Bong da

Anh

Premier League nên công bằng với “mầm non” bản địa

Cập nhật: 29/03/2013 15:05 | 0

Tài năng trẻ người Anh hầu hết đều “chết yểu” vì không phù hợp với chiến lược của CLB. Hoặc nếu có sống sót thì họ cũng chỉ có thể tỏa sáng ở các đội bóng vừa và nhỏ.

Premier League nên công bằng với “mầm non” bản địa
Premier League nên công bằng với “mầm non” bản địa

Những người làm bóng đá Anh luôn muốn tìm ra những Wayne Rooney, Steven Gerrard mới trong hàng ngàn cầu thủ “măng non” và theo thống kê, số tiền mà các đội bóng lớn đổ vào cuộc tìm kiếm “ngọc thô” ở xứ Sương mù lúc này đã lên tới 30 triệu bảng.

Các tuyển trạch viên thường nhắm các cậu bé ở đội tuổi từ 8-9 có năng khiếu bóng đá để nhận vào các học viện đào tạo trẻ. Số “sao nhí” này sẽ được sàng lọc kỹ và những ai trụ được đến năm 16 tuổi phần lớn đều được ký bản hợp đồng có thời hạn 2 năm nhằm tránh sự dòm ngó của các đối thủ.

Song điều này không đồng nghĩa với việc họ được đơn vị chủ quản để mắt đến. Rất nhiều tài năng trẻ ở Anh chết mòn trên ghế dự bị chỉ vì cái mác “cây nhà, lá vườn”, hòng đáp ứng được yêu cầu khắt khe nhưng cũng đầy lỗ hổng của UEFA.

Premier League đã thể hiện sự quan tâm đến thế hệ kế cận bằng việc chi ra 350 triệu bảng  cho Elite Player Performance Plan (EPPP), một chương trình hỗ trợ hệ thống đào tạo của các CLB được khởi động từ năm 1998.


Nước Anh vẫn mòn mỏi chờ những Gerrard, Rooney mới

Tiêu chí của EPPP là đào tạo ra nhiều “gà nhà” chất lượng, giống như các ngôi sao Rooney (một sản phầm của lò Everton) hay Gerrard (lò Liverpool). Họ sử dụng một mạng lưới bao gồm 120 HLV hàng đầu làm việc với 4500 cầu thủ nhí trong tổng số 96 CLB chuyên nghiệp.

Nhưng đào tạo và sử dụng là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau. Không ít đội bóng đã khai thác ra “ngọc thô” nhưng thành phẩm lại do các đội bóng danh tiếng hưởng. Đây chắc chắn sẽ trở thành đề tài được bàn cãi nhất trong thời gian tới, nhất là khi dự luật công bằng tài chính của UEFA được chính thức ban hành kể từ mùa giải 2013/14. West Ham và Aston Villa là 2 CLB mới đây đã phàn nàn về thực trạng đáng báo động này.

West Ham là một trong những CLB có truyền thống đào tạo trẻ. Không ít các sản phẩm của The Hammers đang chinh chiến tại những đội bóng hàng đầu ở Premier League, đồng thời là chủ nhân của vô số danh hiệu lớn nhỏ ở lục địa già.

Theo Tony Carr, HLV có thâm niên 30 năm trong công tác đào tạo trẻ, thì chương trình EPPP chỉ thành công nếu “gà nhà” có cơ hội thi đấu ở đội 1. Mà điều kiện này ngày càng khó xảy ra trong bóng đá hiện đại trước sự xâm lấn của các “mầm non” đến từ các quốc gia lân cận như Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ… Chưa kể, việc các CLB lớn đặt mục tiêu vô địch Premier League, Champions League dẫn đến tình trạng các cầu thủ trẻ cứ mòn mỏi nhìn những ngôi sao thành danh thi đấu mà không biết đến khi nào mới đến lượt mình.


Sturridge là một tài năng trẻ phiêu bạt từ City sang Chelsea và bây giờ là Liverpool

Điển hình là Arsenal, đội U18 và U21 của “Pháo thủ” có cả những cầu thủ mang quốc tịch Argentina, Macedonia, Thụy Sỹ, Tây Ban Nha và Đức. Tài năng trẻ người Anh gần như biệt tăm ở những đội bóng như thế này. Arsenal đều đặn cho ra mắt vài “mầm non” chơi được mỗi mùa, song người mang quốc tịch Anh gần nhất có lẽ chỉ có trường hợp của Jack Wilshere.

HLV Carr của học viện West Ham từng là thầy của rất nhiều danh thủ hiện nay như Frank Lampard (Chelsea), Rio Ferdinand, Michael Carrick (M.U), Jermain Defoe (Tottenham)… khẳng định, các đội bóng lúc này dễ dàng đáp ứng đòi hỏi về lượng cầu thủ “cây nhà, lá vườn” theo đòi hỏi của UEFA.

“Bạn có thể mang về một cầu thủ 15 tuổi người Tây Ban Nha, cho gia nhập hệ thống đào tạo trẻ trong vòng 3 năm và cậu ta sẽ được coi là sản phẩm của bạn. Có một chút gian dối ở đây, nhưng West Ham không bao giờ nằm trong nhóm như vậy”, Carr quả quyết.

Các đại gia có sở thích “hút máu” chỉ mất một khoản tiền khá nhỏ để đền bù cho các nạn nhân. Đó là những đội bóng mất “măng non” sẽ nhận được khoản tiền 150.000 bảng/10 trận trong trường hợp cầu thủ đó được ra sân ở đội 1.

Bên cạnh đó, số lượng cầu thủ ngoại đang thi đấu tại Anh ngày một tăng cao cũng được xem là một vấn đề nan giải (62%). Con số này ở các giải đấu khác, điển hình như La Liga là thấp hơn rất nhiều (dưới 40%).   

Các CLB Anh nên nhìn lò La Masia của Barca để học hỏi. Đội bóng xứ Catalunya đã đẩy mạnh công tác đào tạo trẻ được 35 năm, nhưng họ mới chỉ nhận lại thành quả trong vài năm trở lại đây. Thứ mà những người làm bóng đá Anh còn thiếu là đức tính kiên nhẫn. Chỉ có kiên nhẫn, cùng với thái độ bớt khắt khe với tài năng nội địa mới có thể giúp nền bóng đá xứ Sương mù sản sinh thêm những Rooney và Gerrard mới. 

Nguồn bongdaplus.vn