Man United bứt tốc: Hay? May? Và bao lâu?
Có một câu chuyện diễn ra trước trận Chelsea gặp M.U ở Premier League mới đây. Cụ thể, đã có những CĐV của Qủy đỏ đánh giá thấp đối thủ bằng luận cứ: “Tuổi của Sir Alex gấp đôi tuổi Di Matteo”. Luận cứ ấy nghe cũng có vẻ logic, nhất là căn cứ vào câu châm ngôn “Khôn không đến trẻ, khỏe chẳng đến già”. Là HLV cần khôn hơn là cần khỏe. Nhưng nghe đến chuyện đó, tôi chợt nhớ tới hai chuyện, một có thật và một không thật.
Chuyện thật là từng có thời gian, khi M.U gặp Barca, người ta cũng lôi tuổi tác của Pep Guardiola để ‘nói chuyện’. Và khi M.U thua, không ai nhắc lại câu “Pep trẻ trâu” nữa.
Chuyện không thật thực ra được liên tưởng đến câu chuyện vui khác. Fergie và Di Matteo đâu có tranh cãi nhau về chuyện già - trẻ. Chỉ có CĐV thì thích lôi ra so sánh như một bằng chứng bảo đảm tài năng của một HLV. Có khi, Fergie một ngày nào đó lại chẳng mắng quý tử Darren Ferguson rằng: “Bằng tuổi con, tay Di Matteo đã huấn luyện Chelsea vô địch Champions League rồi đấy”. Còn Di Matteo, cũng có thể một hôm nào đó, ngồi trách ông bố lười nhác rằng: “Ở tuổi bố, lão Ferguson vẫn còn huấn luyện được M.U kìa”.
Từ câu chuyện vui liên tưởng và không có thật kia, ta có thể nghĩ đến một điều “có thật” trong cái không thật ấy. Đó chính là thời vận. Con người rất cần thời vận. Thế nên, có người vận tốt, như Di Matteo, trở thành HLV vô địch Champions League ở tuổi 42. Còn có người vận chưa tới, hoặc không tốt, như Darren, con trai của Fergie, giờ này đã gần 40 rồi, nhưng vẫn còn lăn lộn với mấy đội bóng quèn.
Và như con người, đội bóng cũng có vận của nó.
Thế nên, không thể nói là M.U không may mắn được. Họ rất may khi gặp Arsenal trong tình trạng Pháo thủ què quặt. Và may hơn nữa, khi họ thắng Arsenal, thì Chelsea và Man City lại để các đội bóng yếu hơn cầm hòa. Nói rộng ra, họ cũng may khi gặp Chelsea mới bị Shakhtar đá cho lên bờ xuống ruộng. Cái may của thời vận ấy, không thể nào bị phủ nhận.
Nhưng phải nói thực, phải thừa nhận, M.U rất hay chứ không chỉ có may mắn không thôi. Số phận cho M.U được 10, nhưng nếu họ không có lực và không nỗ lực chắc chắn sẽ không lấy hết được 10 phần số phận muốn cho. Cái hay của M.U thì nhiều, nhưng nổi bật nhất ở mùa này là một thứ hay khá lạ. Đó là triết lý mới mà cũ của Fergie.
Nhiều người sẽ thấy M.U hiện tại giống M.U vàng son của mùa 1998/99 khi sự xuất hiện của Van Persie bên cạnh Rooney có vẻ hao hao Cole và Yorke hồi đó. Đúng là giống M.U 1998/99 thật, nhưng không phải về con người, mà là về sử dụng con người.
Các đại gia Premier League khoảng một thập niên trở lại đây ưa dùng bóng trung bình, bóng sệt hơn là bóng bổng truyền thống của Anh. Và các đại gia Premiership cũng bớt chú trọng vào thể lực khi coi trọng kỹ thuật hơn. Fergie không có điều kiện để tham gia cuộc đua leo thang tăng cường ngôi sao như Man City hay Chelsea. Và ông chọn cho M.U quay lại với lối chơi chú trọng thể lực để khắc chế các đối phương kỹ thuật. Thế nên, đối diện các đội bóng nhỏ có lối chơi thể lực, M.U có vẻ vất vả. Còn đối diện các kỹ thuật gia như Liverpool, Chelsea, Arsenal, M.U chơi thanh thoát hơn rất nhiều. Cái hay trong cách tính của Fergie nằm ở đó.
Nhưng điều quan trọng nhất, câu hỏi quan trọng nhất vẫn là “Khi cái vận của M.U đi qua, liệu cái hay đó của họ sẽ phát huy được bao lâu?”