Bong da

Anh

Premier League 2014/15: Bóng đá thực dụng lên ngôi

Cập nhật: 28/05/2015 10:38 | 0

Việc Chelsea đoạt chức vô địch mùa này sẽ cổ vũ cho lối chơi thực dụng tại Premier League. Nhưng ngay cả bỏ qua trường hợp Chelsea, phần còn lại cũng đang hướng đến bóng đá thực dụng như chìa khóa của thành công.

Premier League 2014/15: Bóng đá thực dụng lên ngôi
Premier League 2014/15: Bóng đá thực dụng lên ngôi
ÍT BÀN THẮNG, NHIỀU PHẠM LỖI
Còn nhớ mùa 2013/14 là mùa giải của bóng đá tấn công. Đó là lần đầu tiên kể từ mùa 1960/61, giải đấu cao nhất nước Anh kết thúc mà có 2 đội bóng chạm mốc 100 bàn (Man City, Liverpool). Cuộc đua khốc liệt giữa Man City và Liverpool càng thêm phần hấp dẫn bởi lối chơi giàu sức tấn công của hai đội. 

Nhưng năm nay, tư tưởng tấn công tới cùng đã biến mất để nhường chỗ cho sự thực dụng. Chelsea vô địch bằng phong cách truyền thống của Mourinho. Arsenal nổi tiếng đá đẹp giờ cũng bắt đầu thu mình vào sự chặt chẽ. Man City, Liverpool không còn tái hiện bộ mặt hào sảng như trước, và Southampton bất ngờ leo cao bằng thứ bóng đá lấy phòng ngự làm đầu.

Khi bóng đá thực dụng trở thành xu thế, cái đẹp (đại diện là bàn thắng) dần biến mất còn cái xấu (biểu hiện ở phạm lỗi) lại được dịp lên ngôi. Với 975 bàn thắng, Premier League 2014/15 là mùa giải ít bàn thắng nhất trong 6 năm qua kể từ mùa 2008/09 (942 bàn thắng). Liverpool tiêu biểu cho sự trượt dốc của bóng đá tấn công khi chỉ có 52 bàn, một nửa so với mùa 2013/14 (101 bàn). 

Trong khi bàn thắng trở nên khan hiếm thì thẻ phạt lại như “mưa rào”. Có tổng cộng 1390 thẻ vàng được rút ra ở mùa giải này, cao nhất trong vòng 15 năm qua kể từ mùa 1998/99 (1402 thẻ vàng). Thẻ đỏ cũng lập kỷ lục với 71 lần cầu thủ bị truất quyền thi đấu, cao nhất trong vòng 9 năm qua kể từ mùa 2005/06 (cũng 71 thẻ đỏ).


VÌ SAO BÓNG ĐÁ THỰC DỤNG LÊN NGÔI?
Không ai muốn trận đấu bị “băm nát” bởi các pha phạm lỗi, các thẻ phạt. Không ai muốn bàn thắng trở nên khan hiếm như mùa giải này. Nhưng vì sao các đội bóng vẫn chạy theo thứ bóng đá thực dụng hoặc không còn phô diễn lối chơi tấn công đẹp mắt? Áp lực thành tích là nguyên nhân chung, nhưng ở mỗi đội đều có hoàn cảnh riêng không ai giống ai.

Ở một đội bóng được dẫn dắt bởi Mourinho, thật dễ hiểu khi Chelsea là biểu tượng cho lối chơi thực dụng. Nhưng người hàng xóm Arsenal lại cho thấy sự chuyển dịch về mặt tư tưởng. Wenger đã bắt đầu từ bỏ tham vọng kiểm soát bóng để phục vụ tính hiệu quả của lối chơi. Và việc ông phát hiện ra một Coquelin càn quét tuyệt hay ở giữa sân càng giúp Arsenal trở nên cứng cỏi đặc biệt trong các trận đại chiến. Bộ mặt thực dụng mới mẻ của Arsenal từng giúp họ vượt qua các ông lớn M.U, Dortmund hay Man City bất luận cầm bóng ít hơn.

Man City, Liverpool từng là đại diện tiêu biểu của phe “bóng đá tấn công” mùa trước. Nhưng mùa này, những vấn đề lực lượng kéo theo phong độ sa sút của hai đại gia này. Đội hình già cỗi của Man City không còn áp đảo các đối thủ như trước. Trong khi đó, Liverpool khủng hoảng hàng công vì mất Luis Suarez và “mua nhầm” Balotelli. 

Tất nhiên, thực dụng hay tấn công cũng chỉ mang ý nghĩa tương đối. Mỗi đội bóng đều có sự thay đổi thích nghi với từng trận đấu, từng hoàn cảnh. Nhưng rõ ràng đây là giai đoạn mà các ông lớn Premier League đều chơi thận trọng hơn, cố gắng giải quyết từng trận một thay vì chạy theo một triết lý cao siêu nào đó. M.U của Van Gaal đang phải làm lại theo cách này. 



(báo bóng đá)