Ngu thắng khôn
Jose Mourinho, HLV của Chelsea, từng nhận mình là “thằng ngu” khi chỉ trích West Ham của HLV Sam Allardyce trong mùa vừa qua đã “chơi thứ bóng đá của thế kỷ thứ 19” khi gặp Chelsea.
Nigel Pearson, HLV của Leicester City, tự cho rằng mình khôn ngoan nên đã dùng 3 từ ngớ ngẩn, điên rồ, ngu khi trả lời những câu hỏi của phóng viên Ian Baker sau khi đội bóng của ông thua Chelsea.
Cuộc đối đầu giữa Pearson và Mourinho một lần nữa khẳng định vì sao HLV của Chelsea là nhà cầm quân hay nhất Premier League hiện nay. Hơn nữa, có thể nói rằng Mourinho vượt hẳn phần còn lại (các HLV của 19 CLB còn lại) của Premier League về tài huấn luyện, dù trong đó có những cái tên lừng danh như Arsene Wenger. Nên nhớ, Wenger chưa bao giờ thắng được Mourinho trong 13 lần đối đầu. Chúng ta đã biết Wenger là một HLV xuất sắc như thế nào, với rất nhiều chiến công lừng lẫy ở Arsenal. Nhưng, vì sao Wenger mong ước dù chỉ 1 lần được thắng Mourinho song cũng không thể toại nguyện?
Câu trả lời là đối đầu với Mourinho, không chỉ cần năng lực chuyên môn, mà còn cần hơn nữa là năng lực về tinh thần, tâm lý, sự thông tuệ. Đó chính là sự khác biệt tưởng như không quá đáng kể nhưng sự thật là khác biệt một trời một vực khi chúng ta so sánh Rafael Nadal và Richard Gasquet. Hai tay vợt này cùng tuổi, Gasquet thậm chí nổi lên trước Nadal với kỳ tích thắng tay vợt số 1 thế giới (đồng thời là tay vợt nam vĩ đại nhất trong lịch sử) Roger Federer ở tứ kết Monte Carlo Masters năm 2005. Nhưng, khi vào bán kết Gasquet đã thua Nadal.
Về tài năng và sự toàn diện về mặt kỹ thuật, ở bước khởi đầu Gasquet thậm chí còn được đánh giá cao hơn Nadal.
Nhưng, rõ ràng Nadal khôn hơn Gasquet, nên trong khi một người đã giành được 65 danh hiệu (trong đó có 14 Grand Slam, chỉ kém mỗi Federer và hơn hẳn Sampras, Jimmy Connors, Bjorn Borg…), còn người kia thậm chí chưa bao giờ vô địch Masters 1.000 và tất nhiên cũng chưa bao giờ vào chung kết Grand Slam.
Thể thao đỉnh cao nói chung ở mọi môn, trước nhất là cuộc chiến tâm lý. Nadal hay Mourinho hiếm khi làm chuyện ngu ngốc và cũng chẳng dùng từ “ngu” khi nói về người khác. Còn Gasquet và Pearson? Hoàn toàn ngược lại. Gasquet từng bị cấm thi đấu có dùng chất kích thích, chỉ vì một nụ hôn không rõ lai lịch trong một quán bar.
Thế Pearson thì sao? Từ “ngu” là điều tối kỵ khi dùng nói về người khác, từ ấy “nặng” hơn rất nhiều so với các từ ngớ ngẩn và điên rồ, cũng là những từ không nên dùng, trừ khi dùng nó cho… chính mình, như Mourinho hoặc như Luiz Felipe Scolari, lúc Big Phil còn dẫn dắt tuyển BĐN ông đã nói: “Tôi là thằng ngu khi công khai yêu cầu các cầu thủ bằng mọi giá phạm lỗi với cầu thủ đối phương thậm chí ngay trên phần sân đối phương nếu thấy đội nhà có nguy cơ bị thủng lưới”.
Những người “ngu” như Scolari, Mourinho trong suốt sự nghiệp lừng lẫy của họ đã thắng rất nhiều kẻ “khôn” như Pearson. Leicester City nếu rớt hạng sau mùa giải này có lẽ sẽ rất ân hận vì tin lầm một HLV như Pearson. Đúng như ông này đã nói, Premier League vô cùng khốc liệt nên càng tỉnh táo lại càng có lợi. Hãy học bài học từ Mourinho, khi HLV của Chelsea nói về West Ham của Allardyce: “Tôi hiểu với một đội muốn trụ hạng thì từng điểm có được đều quý hơn vàng. West Ham đã câu giờ khi trận đấu mới có 2 phút, thế mới là khôn ngoan”. Còn Leicester của Pearson? Dẫn Chelsea 1-0 sau hiệp 1, thua chung cuộc 1-3. Gieo gì, gặt nấy!