Bong da

Anh

M.C: Những vấn đề nào cần "chốt hạ" sớm?

Cập nhật: 23/07/2013 23:59 | 0

Manchester City có thể là một trong những CLB bóng đá giàu có nhất thế giới nhưng như thế không đồng nghĩa với việc họ không có lỗ hổng cần khắc phục. Dưới đây sẽ là một số gợi ý dành cho HLV Manuel Pellegrini trên con đường đưa nửa xanh thành Manchester trở thành thế lực tại nước Anh và châu Âu.

 

1. Bàn thắng biến mất
Trong mùa giải 2011-12, Manchester City đã ghi được tới 93 bàn thắng nhưng 1 năm sau đó con số này chì còn là 66. Giảm sút tới 27 bàn là một điều rất đáng lưu tâm. Điều gì đã xảy ra?

Đầu tiên phải kể tới những chấn thương dai dẳng mà Sergio Aguero đã gặp phải trong mùa bóng vừa qua khiến anh chỉ ra sân được 22 trận và ghi 12 bàn tại Premier League. Điều này hoàn toàn trái ngược với mùa giải 2011-12 khi tiền đạo người Argentina đóng góp tới 23 bàn.

 

Aguero

Chấn thương đã khiến Aguero (phải) chỉ có 12 bàn tại EPL mùa trước

 

Edin Dzeko và Carlos Tevez chơi thiếu ổn định trong khi những rắc rối hậu trường khiến Mario Balotelli không giữ được phong độ và bị đem bán cho AC Milan vào tháng 1. Bên cạnh đó, Yaya Toure cũng vắng mặt khi làm nghĩa vụ ĐTQG tại giải vô địch châu Phi còn đội trưởng Vincent Kompany phải ngồi ngoài 11 trận vì chấn thương.

Vấn đề là ở chỗ một CLB giàu có như Man City lại không thể có những giải pháp dự phòng chất lượng khi các cầu thủ chấn thương, treo giò hoặc vắng mặt. Không thể chiêu mộ van Persie, HLV Mancini đã đưa về những Sinclair, Rodwell, Garcia hay Nastasic và hầu hết đều gây thất vọng tràn trề.

Để sửa sai cho quá khứ, người kế nhiệm Pellegrini đã nhanh chóng bổ xung chiều sâu đội hình bằng những bản hợp đồng khá đắt giá như Fernandinho từ Shakhtar Donetsk hay Jesus Navas từ Sevilla. Sắp tới, Alvaro Negredo và Stevan Jovetic cũng được cho là đang trên đường tới sân Etihad.

2. Mâu thuẫn nội bộ
Những mối bất hòa dường như là chủ đề xuyên suốt tại Man City trong nhiệm kỳ Mancini làm HLV trưởng. Hình ảnh ông thầy người Italia lao vào sân tập hằm hè và suýt ẩu đả với Mario Balotelli vẫn còn in hằn trong trí nhớ của người hâm mộ The Citizens.

Đoàn kết từ lâu dường như đã là điều xa xỉ trong đội bóng. Và giờ nhiều người quân tâm là liệu Pellegrini - một người vốn rất giỏi quản lý nhân sự sẽ làm sao để tạo nên bầu không khí yên bình tại sân Etihad. Kinh nghiệm “trị sao” đã được HLV người Chile tích lũy từ khi còn quản lý những Ronaldo, Kaka hay Benzema tại Real.

Với việc Carlos Tevez đã chuyển sang Juventus, những tranh cãi và náo loạn cũng theo đó mà giảm bớt. Nếu Pellegrini có thể làm tốt nhiệm vụ quản quân, gạt bỏ những yếu tố bên lề và tôn lên được khả năng của cầu thủ, Man City đương nhiên sẽ rất đáng gờm.

3. Cải thiện hình ảnh tại châu Âu
Công bằng mà nói màn trình diễn của Man City tại đấu trường Champions League mùa trước là rất đáng thất vọng. Đứng cuối cùng tại bảng D xếp sau Dortmund, Real và cả Ajax chứng tỏ đội bóng này vẫn còn nhiều việc phải làm nếu muốn cạnh tranh một vị trí hàng đầu châu Âu.

 

Man City

Thời gian tới Man City cần cải thiện hình ảnh tại châu Âu

 

Một sự bổ xung cho họ đó là HLV trưởng Pellegrini trước khi tới đây đã có trong tay danh tiếng khá vững chắc ở châu Âu. Năm 2006 ông đã đưa Villarreal tới tận bán kết Champions League và ngay mùa giải trước tới lượt Malaga vào tứ kết, một bước đột phá của CLB này.

4. Xử lý hàng tồn
Theo khảo sát mới nhất được thực hiện bởi Tổ chức khảo sát tiền lương toàn cầu Sportingintelligence (GSSS) hợp tác với tạp chí ESPN, Man City chính là đội bóng có quỹ lương lớn nhất tại Premier League và thế giới. Trung bình 1 tuần họ chi ra tới 100.764 bảng cho 1 cầu thủ.

CLB này được cho là đang đi ngược lại luật công bằng tài chính mà UEFA đang nghiêm túc thực hiện. Kỳ chuyển nhượng mùa hè này chứng kiến sự ra đi của các ngôi sao như Roque Santa Cruz, Maicon, Wayne Bridge, Carlos Tevez và Kolo Toure cùng một số cái tên khác.

Sắp tới, sẽ có thêm những cái tên nữa không đóng góp được nhiều cho đội bóng sẽ được tạo điều kiện để ra đi một phần để Man xanh có thêm ngân sách chuyển nhượng đồng thời cũng giảm bớt những gánh nặng về lương bổng mà họ đang phải gánh.

5. Đẩy mạnh khâu đào tạo trẻ
Nhìn vào đội hình Man City vào mùa giải 2006-07 có thể nhận ra một điều đó là có vô số những tài năng trẻ trưởng thành từ lò đạo tạo của chính CLB. Những chàng trai bản địa như Nedum Onuoha, Ishmael Miller và Michael Johnson đã trải qua tất cả các cấp độ tuyển trẻ của The Citizens.

Bên cạnh đó, những Micah Richards, Nicky Weaver, Stephen Ireland, Daniel Sturridge, Joey Barton và Joe Hart đều đã gắn bó với CLB từ khi còn là một thiếu niên. Quay trở về thực tại, chỉ còn Richards và Hart được giữ lại, trong khi những cái tên khác đều đã rời đội bóng.

 

Richard Hart

Hiện tại chỉ có Hart và Richards trưởng thành từ của lò đào tạo trẻ Man City

 

Tại thành phố Manchester, hàng xóm Man United có thể tự hào về công tác đào tạo trẻ. Trong khi đó, Man City lại đi theo hướng quen thuộc của những đội bóng giàu có khác đó là dùng tiền để chiêu mộ tài năng.

Đó cũng là điều HLV Pellegrini đã hứa hẹn sẽ thay đổi: “Tôi không ở đây chỉ để tìm kiếm danh hiệu, tôi ở đây còn là để phát triển các cầu thủ trẻ. Tôi sẽ không mua 4 hay 5 cầu thủ mới mỗi năm, chúng ta cần tạo điều kiện cho những tài năng triển vọng”, ông nói trên trang web của BBC.


Chung An (Báo bóng đá điện tử: ibongdavn.com)