Bong da

Anh

M.U cần “số 9”, không cần “số 10”

Cập nhật: 06/10/2014 11:38 | 0

Trong một mùa giải khó khăn với rất nhiều nhược điểm mà nổi bật là hàng phòng ngự chơi cực tồi, ít nhất M.U cũng có điểm mạnh khiến các đối thủ nể sợ: Tài ghi bàn của các “số 9”.

M.U cần “số 9”, không cần “số 10”
M.U cần “số 9”, không cần “số 10”
“SỐ 9” LẤN ÁT “SỐ 10”
Đối đầu Everton tối qua, M.U thiếu cầu thủ khoác áo số 10 là thủ quân Wayne Rooney do án treo giò. HLV Louis van Gaal tung vào sân 4 ngôi sao tấn công gồm Radamel Falcao, Di Maria, Juan Mata, Robin van Persie. Trong số này, Falcao và Di Maria đã lập công. Bàn thắng từ pha “nối bóng” nhanh như điện của Falcao trong vòng cấm địa Everton là phẩm chất tiêu biểu của một “số 9”: Nhanh, nhạy cảm, chính xác, ghi những bàn thắng quyết định. Thật trùng hợp, Falcao chính là người khoác áo số 9 của M.U. 
 
M.U từ thời Alex Ferguson đến nay luôn có những “số 9” xuất sắc, trong đó có hai người lại thích mặc áo số 10 là Ruud van Nistelrooy và Wayne Rooney. Những cầu thủ từng khoác áo số 9 của M.U như Dimitar Berbatov lại là nỗi thất vọng lớn, còn Louis Saha thực chất không xứng tầm chơi cho Red Devils. 
 
 
Thời cực thịnh đoạt “cú ăn ba” năm 1999, M.U  cũng không có “số 10” thực sự, tức nhà kiến thiết trận đấu tài ba. Bộ tứ tiền vệ David Beckham - Paul Scholes - Ryan Giggs - Roy Keane chính là sự tổng hợp của một “số 10” về khía cạnh tổ chức trận đấu. Nhưng cặp tiền đạo Andy Cole - Dwight Yorke thì đích thực là những “số 9” cực kỳ xuất sắc. 
 
M.U sau đó có Cristiano Ronaldo nổi lên giành Quả bóng vàng châu Âu 2008. Nhưng CR7 thực tế là cây săn bàn, chứ không phải nhạc trưởng, dù anh là niềm cảm hứng lớn nhất trong lối chơi của M.U. Quỷ đỏ do Alex Ferguson xây dựng không thích những “nhạc trưởng” kiểu đó, vì thế Zidane, Ronaldinho hay Rui Costa không đến Old Trafford. 
 
Bù lại, M.U luôn có những “số 9” cực kỳ xuất sắc. Bây giờ cũng thế!
 
CÁC “SỐ 9” BÙ ĐẮP HÀNG THỦ 
M.U dưới thời Van Gaal chưa làm được đúng ý HLV này, tức là áp đặt lối chơi, kiểm soát bóng nhiều. Red Devils trong giai đoạn dò dẫm để thích ứng triết lý bóng đá của Van Gaal tạm thời vẫn chỉ chơi phản công là chính, tận dụng các đường chuyền dài bỏ qua tuyến tiền vệ. Còn ở phía trên, các “số 9”, đúng hơn là những cầu thủ tấn công có khả năng độc lập tác chiến tốt, sẽ tự biết cách xoay xở 
Juan Mata chuyền cho Di Maria mở tỷ số trận M.U - Everton. Di Maria lại chính là người kiến tạo để Falcao ghi bàn thứ hai, giải tỏa áp lực cực lớn cho đội chủ sân Old Trafford sau khi Everton gỡ hòa và có một pha sút phạt đền không thành công. 
 
M.U đã, đang và sẽ “sống” nhờ hơi thở của các “số 9”. Rooney, Falcao, Di Maria, Mata, Van Persie sẽ phải chơi hay và ghi nhiều bàn thắng để bù đắp hàng thủ kém. Đơn giản thế thôi, hãy quên các chiến thuật rắc rối của Van Gaal đi!
 
Di Maria cứ sút là thành... kiến tạo


Chỉ sau 5 trận ở Premier League, Di Maria đã đóng góp tới 6 bàn thắng cho M.U, tương đương 50% số bàn thắng mà Quỷ đỏ ghi được từ khi cầu thủ Argentina tới Old Trafford. Điều đáng nói là cả 3 pha kiến tạo của Di Maria đều xuất phát từ những cú... sút. Trận gặp QPR, cú sút của Di Maria đi lệch khung thành, nhưng lại tìm tới chân Mata. Trận gặp Leicester, Herrera ghi bàn sau khi chủ động đánh gót làm bóng đổi hướng sau một cú sút của Di Maria. Và đêm qua là cú sút... kiến tạo cho Falcao!


(báo bóng đá)