Bong da

Anh

Lăng Kính: Tuyển Anh & cuộc đi bộ 10 năm

Cập nhật: 09/09/2012 14:01 | 0

Trong khi các nền bóng đá khác phát triển phi mã, thì Tam sư đủng đỉnh đi bộ suốt 10 năm...

Lăng Kính: Tuyển Anh & cuộc đi bộ 10 năm
Lăng Kính: Tuyển Anh & cuộc đi bộ 10 năm
1. Trong trận đấu gần nhất của Anh ở một VCK, gặp Italia tại vòng 1/8 EURO 2012 ngày 24/6 mới đây, trong đội hình của họ có 6 cầu thủ đã gia nhập đội tuyển từ năm 2003 đổ lại: Lescott (2003), Terry (2003), Ashley Cole (2001), Parker (2003), Rooney (2003) và Steven Gerrard (2000). Con số này, tất nhiên có thể cao hơn nếu Frank Lampard không phải ở nhà vì chấn thương, và cũng chẳng thay đổi nếu thay thế Lescott bằng Ferdinand.

Đội hình của Tây Ban Nha và Italia trong trận chung kết EURO 2012, mỗi bên chỉ có 3 cầu thủ khoác áo đội tuyển lần đầu trước năm 2003. Tây Ban Nha có Alonso, Xavi và Casillas. Italia có Pirlo, Buffon và Cassano.

Tỷ lệ này, với đội tuyển Đức ở EURO 2012 còn thấp hơn: ngoại trừ Miroslav Klose, toàn bộ đội hình nước này được phát hiện và trau dồi trong khoảng 10 năm trở lại đây.

Như thế, có thể coi tuyển Anh là đội bóng trì trệ nhất của bóng đá châu Âu. Trong suốt 10 năm qua, họ ít thay đổi về nhân sự nhất. Nếu xét kỹ ra thì trong 5 cái tên “hậu 2003” có mặt trong trận gặp Italia, cũng chẳng còn mấy người xứng đáng được coi là trụ cột của đội tuyển.

2. Đó là kết quả tất yếu của một giải đấu mà tỷ lệ cầu thủ nước ngoài đè bẹp cầu thủ bản địa. Với chỉ 31,5% cầu thủ mang quốc tịch Anh ra sân tại Premiership cuối tuần qua, số lượng người Anh có cơ hội đá chính tại Anh chỉ bằng một nửa so với người Tây Ban Nha hay Italia trên quê hương họ.

Tất nhiên, hệ thống đào tạo là nguyên nhân chủ chốt. Nhưng đó là vấn đề mà người Anh đã tự dằn vặt quá nhiều. Thống kê lại chỉ để chỉ ra rằng, người Anh đang khát khao những phát hiện mới như thế nào.

Họ đã hy vọng nhiều lần để rồi thất vọng, cả vì chủ quan lẫn khách quan. Theo Walcott từng một thời được coi là tương lai. Nhưng anh không hề tiến bộ theo năm tháng. Chỉ 1 năm trước, Tom Cleverley và Jack Wilshere được dự đoán sẽ là những trụ cột tại EURO 2012. Nhưng chấn thương khiến cả hai cầu thủ này mất tích.

Dưới triều đại của Roy Hodgson, hy vọng lại được nhen lên. 16 năm trước, cũng trong trận đầu tiên của chiến dịch vòng loại World Cup 1998, Anh đã gặp Moldova. Trận đấu đó chính là lần khoác áo đội tuyển đầu tiên của một huyền thoại: David Beckham. “Nhân tố trẻ” Beckham sau này trở thành cầu thủ đá nhiều trận nhất trong lịch sử bóng đá Anh (không tính vị trí thủ môn).

Việc tìm ra những nhân tố mới cũng đồng nghĩa với việc có thêm các giải pháp chiến thuật, xây dựng những triết lý bóng đá mới. Chính vì không có con người, nên 3 đời HLV tuyển Anh đã bó tay trong việc làm nên một cuộc cách mạng.

3. 16 năm sau ngày Beckham mặc áo mới, cũng trước Moldova, hai cái tên mới ghi dấu ấn: Tom Cleverley và Alex Oxlade-Chamberlain. Hai tiền vệ trẻ này đã có một trận đấu rất hay, và mặc dù đối thủ chỉ xếp hạng 141 thế giới, cũng vẫn tạo ra tín hiệu về một sự khởi sắc lớn lao hơn.

Cleverley và Oxlade-Chamberlain là những tiền vệ có khả năng đi bóng và đột phá, những người vừa có thể đóng vai trò tổ chức, kiến tạo lẫn kết liễu đối phương. Họ có thể là chìa khóa cho một thời đại chiến thuật đa dạng hơn cho Anh, một tuyển Anh uyển chuyển và có thể biến hình trong 90 phút.

Hy vọng đã được nhen lên sáng rõ. Và không ai muốn lại phải chứng kiến những “hiện tượng” không thể bứt phá như Walcott, Carroll hay Bent nữa. Trong khi các nền bóng đá khác phát triển phi mã, thì Tam sư đủng đỉnh đi bộ suốt 10 năm.

Nguồn bongdaplus.vn