardyce luôn huấn luyện những đội bóng mạnh về chơi bóng bổng trong tình huống bóng chết. Theo thống kê của Opta thì Allardyce đã nghiên cứu rất kỹ các pha bóng cố định, tìm hiểu quy luật chung nhất từ các cú tạt bóng, thói quen sắp xếp đội hình, khả năng bật nhảy và đánh đầu của từng cầu thủ đối phương.

Từ đó, Allardyce có sự chuẩn bị tốt nhất để phòng ngự trong tình huống cố định. Tương tự là trong tấn công. Nghĩa là, không có gì là không thể rèn luyện, chuẩn bị, nghiên cứu và thành công. Đó cũng là lý do vì sao Zidane ghi 2 bàn từ đánh đầu trong trận chung kết World Cup 2008, Materazzi có 1 bàn tương tự trong trận chung kết World Cup 2006. Cả hai đều từ tình huống cố định. 

VIDEO: Stoke City 1-1 Man Utd



Trong cái tĩnh của một tình huống đá phạt có cái động của con người, chiến thuật, trí óc. Xui cho Stoke và hên cho M.U khi trận đấu giữa họ hòa 1-1, chỉ vì Quỷ đỏ quá may còn Crouch quá xui (một pha đánh đầu dội khung thành, một pha khác bị Smalling và… trọng tài phá đám).          


(báo bóng đá)