Bong da

BONG-DA-ANH

Paul Scholes tái xuất: Giá trị của cái tên

Cập nhật: 10/01/2012 14:15 | 0

Paul Scholes đã xỏ giày ra sân sau 8 tháng kể từ khi chính thức tuyên bố giải nghệ. Trước anh, thế giới bóng đá đã hơn một lần chứng kiến những danh thủ “nuốt lời” như thế. Và những sự trở lại ấy, thường có ý nghĩa tinh thần nhiều hơn là chuyên môn.




Bây giờ, có thể New York Cosmos chỉ là một CLB hạng Nhì của Mỹ. Nhưng ở thập kỷ 70 và 80 của thế kỷ trước, CLB ấy lại là biểu tượng cho sự trỗi dậy của môn thể thao mang tên “soccer” trên đất Mỹ. Và để làm việc đó, họ có một phương thức kỳ lạ: mời những siêu sao hàng đầu thế giới đã nghỉ hưu tiếp tục quay lại chơi bóng.

Pele là người đầu tiên bị NY Cosmos “cám dỗ”. Năm 1972, Pele nghỉ hưu một cách không chính thức: ông quyết định không chơi bóng nữa, nhưng thỉnh thoảng vẫn mặc trang phục thi đấu của Santos và ngồi dự bị trong một vài trận đấu chính thức. Tới năm 1974, Pele nghỉ hẳn. Thế mà đến năm 1975, chủ tịch Clive Toye, người đã theo đuổi Vua bóng đá nhiều năm lại thuyết phục được danh thủ 35 tuổi này quay trở lại. Sự năn nỉ không biết mệt mỏi (và theo lời đồn, rất nhiều tiền) của NY Cosmos đã khiến Pele ký hợp đồng 1 mùa giải với CLB Mỹ. Một mùa, rồi lại một mùa nữa, cái tặc lưỡi của Pele khiến ông chơi bóng tại Mỹ tới 3 mùa giải, với 64 lần ra sân và 37 bàn thắng, giúp NY Cosmos giành chức vô địch Bắc Mỹ năm 1977.

Sau áp phe nổi tiếng với Pele, tới năm 1983, NY Cosmos lại thực hiện chiêu bài tương tự với một cầu thủ vĩ đại khác: Franz Beckenbauer. Ngay sau khi “Vua” Pele chính thức giải nghệ năm 1977, chủ tịch Clive Toye đã thay thế ông bằng Hoàng Đế của bóng đá Đức (khi đó mới 32 tuổi). Nhưng sau 4 mùa giải chơi cho Cosmos, libero huyền thoại đã trở về Đức đá cho Hamburg thêm 2 năm, rồi tuyên bố giải nghệ. Lại một lần nữa, đội bóng Mỹ xuất hiện, kéo ông ra khỏi kỳ nghỉ hưu vào năm 1983, để chơi bóng cho họ thêm một mùa giải.

Beckenbauer và Pele, ở đẳng cấp của mình, cũng đã đóng góp rất nhiều về mặt chuyên môn cho Cosmos và đưa họ đến những chức vô địch. Nhưng sự xuất hiện của họ trên đất Mỹ không thể cải biến trình độ của cả một nền bóng đá. Đó là những sự xuất hiện mang nhiều tác động tâm lý: sự trở lại của Beckenbauer và Pele khiến cho nước Mỹ chú ý đến bóng đá nhiều hơn, thế giới quan tâm đến bóng đá Mỹ nhiều hơn. Cũng phải từ thời điểm đó, bóng đá chuyên nghiệp  Mỹ mới thực sự trỗi dậy để rồi trở thành một cường quốc như hiện nay.

Một huyền thoại khác của bóng đá Brazil, tiền đạo Romario cũng tạm gạt quyết định giải nghệ sang một bên năm 2009. Một năm trước đó, anh đã tổ chức họp báo để tuyên bố quyết định nghỉ hưu. Nhưng ngày 25/11/2009, Romario lại xỏ giày ra sân để thi đấu cho America, CLB anh đang làm việc trong BHL. Lý do là Romario muốn hoàn thành ước nguyện của người cha quá cố, luôn muốn được nhìn thấy con trai thi đấu cho CLB ông yêu thích.

Nếu Beckenbauer và Pele đã trở lại để “động viên” bóng đá Mỹ, thì rất có thể Paul Scholes cũng đã xỏ giày trở lại để động viên đội hình đang gặp nhiều vấn đề tâm lý của M.U. Và cả CĐV, những người đã vô cùng phấn khích trước sự có mặt của anh. Biết đâu, đây lại chẳng phải là một chiêu bài tâm lý của Alex Ferguson?
Trong những lần trở lại, giá trị của cái tên họ đeo trên lưng, sức mạnh tinh thần họ có thể chuyển tải với sự nghiệp lừng lẫy của mình, luôn quan trọng hơn những đường chuyền hay cú sút.

Bongdaplus.vn