Premier League lập kỷ lục về doanh thu
Đáng chú ý, có tới 569 triệu trong tổng số 735 triệu bảng (chiếm 78%) tăng thêm nói trên là nguồn thu từ bản quyền truyền hình. Đây là kỷ lục về doanh thu trong một mùa giải ở giải đấu số 1 xứ sương mù.
Cụ thể hơn, riêng doanh thu từ truyền thình của Premier League mùa 2013/14 là 1,76 tỷ bảng, nhiều hơn 125 triệu bảng so với tổng doanh thu trên mọi lĩnh vực của La Liga, hơn Serie A và Ligue 1 lần lượt 297 và 445 triệu bảng. Cũng theo Deloitte thì 15/20 CLB ở Premier League mùa 2013/14 làm ăn có lãi.
Cardiff, đội bóng phải xuống hạng mùa 2013/14 nhưng vẫn kiếm được 58 triệu bảng tiền bản quyền truyền hình, còn nhiều hơn 2 đội bóng hàng đầu châu Âu là Bayern Munich (26 triệu bảng) hay Atletico Madrid (30 triệu bảng). Qua đó, Premier League tiếp tục khẳng định vị thế giải đấu giàu có nhất thế giới, bỏ xa Bundesliga đứng thứ 2 tới hơn 1 tỷ bảng. Và người Anh sẽ càng giàu hơn nữa khi họ mới ký hợp đồng bản quyền truyền hình với BT Sport và Sky Sports với giá 5,5 tỷ bảng trong vòng 3 năm (từ 2016-2019).
M.U lãi ròng 117 triệu bảng sau mùa 2013/14
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực về kinh tế thì Deloitte cũng chỉ ra những vấn đề của Premier League. Đó là việc họ tốn quá nhiều tiền để trả lương các ngôi sao. Mùa 2013/14, 20 đội bóng ở Premier League đã chi tới 1,9 tỷ bảng để trả lương, tức chiếm tới 59% tổng doanh thu. Trong đó, 2 đội bóng thành Manchester là Man City và M.U dẫn đầu về trả lương cầu thủ. Deloitte cho rằng về lâu dài, Premier League phải hạn chế quỹ lương ngày một phình to của giải đấu.
Với riêng từng CLB, M.U tiếp tục là đội bóng làm ăn hiệu quả nhất. Theo Deloitte, mùa 2013/14 bất chấp thành tích tồi tệ thì M.U vẫn kiếm được tổng cộng 433,2 triệu bảng và thu lãi kỷ lục lên tới 117 triệu bảng. Xếp sau M.U về lợi nhuận là Tottenham với gần 100 triệu bảng.