Moyes đang giết chết sự nghiệp của Zaha?
Ngày xưa, các HLV ở Anh vẫn thường kể chuyện khi về nhà sau một trận thua cay đắng, họ sẽ đá con chó của mình kêu lên ăng ẳng. Ở Man United, sau trận thua 1-3 dưới tay Chelsea Chủ nhật tuần trước, HLV David Moyes cũng đang tìm một người trút giận. Đó có thể là Wilfried Zaha.
Để Zaha đá dự bị trong trận U21 Man United gặp U21 Middlesbrough trên sân AJ Bell ở Salford tối thứ Hai là một sự xúc phạm với khả năng của anh. Moyes đang giết dần giết mòn sự nghiệp của cầu thủ trẻ này. Ông không ưa Zaha, đó là điều nhiều người biết, nhưng 7 trận thua của Man United ở Premier League không liên quan gì tới anh.
Mỗi khi có bóng trong chân, Zaha vẫn nỗ lực hết sức, nhưng Moyes muốn điều gì đó khác từ các cầu thủ chạy cánh của ông. HLV người Scotland đòi hỏi họ làm việc cật lực, điều mà Zaha đôi lúc không thể hiện được, kể cả khi anh giúp đội bóng cũ Crystal Palace thăng hạng mùa Hè năm ngoái. Dù đã có khởi đầu khá hứa hẹn ở Man United (như ở trận đấu với Sevilla nhằm vinh danh Rio Ferdinand), Zaha mới được ra sân 3 trận kể từ đầu mùa. Anh là một mục tiêu dễ dàng cho Moyes trút giận khi ông đang xoay sở trong tuyệt vọng để cứu vãn mùa giải này. Nhưng đó là điều bất công với cầu thủ 21 tuổi.
Trước khi bạn bênh vực Moyes, hãy tìm hiểu thêm vài điều về tiền vệ cánh của Man United. Trong lần đầu Zaha được gọi vào ĐT U19 Anh, Palace đã phải mang giày tập cho anh lên tuyển. Zaha không biết rằng ở tuyển không có sẵn giày cho các cầu thủ. Sau khi ký hợp đồng 5 năm với Man United hồi đầu năm ngoái, anh đã đến sân tập Selhurst Park với xe mới gần như liên tục. Với mức lương 35.000 bảng một tuần, anh có quyền làm gì mình muốn. Khi các cầu thủ Palace khác phàn nàn và ban huấn luyện cảnh cáo Zaha không được tới tập muộn hay cãi lại HLV, anh nói mình sẽ chấp hành. Có những lúc Palace cũng khó chịu với anh, nhưng họ không làm căng vì biết anh còn trẻ. Nhưng quan trọng hơn hết, họ biết anh sẽ giúp họ thắng trận, bằng những nỗ lực cá nhân.
Đó tất nhiền không phải là hành vi của một người chuyên nghiệp mẫu mực, nhưng từ bao giờ mà Man United là một đội coi trọng đạo đức đến thế? Hôm Chủ nhật, trước chuyến làm khách tới Stamford Bridge, Moyes đã nói về vinh dự và đặc ân khi được khoác áo Man United: “Có thể có những cầu thủ tới một CLB vì tiền bạc, nhưng được khoác lên người chiếc áo với huy hiệu của Man United là một đặc ân”.
Moyes có thể đúng, nhưng không có nghĩa là mọi cầu thủ Man United đều là thiên thần. Đó là CLB từng ủng hộ Eric Cantona khi anh bị cấm thi đấu 9 tháng vì tấn công một CĐV Crystal Palace vào ngày 25/1/1995. Họ cũng ủng hộ Rio Ferdinand khi cầu thủ này lãnh án treo giò 8 tháng vì không tham gia một buổi xét nghiệm chất bị cấm định kỳ ngày 23/9/2003.
Những vi phạm đạo đức thông thường đó vượt xa những gì mà tiền vệ cánh 15 triệu bảng của Moyes đang làm. Có lẽ Moyes nên có một cuộc trao đổi với Gary Neville. Cựu hậu vệ phải này từng kể câu chuyện nổi tiếng về ấn tượng ban đầu rất khó chịu của anh với Cristiano Ronaldo, cả trên sân và ngoài đời. Trong mắt Neville, ở CR7 có sự sốc nổi, màu mè, tính tình trẻ con và cả sự ích kỷ. Ba năm sau, Ronaldo trở lại từ World Cup 2006 và theo lời Neville thì “thật không thể hiểu nổi điều gì đã xảy ra với Ronaldo trong mùa Hè. Bây giờ anh ấy đã sẵn sàng cho bất kỳ thử thách nào”. Cũng chính Neville đã kể lại việc Sir Alex Ferguson đã khôn ngoan và kinh nghiệm ra sao khi giúp Ronaldo vượt qua giai đoạn nổng nổi khi anh còn trẻ.
Zaha giờ cũng đang gặp khó khăn ở Man United, và anh xứng đáng được Moyes đối xử tốt hơn. Theo một đồng đội cũ của Moyes khi ông còn chơi bóng, Roy McDonough, cựu trung vệ người Scotland thường mang theo một quyển kinh thánh khi còn đá cho Cambridge United mùa 1984-85. Nếu những gì McDonough nói là đúng, thì HLV của Man United lẽ ra phải thể hiện nhiều sự khoan dung hơn với tiền vệ cánh còn trẻ con của ông. Tính cách của Zaha chắc chắn là có vấn đề, nhưng Man United cần những cầu thủ giỏi, chứ không phải những cậu bé 18 tuổi cư xử như "ông vua con".