Premier League bước vào mùa “thay máu”
Thân Hoa Thượng Hải đón nhận Drogba, sau Anelka, với niềm hân hoan tột độ khi có được món hàng rất hời. Song, thử hỏi với độ tuổi của Drogba (34), liệu Chelsea có thể sử dụng anh thêm được bao lâu nữa đây?
Sự đào thải của thời gian rất ác nghiệt và những người như Drogba phải tìm tới bến đỗ mà sự đào thải chưa thể đụng tới họ. Thân hoa Thượng Hải là địa chỉ như thế, nơi mà Voi rừng vẫn có thể tiếp tục là ngôi sao lớn.
Người cũng để lại tiếc nuối tương đối nhiều cho các CĐV là Dirk Kuyt. Gắn bó với Liverpool đã lâu, chinh chiến cũng đã dạn dày, ngày ra đi với Kuyt cũng là tất yếu. Và như Drogba, anh kiếm đến một nền bóng đá nhỏ hơn, Fenerbahce của Thổ Nhĩ Kỳ, ở một mức giá “bèo” là 1 triệu bảng. Ở đó, Kuyt vẫn còn hiệu dụng và những CLB TNK lại không có “tiền tấn” như Premier League để có thể mua những ngôi sao đương thời. Lựa chọn mang tên Kuyt với họ là hợp lý, vừa tầm và đảm bảo chất lượng ở đẳng cấp cao.
Còn nhiều cái tên nữa sẽ phải ra đi như Malouda, Berbatov, Ferreira… và điều đó hứa hẹn một mùa Hè mà nhiều CLB nhỏ hơn sẽ được “hứng” hàng khủng của Premier League. Và cũng tồn tại một tất nhiên khác, Premier League sẽ phải kiếm tìm những ngôi sao mới cho mình, hoặc những cầu thủ đủ tầm và niềm tin để thành ngôi sao trong tương lai. Có thể nói, đây chính là giai đoạn “thay máu” lớn nhất của Premier League khi đồng loạt cả Liverpool, Chelsea, M.U cùng quyết tâm cải tổ lại nhân sự của mình nhằm hướng đến khát vọng chinh phục. Sự thay đổi ấy sẽ yêu cầu họ tiêu tốn nhiều tiền đầu tư vì tiền bán cầu thủ rẻ mạt, không đủ bù đắp tiền mua những hy vọng mới. Song, không phải là họ không có lợi từ chính những vụ bán “hàng già” giá rẻ ấy…
Hãy thử lấy một ví dụ điển hình nhất là vụ Drogba sang Thân Hoa Thượng Hải sau trường hợp của Anelka. Thật ra, Chelsea có lợi ở thương vụ đó. Những CĐV của Thân Hoa Thượng Hải, sẽ từ sự ngẫu nhiên mà bắt đầu quan tâm, thậm chí yêu thích Chelsea hơn. Các cầu thủ hàng thải của Chelsea vô tình đã trở thành một dạng đại sứ thương hiệu cho CLB áo xanh thành London tại địa chỉ mới của mình. Thị trường Đông Á của Chelsea sẽ được mở rộng hơn từ đó. Cái lợi ấy, tất nhiên hơn hẳn cái lợi để Anelka hay Drogba đến với CLB tầm trung bình yếu của Premier League hay của Ligue 1.
Cuộc “thay máu” sau một thời gian dài ổn định là lẽ tất nhiên bởi con người ta không phải là máy móc mà có thể giữ vững được thể chất mãi mãi. Và khi thanh lý, chắc chắn món hàng rẻ mạt lại trở nên có giá trị sử dụng cao hơn ở một thị trường thấp cấp hơn giống như chuyện các nước nghèo vẫn nhập máy móc, xe cộ cũ kỹ đã qua sử dụng của các nước phát triển vậy. Đó chính là một quy luật rất chung.