Chẳng có chút không khí bóng đá nào xung quanh SVĐ hùng vĩ Old Trafford vào thời gian này, khi các giải đấu đã kết thúc và cầu thủ ai về nhà nấy, nhưng trong lòng của nó vẫn khá ồn ào. Người ta tính rằng, cứ 15 phút lại có một đoàn khách du lịch (đủ mọi tầng lớp, lứa tuổi và không phân biệt quốc tịch) đến thăm lâu đài Old Trafford, sờ vào những nhân chứng - vật chứng lịch sử và chụp hình với 4 khán đài hùng vĩ. Nên nhớ là giá vé vào cổng là không rẻ chút nào (trên dưới 20 bảng Anh/người, tùy lứa tuổi và thể loại tour - PV).
Vậy khách tham quan cần gì và tìm gì ở Old Trafford khiến họ vui vẻ móc ví?! Ngoài cái tên Manchester United đã là một thương hiệu quá lớn, phần cơ bản đó phải là cung cách làm bóng đá chuyên nghiệp hái ra tiền. Old Trafford thực sự là viện bảo tảng của M.U và tại đây, du khách được hướng dẫn viên đọc lại lịch sử đội bóng.
Phóng viên TT&VH tại sân Old Tralford
Để đáp ứng số lượng quá lớn và quá dày (về mật độ) khách tham quan như thế, luôn túc trực khoảng 30 hướng dẫn viên làm việc liên tục ở đại bản doanh đội bóng. Nghe ngỡ như chuyện đùa.
Giá vé vào cổng là một chuyện, việc kinh doanh áo đấu, bán đồ lưu niệm ở tầng hầm khu United Store mới thực sự phát đạt. Hầu như bất cứ ai đến đây lúc ra về cũng đều muốn mang theo vật phẩm nào đó liên quan đến M.U. Lại phải nói thêm là giá cả cũng không rẻ chút nào: 35 bảng Anh/chiếc áo T-shirt in chữ Manchester United sau lưng và chừng 50 bảng Anh/chiếc áo đấu, thậm chí ngay một chiếc móc khóa cũng đến 3, 4 bảng… Ở đây người ta cũng kinh doanh luôn hình ảnh cầu thủ, với giá ghi rất rõ ràng trên bảng cho một tấm hình chụp chung với thần tượng.
Bóng đá không những nuôi được cơ thể mình, mà thậm chí còn sinh lời. Chả thế mà M.U kể từ khi những tỷ phú người Mỹ mua lại với giá hơn 500 triệu bảng Anh cách đây chừng gần một thập niên, giờ có giá niêm yết đến 2 tỷ bảng?! Tại Anh, bất cứ đội bóng nào cũng có cung cách kinh doanh như M.U, tất nhiên tùy thuộc vào tầm vóc CLB và quy mô của hệ thống.
Từ Old Trafford, chúng tôi ghé thăm Etihad (với City Store, nơi bán các sản phẩm của CLB Manchester City), rồi Anfield ở Liverpool…, du khách cứ gọi là nườm nượp.
Đúng là mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng cái hay, cái tốt tại sao chúng ta học mãi mà không thuộc nhỉ?! Chúng ta thiếu các giá trị truyền thống (các CLB cứ thay tên đổi chủ liên tục, thậm chí xóa sổ) hay thiếu một cách làm bóng đá thực sự khoa học, có căn cơ?! Có lẽ là thiếu tất cả.
Nguồn thethaovanhoa