Từ “lose” trong tiếng Anh bây giờ được hiểu theo nghĩa chung chung là thua cuộc. Thua một trận chiến lớn với nhiều người vong mạng cũng là thua, mà trong chơi bài hay đổ xúc xắc cũng dùng từ thua. Thật ra ở thuở ban đầu, bắt nguồn từ hậu tố “-lausa” trong tiếng Giéc-manh cổ, nó chỉ mang một nghĩa: bị tiêu diệt trên chiến trường (với một người) hoặc sụp đổ (với một quân đội, một quốc gia). Cái nghĩa nhẹ nhàng “thua trong một trò chơi” chỉ được bắt đầu dùng từ khoảng giữa thế kỷ 16.
Cái nghĩa “thắng một cuộc chơi” của từ “win” thì còn ra đời muộn nữa. Lần đầu tiên các sử gia bắt gặp động từ “win” với nghĩa ấy trong các văn bản cổ là năm 1862. Trước đó, nó chỉ dùng để nói về cuộc sống, về chiến tranh.
Từ lịch sử nguyên từ của 2 từ “win” và “lose”, dễ liên tưởng đến một điều mà ai cũng đã biết: thua và thắng có nhiều cấp độ khác nhau. Có thể đó chỉ là kết cục của một cuộc chơi vui vẻ, có thể đó sẽ là kết cục của một giai đoạn trong cuộc sống.
Và điều thú vị nhất trong bóng đá, nơi ranh giới giữa “cuộc sống” và “trò chơi” gần như không tồn tại, người ta có thể chọn cho mình tính chất của mỗi thất bại và chiến thắng.
2. Man City đã thua. Họ không khủng hoảng, đó là điều cần khẳng định. Nhưng không thể vin vào một quả penalty bị trọng tài bỏ qua (khi Bosingwa phạm lỗi với Silva) và một chiếc thẻ đỏ của Clichy để phủ nhận triệt để thất bại ấy. Thẻ đỏ của Clichy là một hình phạt xác đáng: Man City đã không hề có phương hướng ngăn chặn hiệu quả Sturridge, một trong những nhân tố bùng nổ nhất trên hàng công Chelsea, dẫn tới 2 chiếc thẻ vàng của Man City.
Và một nhà vô địch (hay một kẻ muốn trở thành vô địch) nên biết cách trụ vững trong hơn 30 phút với chỉ 10 người. Nhất là khi họ sở hữu những cầu thủ phòng ngự đắt tiền như thế.
Chelsea đã thắng. Và cũng cần khẳng định luôn là họ chưa lấy lại được dáng vóc của một kẻ hủy diệt. Chi tiết quả penalty bị bỏ qua của Silva đến đây lại có ý nghĩa: nếu nó được thổi, chưa biết điều gì sẽ đến với đoàn quân của Villas-Boas. Chelsea cũng đã không thực sự dồn ép được Man City khi đá hơn người.
Việc trận đấu tại Stamford Bridge được quyết định bởi nhiều chi tiết, dễ gây nhiều quan điểm trái chiều như thế, đặc biệt thú vị: lựa chọn thái độ nào cho nó, bây giờ do 2 HLV tự quyết định.
3. Roberto Mancini tuyên bố rằng, Man City chẳng bị ảnh hưởng gì với một trận thua. Câu này có lý, bởi dẫu sao ông cũng đã rất thực tế mà nói rằng ngày Man City thua trận chắc chắn sẽ đến, và cách họ thua chưa phải thảm họa.
Nhưng nếu thái độ của Mancini là bàng quan, mọi chuyện sẽ trở nên nguy hại. Ai dám nói rằng Man City không có vấn đề? Ngay cả cái cách mà Lescott vung 2 tay quá xa khi cố cản quả bóng từ chân Sturridge (dẫn đến quả phạt đền quyết định), dù cố tình hay không, cũng là vấn đề cần khắc phục rồi.
HLV Villas-Boas tất nhiên là vui sướng. Ông lại có cớ mắng dư luận, nói đại ý đừng cố tạo vấn đề sau mỗi lần Chelsea thắng trận nữa. Nhưng sau màn tự tán dương, có thể HLV người Bồ Đào Nha vẫn cần tiếp tục suy ngẫm. Chelsea vẫn cần một bộ dạng hào sảng hơn (hay ít ra là ông chủ của ông sẽ muốn như thế).
Đó là một trận đấu mà kết cục của nó không gợi lên những cảm giác thực sự rõ ràng. “Win” nào và “lose” nào, bây giờ do những cái đầu tự thỏa thuận với chính mình.
Bongdaplus.vn