Bong da

BONG-DA-ANH

“Mổ xẻ” sự sa sút của Chelsea: Cỗ máy nhiều chi tiết lỗi

Cập nhật: 26/11/2011 07:15 | 0

Ngày Villas-Boas gia nhập Chelsea, tất cả kỳ vọng The Blues sẽ lấy lại hình ảnh của một ông lớn. Nhưng, thực chất cỗ máy mà cựu HLV Porto đang vận hành vốn có quá nhiều chi tiết lỗi.




Đội hình già cỗi
Không phải cho đến sau trận thua Leverkusen người ta mới nhận thấy rằng, Chelsea quá già và chậm chạp. Ngay ở kỳ chuyển nhượng Hè, Villas-Boas đã phải gấp gáp trẻ hóa làm cho The Blues trở nên sung sức hơn. Song, những nỗ lực của chiến lược gia người Bồ chẳng khác nào “muối bỏ biển” khi mà lực nòng cốt đều đang ở giai đoạn cuối sự nghiệp. Chỉ cần nhìn vào con số 15 trụ cột của Chelsea ít nhất cũng ở độ tuổi 29 mới thấy rõ hạn chế của đội bóng này.


Hàng công tịt ngòi
Bất cứ đội bóng nào, muốn chinh phục các danh hiệu thì hàng công phải mạnh. Từ đầu mùa giải đến nay, Chelsea vẫn thắng đấy và có nhiều trận ghi được rất nhiều bàn thắng, nhưng những con số ấy không thể hiện được đúng thực chất của vấn đề mà Chelsea đang đối mặt. Sở hữu hàng loạt tiền đạo khủng như Torres, Drogba, Anelka, Sturridge, nhưng sự đóng góp của họ vào thành tích của Chelsea là vô cùng hạn chế. Thất vọng nhất trong số đó là Torres, chân sút trị giá 50 triệu bảng không còn là mình kể từ khi rời Liverpool. Sau gần 1 năm gia nhập đội chủ sân Stamford Bridge, El Nino mới ghi được vỏn vẹn 3 bàn thắng. Nếu tính chi ly, mỗi bàn thắng của chân sút người Tây Ban Nha trị giá 16,6 triệu bảng.

Chuyển nhượng bất hợp lý
Chelsea luôn nằm trong nhóm chuyển nhượng nhiều nhất giải Ngoại hạng. Chỉ tính trong năm 2011, ông chủ người Nga đã móc hầu bao gần 160 triệu bảng. Có điều hiệu quả từ những bản hợp đồng mới không mấy hiệu quả. Sau khi có được Fernando Torres và David Luiz vào tháng 1/2011, Chelsea tiếp tục đưa về Mata, Meireles, Lukaku, Courtios… ở kỳ chuyển nhượng Hè 2011. Song, ngoài Mata và Luiz phần nào chứng tỏ được giá trị, số còn lại chẳng khác nào những món đồ trang sức đắt giá mà giá trị sử dụng lại chẳng là bao.


Kỷ luật thiếu chặt chẽ
Mùa trước Chelsea là một trong 3 đội có hàng thủ chắc chắn nhất (33 bàn thua) và chơi fair-play nhất giải Ngoại hạng (59 thẻ vàng và 1 thẻ đỏ). Tuy nhiên, lúc này Chelsea đang vướng vào cả mớ rắc rối với những trận đấu “điên rồ” khi nhận tới 29 thẻ vàng và 3 thẻ đỏ. Mới đây HLV Villas-Boas còn bị FA phạt 12.000 bảng vì chỉ trích trọng tài sau trận thua QPR 0-1.

Chiến thuật không phù hợp
Sau trận thắng Genk 5-0, cựu tổng giám đốc Peter Kenyon đã không ngớt lời ca ngợi lối chơi “sexy” của Chelsea. Tuy nhiên, chỉ nhìn vào đó là chưa đủ nếu nhìn lại số bàn thua của đội bóng này. Kể từ đầu mùa, hầu như trận nào đội quân của Villas-Boas cũng phải vào lưới nhặt bóng. Nếu đem so sánh với các đội bóng tại giải Ngoại hạng Anh, hàng thủ Chelsea còn kém cả Sunderland (15 bàn thua), Fulham (15) hay Swansea (16)…

Rõ ràng, lối chơi mà chiến lược gia người Bồ Đào Nha đang sử dụng là không hợp lý với Chelsea. Sơ đồ 4-3-3 có thể giúp Chelsea tìm kiếm nhiều bàn thắng hơn, nhưng họ phải trả giá bằng rất nhiều bàn thua. Hệ lụy tất yếu là Chelsea trở nên yếu đuối và dễ dàng bị đánh bại hơn.


Huấn luyện viên quá trẻ
Đến với Chelsea, Villas-Boas đã giành được khá nhiều thành công. Cú ăn ba chức vô địch cùng với Porto mùa trước là bằng chứng cho tài năng của chiến lược gia 34 tuổi này. Song, Porto khác với Chelsea. Các cầu thủ Porto cũng không thể sánh với đội hình toàn sao của The Blues. Ở trong phòng thay đồ, Villas-Boas cũng chỉ đồng trang lứa với Lampard, Drogba và Anelka, nên thật khó để ông thể hiện cái uy cũng như yêu cầu các cầu thủ làm theo ý đồ của mình.

Không ai phủ nhận Villas-Boas là con người thông minh có khả năng giao tiếp tốt. Nhưng là một HLV người ta không chỉ cần thuật “đắc nhân tâm”. Một khi những quan điểm, đường lối chỉ đạo của Villas-Boas không mang lại hiệu quả, lập tức ông phải trả giá. Và khi mà cái uy mất, sự tin tưởng không còn, Villas-Boas khó tiếp tục dẫn dắt một đội bóng vốn có rất nhiều ngôi sao như Chelsea.


Ông chủ nhiều tham vọng
Roman Abramovich là một người mê bóng đá. Kể từ ngày tiếp quản Chelsea, ông chủ người Nga đã đầu tư không biết bao nhiêu tiền của. Tuy nhiên, cũng xuất phát từ thực tế này nên Abramovich luôn đòi hỏi các HLV phải giành được thành công ngay lập tức. Ở Abramovich không có khái niệm chờ đợi. Thực tế, kể từ 2004 đến nay có tới 7 HLV ngồi vào chiếc ghế nhiều trách nhiệm của Chelsea để đáp ứng cái gọi là “vòng quay vàng” của ông chủ người Nga.

Điều này trái ngược với Man United hay Arsenal. Khi sự tin tưởng và cơ hội thể hiện không có, các HLV luôn chịu áp lực nặng nề. Đó cũng là lý do mà Villas-Boas dễ dàng rơi vào tình trạng quẫn bách vì thành tích.

Kết luận
Chelsea sa sút là một thực tế. Nếu không có những sự điều chỉnh và thay đổi, đội bóng này còn tiếp tục rơi. Nhưng, thay đổi không phải là điều dễ dàng. Bởi nếu muốn giải quyết triệt để những bất cập, Chelsea phải chấp làm một cách cách mạng thực sự.

bongdaplus.vn